Vương quốc Phù Nam: Quốc gia cổ huyền bí bị vùi sâu

14/07/2022 06:23 GMT+7

Sử liệu Trung Hoa viết về thời Thương Chu của nước này đã ghi nhận về một vương quốc cổ có tên gọi là Phù Nam (Fou Nan) trên địa bàn Nam bộ Việt Nam ngày nay.

Tác phẩm Hậu Hán thư, khi chép về truyện sứ giả Việt Thường thị sang cống chim trĩ trắng cho vua Chu Thành Vương vào năm 1.110 trước Công nguyên, trên đường trở về nước, sứ giả phải đi qua nước Lâm Ấp (Champa) và Phù Nam.

Sau đó, sử gia Trung Hoa cũng ghi chép rất nhiều về vương quốc Phù Nam qua các tác phẩm Phù Nam dị vật chí, Phù Nam ký... và các tác phẩm dẫn lại như Sử ký, Tam quốc chí, Lương thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư..., đều ghi nhận: Vua nước Phù Nam vốn là người con gái tên là Liễu Diệp, thời đó, có người nước ngoài là Hỗn Hội (Hỗn Điệp), thờ tiên thần, nằm mộng thấy thần ban cho cây cung và dạy là phải đi thuyền ra biển lớn.

Sáng ngày, Hỗn Hội đến đền thờ thần, được cây cung rồi theo thuyền lênh đênh trên biển tới ấp ngoài của nước Phù Nam. Liễu Diệp đưa người ra chống lại. Hỗn Hội dương cung bắn, Liễu Diệp sợ hãi xin hàng. Hỗn Hội bèn lấy Liễu Diệp làm vợ và chiếm cứ đất nước, con cháu truyền cho nhau cai trị.

Tuy nhiên, sử liệu ít mô tả về cương giới, đặc điểm về nhà nước Phù Nam cũng như mọi mặt của đời sống cư dân của vương quốc cổ này. Do bị lụi tàn vào sau thế kỷ 7, vương quốc Phù Nam bị người Chân Lạp xâm chiếm, dấu tích rực rỡ của vương quốc cổ xưa cũng bị vùi lấp dưới các lớp đất bùn của châu thổ Cửu Long và sự hoang vu hóa của rừng rậm trong suốt một thời gian dài.

Chân Lạp ban đầu là một thuộc quốc/tiểu quốc của Phù Nam. Nhà nước Chân Lạp đã hình thành và phát triển ở vùng trung lưu sông Mê Kông, cư dân lấy nông nghiệp làm nghề sống chính, còn Phù Nam là một quốc gia ven biển, có truyền thống thương nghiệp, trong đó có cả hoạt động thương hải. Phù Nam từng là một vương quốc hùng mạnh, có một số thuộc quốc nay thuộc khu vực Nam Đông Dương, một phần Thái Lan, Malaysia.

Phòng trưng bày vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Lương Chánh Tòng

Trong chương trình nghiên cứu đề tài Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam của ĐH Quốc gia TP.HCM do PGS-TS Đặng Văn Thắng chủ nhiệm đề tài trên cơ sở tổng hợp các nguồn sử liệu ghi chép và tư liệu khảo cổ học, nhóm nghiên cứu đã phác họa ghi nhận 3 tiểu quốc: Tiểu quốc Na Phật Na tương ứng với địa bàn An Giang - Kiên Giang và một số vùng phụ cận hiện nay; Tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy” tương ứng với khu vực Đồng Tháp Mười và vùng phụ cận; Tiểu quốc Cát Tiên tương ứng với khu vực Cát Tiên thuộc Lâm Đồng và một số khu vực thuộc Đồng Nai.

Vùng đất nhiều rừng rậm, lắm bãi sình lầy

Nước Chân Lạp sau khi xâm chiếm được Phù Nam, tiếp tục mở rộng, bao gồm một phần lãnh thổ phía tây Nam bộ VN ngày nay. Năm 706, nước Chân Lạp lại chia làm hai: Lục Chân Lạp mà trung tâm là khu vực Biển Hồ thuộc Campuchia và Cò Rạt thuộc Thái Lan ngày nay và Thủy Chân Lạp ở hạ lưu sông Mê Kông (Nam bộ VN ngày nay). Sau đó Chân Lạp lại bị nước Java chiếm, đến năm 802 mới khôi phục lại được quyền tự do và rút về phía bắc Biển Hồ. Đó là địa bàn chủ yếu của người Khmer…

Thủy Chân Lạp là vùng lãnh thổ phần lớn bị ngập nước, nhiều rừng rậm, lắm bãi sình lầy. Những người Khmer - Chân Lạp mới đến với số lượng không đông và còn tập trung vào việc chinh chiến, mở rộng lãnh thổ, nên rất hạn chế trong việc tổ chức khai thác. Ngay việc cai trị, phần lớn vùng đất Thủy Chân Lạp dường như cũng được giao cho những người thuộc dòng dõi vua Phù Nam

Thế kỷ 13, sứ thần Trung Hoa là Chu Đạt Quan đến vùng đất Nam bộ đã viết trong tác phẩm Chân Lạp phong thổ ký về vùng đất Nam bộ như sau: “Bắt đầu vào Chân Bồ (vùng cửa sông Tiền Giang), phần lớn là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở đó. Đến nửa cảng mới thấy đồng ruộng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhà ra xa chỉ thấy cây lúa, rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp thành từng đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó đốt có gia, măng rất đắng. Bốn mặt đều có núi cao”.

Tình trạng hoang vu ở đây còn kéo dài đến tận cuối thế kỷ 18 khi Lê Quý Đôn ghi chép về vùng đất trong Phủ biên tạp lục: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”.

Từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, triều đình Chân Lạp gặp nhiều khó khăn do mâu thuẫn nội bộ và do sự can thiệp của Xiêm nên ngày càng suy yếu. Tuy vậy, ít tai biết rằng, dưới lớp đất sình lầy, phù sa của hệ thống sông Mê Kông và các con sông khác vùng đất Nam bộ là dấu tích của cả một quốc gia cổ huyền bí bị vùi sâu - vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo rực rỡ tỏa sáng với thế giới bên ngoài trong những thế kỷ đầu Công nguyên. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.