‘Vươn mình’ bằng chất lượng đào tạo và năng lực khoa học công nghệ

21/06/2022 11:57 GMT+7

Với những bước đi đúng đắn, Trường đại học Đà Lạt (Lâm Đồng) đang nỗ lực để vươn mình trở thành một trung tâm ưu tú trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trên bản đồ giáo dục đại học Việt Nam cũng như khu vực.

Chú trọng hợp tác quốc tế

TS Lê Minh Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết Trường đại học (ĐH) Đà Lạt là một cơ sở giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. Các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường rất đa dạng, thuộc các khối ngành: Sư phạm; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên và công nghệ; kinh tế và quản lý, trong đó có: 41 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy; 9 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 6 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, trường còn đào tạo theo các hình thức giáo dục thường xuyên rất phong phú, bao gồm vừa làm vừa học, văn bằng hai, liên thông, và các hình thức bồi dưỡng ngắn hạn khác. Chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ theo chuẩn đầu ra quốc tế CDIO. Nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, không chỉ trang bị cho người học kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn chú trọng trau dồi các kỹ năng và thái độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thế giới việc làm trong kỷ nguyên số.

Toàn cảnh Trường ĐH Đà Lạt

Cũng theo TS Lê Minh Chiến, trong xu thế hội nhập quốc tế, Trường ĐH Đà Lạt luôn xem việc mở rộng đối tác và mạng lưới quan hệ đối ngoại là một trong các nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình. Trường hiện có quan hệ đối ngoại rộng khắp và đi vào chiều sâu với nhiều cơ sở giáo dục ĐH, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế, trường đã tận dụng được các nguồn tài trợ để hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm; mời các giáo sư, nhà khoa học quốc tế đến giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên và giảng viên của trường; tranh thủ các nguồn học bổng để cử giảng viên nhằm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cử sinh viên làm thực tập sinh khoa học để có cơ hội tiếp cận với môi trường học tập và nghiên cứu của các nước phát triển nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế.

Phòng thực hành Tài chính

Nguồn ảnh: Gia Bình

Thụ nhân - Khai phóng - Bản sắc

Trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Trường ĐH Đà Lạt xác định sứ mệnh của mình là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, và chuyển giao công nghệ phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng cũng như các địa phương khác trong cả nước. Tầm nhìn đến năm 2030, Trường ĐH Đà Lạt sẽ là trường ĐH được kiểm định theo các tiêu chuẩn của AUN-QA; và phát triển từ Trường ĐH Đà Lạt thành Đại học Đà Lạt với ít nhất 3 trường ĐH thành viên.

“Trong quá trình chuyển mình để hội nhập quốc tế, tập thể viên chức, người lao động và người học của trường nỗ lực gìn giữ và phát huy 3 giá trị cốt lõi “Thụ nhân - Khai phóng - Bản sắc”. Các giá trị cốt lõi này xác lập những nguyên tắc căn bản và quan trọng cho mọi quyết định và hoạt động của trường”, TS Lê Minh Chiến cho hay.

Sinh hoạt học thuật tại Trung tâm AIC-DLU

Nguồn ảnh: gia bình

Các chương trình giáo dục của trường hướng đến tinh thần “Thụ nhân” và mang đậm tính nhân bản bởi không chỉ chú trọng việc cung cấp kiến thức chuyên môn và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp cho người học, mà còn đặt trọng tâm vào việc tăng cường sự thấu hiểu các giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, và nuôi dưỡng nơi người học tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng và lòng nhiệt thành phụng sự Tổ quốc. Trường dựa trên căn bản triết lý giáo dục “Khai phóng” nhằm đào tạo ra những con người có nền tảng kiến thức rộng, có tư duy phản biện, có kỹ năng nghề nghiệp linh hoạt, có khả năng sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi không ngừng của xã hội. Các chương trình nghiên cứu và giảng dạy của trường phản ánh và nuôi dưỡng các giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây nguyên nói riêng cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa của Việt Nam nói chung.

Một góc thư viện của trường

nguồn ảnh: gia bình

Đội ngũ đạt chuẩn, hạ tầng hiện đại

Trường ĐH Đà Lạt hiện có 450 viên chức và người lao động, trong đó có 317 giảng viên, với 15 PGS-TS, 104 TS, 211 ThS. Tỷ lệ giảng viên có trình độ TS đạt trên 37%, vượt mức trung bình chung của các trường ĐH trong cả nước. Thực hiện nhất quán chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên và nhà khoa học, nhà trường hiện có cơ cấu viên chức theo hướng chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ trên 70%. Trường thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo chuẩn chức danh nghề nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chỉ trong năm học 2020-2021, đã có thêm 16 nghiên cứu sinh tốt nghiệp trở về trường nhận công tác, trong đó có 14 TS từ các cơ sở giáo dục đại học uy tín ở nước ngoài. Đây là điều kiện rất thuận lợi để trường tập trung nguồn lực cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Một góc phòng học đa phương tiện của Khoa Quốc tế học của trường

Thiện Nhân

Trường ĐH Đà Lạt tọa lạc trên một cụm đồi tuyệt đẹp với tổng diện tích hơn 30 ha. Hệ thống giảng đường rộng lớn với trang thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại, cảnh quan sư phạm thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp nhằm tạo ra môi trường giảng dạy và học tập tốt nhất. Bên cạnh đó, hơn 44 phòng thí nghiệm, phòng thực hành, khu thực nghiệm ngày càng được hiện đại hóa và đầu tư chiều sâu; các bảo tàng lịch sử - văn hóa, các bảo tàng tài nguyên thực vật và động vật phong phú cũng là ưu thế vượt bậc về cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ của trường. Ngoài ra, trường còn có hệ thống thư viện hiện đại và hệ thống ký túc xá đầy đủ tiện nghi sẵn sàng đáp ứng, phục vụ nhu cầu người học.

Với sự tài trợ của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific Group - IPPG), Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Trí tuệ nhân tạo Trường ĐH Đà Lạt (Artificial Intelligence Center - Dalat University: AIC-DLU) được thành lập vào tháng 5.2022 là kết quả của những chủ trương đúng đắn và sự quyết tâm của trường trong việc thực hiện các chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo của Chính phủ, góp phần xây dựng, hoàn thiện Hệ sinh thái giáo dục AI-Robotics ở Việt Nam. Thực thi sứ mệnh của mình, trong tương lai gần, Trung tâm AIC-DLU sẽ là địa chỉ nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo trí tuệ nhân tạo lớn ở khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.

“Trường ĐH Đà Lạt luôn chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số nhằm đẩy mạnh triển khai xây dựng nền hành chính điện tử, cung cấp dịch vụ công nghệ trực tuyến trong hoạt động quản trị, quản lý, điều hành nhà trường; đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học; phương thức kiểm tra, đánh giá; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học; phát triển học liệu số, đưa tương tác và trải nghiệm trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục chính đối với giảng viên và người học, nâng cao năng lực tự chủ và trang bị kỹ năng số cho người học”, TS Lê Minh Chiến cho biết.

Bảo tàng côn trùng ở Trường đại học Đà Lạt

nguồn ảnh: gia bình

Quốc tế hóa tạp chí khoa học

Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt (tạp chí) là diễn đàn cho các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài trường công bố, trao đổi các phát hiện, kết quả nghiên cứu của mình. Vì thế, sự phát triển của tạp chí phản ánh trực tiếp năng suất khoa học và là một trong những thước đo cho sự trưởng thành về năng lực khoa học, công nghệ của trường.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự thành công và khả năng hội nhập quốc tế của tạp chí sẽ tạo ra những tác động tích cực đến quá trình nâng cao vị thế và học hiệu của Trường ĐH Đà Lạt trên bình diện khu vực và quốc tế, góp phần củng cố và tăng cường năng lực hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Do vậy, việc quốc tế hóa tạp chí không chỉ phù hợp với chiến lược hội nhập quốc tế của trường, mà còn góp phần đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong giai đoạn phát triển Trường ĐH Đà Lạt thành một ĐH mang tầm khu vực Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học của trường tiếp cận với trình độ, chuẩn mực và yêu cầu quốc tế về nghiên cứu và công bố công trình khoa học. Điều này góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy nói riêng, năng lực khoa học - công nghệ của trường nói chung.

Thư viện Trường ĐH Đà Lạt

Đồng hành cùng quá trình phát triển của nhà trường, Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt đã trải qua chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển trên cơ sở kế tục truyền thống và uy tín của Thông báo Khoa học ĐH Đà Lạt. Thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ năm 2015, trường đã xây dựng, triển khai chiến lược nâng cấp Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt theo các tiêu chuẩn quốc tế và đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

Cũng theo TS Lê Minh Chiến, Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt là một trong 6 tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được chấp thuận chỉ mục vào Hệ thống trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN Citation Index - ACI) từ năm 2017; là tạp chí khoa học đa ngành đầu tiên xuất bản bởi một đơn vị trong nước được chấp nhận làm thành viên chính thức của Ủy ban Đạo đức xuất bản quốc tế (Committee on Publication Ethics - COPE) từ năm 2018 và được chỉ mục vào Thư mục Các tạp chí truy cập tự do (Directory of Open Access Journals - DOAJ) - một cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế uy tín; là tạp chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp DOAJ SEAL từ năm 2020, và trở thành đối tác chính thức của Publons (Web of Science) từ 2021. Các lĩnh vực được Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt xuất bản đã được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận và tính điểm công trình khoa học trong 10 ngành/liên ngành (tính đến 2021), và được Hội đồng Quản lý Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) công nhận là một trong 8 tạp chí quốc gia có uy tín thuộc lĩnh vực Vật lý từ 2019.

Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, từ năm 2021, tạp chí đã xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các bài báo gửi đăng trên tạp chí đều được thẩm định nghiêm ngặt bởi một thành viên hội đồng biên tập và được bình duyệt bởi ít nhất một chuyên gia phản biện độc lập thông qua quy trình bình duyệt kín hai chiều, với tỷ lệ chấp nhận đăng bình quân trong 3 năm gần đây xấp xỉ 45%. Tạp chí sử dụng phần mềm iThenticate để sàng lọc đạo văn, đảm bảo tính liêm chính học thuật của các công trình trước khi xuất bản. Nhờ vậy, chất lượng các công trình công bố trên tạp chí ngày càng tăng và từng bước tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Cũng trong năm 2021, Tạp chí Khoa học ĐH Đà Lạt tự hào là tạp chí Việt Nam đầu tiên (được xuất bản bởi một đơn vị trong nước) thỏa mãn đầy đủ 19 tiêu chuẩn để trở thành đối tác chính thức của Publons Reviewer Recognition Service (PRRS) - một giải pháp công nghệ hiện đại do Clarivate Analytics cung cấp nhằm giúp tăng cường tính minh bạch và sự liêm chính trong hoạt động xuất bản học thuật, chất lượng và hiệu quả của quy trình bình duyệt của các tạp chí khoa học.

“Trong tầm nhìn 2030, tạp chí sẽ tiếp tục đổi mới hệ thống quản lý xuất bản trực tuyến để đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức theo các chuẩn mực quốc tế về xuất bản công trình nghiên cứu khoa học, hướng đến mục tiêu trở thành diễn đàn trao đổi học thuật có uy tín cao của Việt Nam và khu vực, đóng góp vào nỗ lực nâng cao năng lực khoa học - công nghệ của Trường ĐH Đà Lạt”, TS Lê Minh Chiến cho biết.

Trường ĐH Đà Lạt được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức CDIO quốc tế (từ 2017), được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT (từ 2019) và là thành viên của Mạng lưới đảm bảo chất lượng của các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - Quality Assurance: AUN-QA) từ 2020. Đây là những tiền đề quan trọng để, trong thời gian tới, các chương trình đào tạo của Trường được kiểm định và công nhận chất lượng bởi Bộ GD-ĐT và/hoặc AUN-QA.

Trường đã được trao tặng Huân chương Lao động các hạng nhất, nhì và ba của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; bằng khen, cờ thi đua của Bộ GD-ĐT, của các cấp chính quyền trung ương và địa phương, cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.