Vườn cà phê gây quỹ cộng đồng

08/09/2023 08:32 GMT+7

Từ những khu đất công cộng ở xã Glar (H.Đăk Đoa, Gia Lai), người dân và các đoàn viên, thanh niên đã phát triển các mô hình trồng cà phê, lợi nhuận thu được dùng để gây quỹ phục vụ cho công việc chung của làng.

Đấy là việc làm đầy nhân văn của những người dân Ba Na trong nhiều năm nay. Cuộc sống còn khó khăn bộn bề nhưng tinh thần chung tay vì cộng đồng đã mang lại sự ấm áp nơi vùng quê nghèo. Ở đó, có thêm tiếng cười mãn nguyện của người già, góp thêm tiếng cười thơ ngây của con trẻ đến lớp, vang vọng tiếng cười đùa của lớp thanh niên trong những buổi lao động tập thể nhằm gây quỹ giúp dân.

Họ khiêm tốn rằng đó chỉ là chút công đóng góp cho làng, song đấy là hình ảnh đẹp như những bông hoa pơ lang đỏ thắm miên man dọc triền sông.

Vườn cà phê gây quỹ cộng đồng - Ảnh 1.

Vườn cà phê thanh niên luôn cho năng suất cao

TRẦN HIẾU

CÀ PHÊ CỘNG ĐỒNG CỦA... NGƯỜI GIÀ

Đó là cách nói vui của nhiều người về mô hình cà phê cộng đồng do các chi hội nông dân ở xã Glar quản lý để phân biệt với mô hình tương tự của đoàn viên, thanh niên. Chuyện là người dân đã tận dụng đất sinh hoạt của thôn Dơk Rơng trồng 2,6 ha cà phê từ năm 2008. Vườn cà phê này được chia nhỏ, giao cho 10 tổ (gồm nhiều hộ dân) tham gia quản lý, chăm sóc và bảo vệ thường xuyên với khoảng 160 - 200 cây/tổ. Các tổ cắt cử người thay nhau cắt cành, bón phân, tưới nước… và thu hoạch. Số tiền thu được khoảng 200 - 250 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí phân, thuốc, ít công cán tượng trưng, dầu chạy máy tưới nước…, còn lại được giữ làm quỹ cho thôn mỗi khi cần dùng đến.

Chỉ ra vườn cà phê xanh tốt, anh Am Yứt (43 tuổi, ở thôn Dơk Rơng) chia sẻ: "Tổ của mình có 21 hộ được giao chăm sóc 200 gốc cà phê. Niên vụ vừa rồi thu cà phê hạt bán được 40 triệu đồng, toàn bộ đều nộp về quỹ của thôn, công khai để mọi người cùng biết. Tiền quỹ này để làm đường dân sinh, giúp những gia đình khi có công chuyện ngặt nghèo… Từ khi có nguồn quỹ này, người dân không phải lấy tiền nhà để đóng góp như trước đây".

Vườn cà phê gây quỹ cộng đồng - Ảnh 2.

Từ nguồn quỹ thu được trong mô hình trồng cà phê, thanh niên đã đầu tư hàng chục triệu đồng lắp dàn đèn năng lượng chiếu sáng đường làng

Những người dân được giao chăm sóc vườn cà phê luôn có ý thức cao và cũng thi đua với các tổ khác. Vì vậy, diện tích cà phê này có khi còn cho năng suất cao hơn cà phê của nhiều gia đình tự trồng. Cứ mỗi lần sử dụng quỹ vào việc gì, người trong thôn đều họp lại để thống nhất. "Việc huy động người dân đóng góp cho các hoạt động chung trước đây rất khó khăn. Cũng chỉ vì cuộc sống của phần đông bà con còn nghèo khó thôi. Khi thấy diện tích đất trống của làng rộng, chúng tôi đã vận động người dân trồng cà phê gây quỹ, vừa tránh lãng phí quỹ đất, lại góp phần sạch đẹp bộ mặt làng, mặt khác có nguồn tiền để dùng chi phí cho các hoạt động chung. Người dân khi nghe thuận tai đều tích cực hưởng ứng, chung tay, chung lòng gầy dựng nên những vườn cà phê xanh tốt", ông Wut, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Dơk Rơng, nói.

Mô hình cà phê cộng đồng của thôn Dơk Rơng đã có hiệu ứng tốt, lan tỏa ra 8 thôn, làng còn lại của xã Glar. Nguồn quỹ từ vườn cà phê cộng đồng ngoài được dùng để phục vụ việc của thôn, làng, còn cho những hộ khó khăn vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất...

MÔ HÌNH VƯỜN CÀ PHÊ THANH NIÊN

Mô hình vườn cà phê thanh niên cũng đang lan tỏa ở xã Glar. Từ 10 năm nay, thanh niên làng Groi 1 (xã Glar) trồng được 700 gốc cà phê, tương đương 7 sào đất. Hơn 50 đoàn viên thanh niên cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ vườn cà phê xanh tốt, cho năng suất cao. Anh H'liu (30 tuổi), một thành viên của mô hình, nói: "Năng suất bình quân của 700 gốc cà phê này đạt từ 1,5 - 1,8 tấn. Sau khi trừ chi phí còn lại vài chục triệu đồng mỗi mùa dùng để chi cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đoàn thanh niên, làm việc công ích…".

Vườn cà phê gây quỹ cộng đồng - Ảnh 3.

HTX Nông nghiệp - dịch vụ Lam Anh đồng hành, hỗ trợ thanh niên xã Glar phát triển mô hình cà phê thanh niên

Cũng mượn đất công ích của xã, 6/9 thôn, làng ở xã Glar đều có mô hình cà phê thanh niên, như: thôn Groi Wêt có 700 gốc cà phê, thôn Dur có 200 gốc… Hầu hết đã cho thu hoạch ổn định với tổng diện tích trên 2,3 ha. Thanh niên được giao số diện tích cà phê này để gây quỹ, giúp cho các hoạt động như: liên hoan đưa tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, phục vụ hiếu hỷ, ma chay, làm đường đến các giọt nước (nơi nguồn nước được lấy từ mạch núi dẫn về một địa điểm trong làng để dùng chung - PV), làm điện mặt trời ở các đường làng... Trong đợt dịch Covid-19, đoàn thanh niên cũng trích tiền từ quỹ này mua thực phẩm hỗ trợ cho người dân bị cách ly.

Cứ đến thời điểm đi chăm sóc cây cà phê, các trưởng nhóm sẽ thông báo bằng loa ở hội trường. Vậy là thanh niên tự giác đến vườn, ai vào việc nấy như cắt cành, làm cỏ, bón phân... Các công đoạn được phân công chặt chẽ, nhanh gọn để đạt hiệu quả cao. "Niên vụ vừa qua, vườn cà phê của làng Groi Wêt năng suất tăng cao. Trung bình các năm được 2 tấn nhưng năm qua đã tăng lên 3 tấn, bán được khoảng 100 triệu đồng. Loa đài phục vụ cho thanh niên sinh hoạt, cho nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cũng nhờ những gốc cà phê này", anh Tuân (32 tuổi), Bí thư Chi đoàn làng Groi Wêt, kể.

Thanh niên nào lập gia đình rời đi, gia nhập mô hình ở thôn, làng khác thì sẽ có thanh niên khác bổ sung vào. Nói về mô hình cà phê thanh niên đầy ý nghĩa này, anh Hỡm (32 tuổi), Bí thư Chi đoàn xã Glar, cho biết: "Mô hình cà phê thanh niên này ngoài tạo quỹ còn góp phần tạo sự đoàn kết trong cộng đồng thanh niên với toàn bộ là người dân tộc Ba Na".

CHO THÔN LÀNG BÌNH YÊN

Cách đây nhiều năm, Glar là địa bàn "nóng" về an ninh nông thôn. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân để quấy rối. Thôn, làng luôn trong cảnh ngột ngạt. Cũng đã có người lầm lỡ. Sau "cơn bão" đó, vùng quê nghèo với những cánh tay, tấm lòng độ lượng đã dang ra. Những người lầm lỡ được tham gia những mô hình cà phê cộng đồng như trên để làm ăn, tích lũy kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Thay vì tiền công làm mỗi ngày gần 200.000 đồng, họ chỉ lấy công tượng trưng 30.000 - 40.000 đồng/ngày.

Theo thống kê của UBND xã Glar, tổng diện tích cà phê toàn xã khoảng 2.000 ha. Mô hình phát triển cà phê cộng đồng, lấy tiền gây quỹ có khoảng 15 ha, được duy trì và phát triển hơn 10 năm qua. Với diện tích này, doanh thu mỗi vụ khoảng 1 tỉ đồng đã giúp nhiều hộ nghèo của xã có điều kiện phát triển sản xuất và xây dựng các công trình công cộng như: xây dựng nhà văn hóa ở mỗi thôn, làm đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng; góp phần xây dựng, giữ gìn các thiết chế văn hóa của địa phương...

Theo ông Y Suôn, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Glar, mô hình trồng cà phê gây quỹ là sự sáng tạo của bà con ở các thôn, làng của xã. Họ đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong ý thức, tinh thần cầu tiến của người dân, hướng về cộng đồng. "Đấy cũng là cách thức hiệu quả gắn kết cộng đồng, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng các công trình công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới", ông Y Suôn nói. 

HTX chung tay tiếp sức

Tiếp sức, đồng hành với thanh niên trong những năm gần đây có Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ Lam Anh đứng chân trên địa bàn xã Glar. Anh Lê Hữu Anh, Giám đốc hợp tác xã này, chia sẻ: "Năm nay, chúng tôi hỗ trợ miễn phí một số vật tư cho bà con chăm sóc vườn cà phê cộng đồng như: phân bón lá, phân bón gốc, các loại chế phẩm vi sinh, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn cây…".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.