Vùng kinh tế trọng điểm gặp khó vì giao thông

Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang bị quá tải trầm trọng, trở thành những nút thắt lớn về hạ tầng cản trở sự phát triển của khu vực vốn được xem là đầu tàu của cả nước.

Đây cũng chính là nội dung trong Hội nghị kết nối giao thông vùng của 8 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam diễn ra vào hôm qua.
Kẹt xe lúc nửa đêm
Các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái, đồng thời nối TP.HCM với H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai hằng ngày có trên 17.000 lượt xe tải, container nhưng mặt đường nhỏ hẹp, mỗi bên chỉ một làn ô tô lưu thông dẫn đến tình trạng ùn ứ cả ngày lẫn đêm, nhất là các đường Đồng Văn Cống, Vành đai 2... Nhiều tài xế cho biết có khi mất 6 tiếng đồng hồ mới thoát khỏi đoạn đường 2 km từ chân cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đường Đồng Văn Cống đoạn từ đại lộ Mai Chí Thọ đến vòng xoay Mỹ Thủy là tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ các KCN phía tây bắc TP.HCM, Tây Ninh, KCX Linh Trung (Q.Thủ Đức), KCN Sóng Thần (Bình Dương)... về cảng Cát Lái để xuất khẩu. Thời gian gần đây còn thêm hàng nghìn lượt xe mỗi ngày từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chở hàng vào ra cảng Cát Lái, cảng lớn nhất VN. Thế nhưng, diện tích mặt đường vào cảng nhỏ hẹp, dẫn đến thường xuyên ùn ứ cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt, khoảng một tháng nay, kẹt xe còn xảy ra lúc sau 0 giờ đến rạng sáng. Thậm chí lúc 0 giờ ngày 29.7, chúng tôi chứng kiến hàng trăm xe container chen kín hết mặt đường, khiến nhiều xe du lịch từ cao tốc không thể xuống Vành đai 2. Cảnh kẹt xe đã kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ trên đường nối từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây xuống đường Vành đai 2.
Hôm qua tôi từ Tây Ninh xuống TP.HCM họp, đường đi theo QL22 chỉ mấy chục ki lô mét mà mất hơn 3 giờ đồng hồ. Giao thông kiểu này khó phát triển được
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh
Tương tự, đường Vành đai 2, hướng từ cầu Phú Mỹ (Q.7) về vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2) cũng trở nên quá tải cực kỳ nghiêm trọng. Tuyến đường cũng chỉ giới hạn một làn xe lưu thông mỗi chiều trong khi đó, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải lớn, container chở hàng từ các cụm cảng Bến Nghé, Bông Sen, Tân Thuận Đông, KCX Tân Thuận (Q.7), KCN Hiệp Phước, các tỉnh miền Tây hướng về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Xe quá đông dẫn đến kẹt cứng hầu như tất cả các ngày trong tuần. Nhiều doanh nghiệp than trời vì mất thời gian, tốn kém tiền bạc và với cánh tài xế, nạn kẹt xe ở đây trở thành nỗi ám ảnh.
Tương tự, QL50 đoạn qua các xã Bình Hưng, Đa Phước, Phong Phú, H.Bình Chánh (TP.HCM) cũng đang quá tải nghiêm trọng, là điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo ghi nhận của Thanh Niên, QL50 từ TP.HCM đến giáp ranh tỉnh Long An dài 8,5 km, mặt đường chật hẹp, nhà cửa san sát hai bên nhưng lượng xe dày đặc. Vào các giờ cao điểm chiều, tối, tốc độ lưu thông của các phương tiện rất chậm do nhiều đoạn chỉ cho một làn ô tô.
QL22 nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh cũng đang rơi vào cảnh quá tải trầm trọng. Ngày 18.8, tại cuộc họp về kết nối GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía nam, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, nói thẳng: “Hôm qua tôi từ Tây Ninh xuống TP.HCM họp, đường đi theo QL22 chỉ mấy chục ki lô mét mà mất hơn 3 giờ đồng hồ. Giao thông kiểu này khó phát triển được”.
Nhiều dự án “đứng bánh” vì không có vốn
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, vùng kinh tế trọng điểm phía nam hội đủ các điều kiện phát triển, đi đầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Kinh tế chung của vùng những năm gần đây tăng trưởng ổn định, cao hơn bình quân cả nước 1,5 lần. Tuy nhiên, khả năng kết nối hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết cả vùng kinh tế trọng điểm mới chỉ có 90 km đường cao tốc so với 740 km của cả nước, trong khi khu vực này chiếm lượng vận tải hành khách 20%, hàng hóa 30%, xuất khẩu 60 - 70% cả nước. Đường sắt kết nối vùng hầu như chưa làm được gì. Đường sắt nội đô mới chỉ triển khai hai tuyến ở TP.HCM. Ông Đông thừa nhận, tình trạng xuất hiện nhiều nút thắt cổ chai là do quy hoạch mặc dù đã xác định khá lâu nhưng chậm triển khai, thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư huy động chậm... nên khai thông được chỗ này thì vẫn còn tắc ở chỗ khác. Nguyên nhân chính là khó về nguồn vốn.
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhận định kết nối vùng trước hết là kết nối giao thông, nhưng việc kết nối hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng, của từng địa phương, thậm chí cản trở sự phát triển chung. “Nói liên kết vùng nhưng không có cơ chế điều hành, giải pháp thì không phù hợp, phân tán”, ông Thăng nói.
Theo ông, cần có sự phân công để xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, có chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là xây dựng cơ chế điều phối dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, chứ cơ chế các tỉnh luân phiên điều hành như hiện nay thì “chỉ gặp nhau vui vẻ rồi thôi”. Ông Thăng cũng cho rằng cần cập nhật quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch giao thông để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới. Huy động vốn bằng nhiều nguồn, bằng nhiều hình thức đầu tư, trong đó có BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). “Không thể nói BOT cản trở phát triển, bởi vì bản chất hình thức đầu tư này không xấu. Nếu có dự án nào thu phí sai thì chúng ta thanh tra, xử lý”, ông Thăng nêu quan điểm và nói thêm: “Việc triển khai thu phí tự động tại các dự án BOT chậm quá, anh Đông (Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông - PV) lưu ý làm nhanh lên. Chậm quá rồi. Thu tự động mới kiểm soát được nguồn thu và kết nối cả vùng, cả nước nhưng làm rất chậm”.
Để góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, ông Đinh La Thăng đề nghị họp giao ban định kỳ giữa chủ tịch các tỉnh, thành; lập tổ điều phối kết nối giao thông vùng, trong đó Sở GTVT TP.HCM làm điều phối, ngồi lại với sở GTVT các tỉnh để rà soát, lên kế hoạch triển khai cụ thể trong hai năm tới làm dự án nào, đến 2020 làm dự án nào nhằm tránh tình trạng “bắt tay nhau rồi nhưng về thì tự ai nấy lo”.
Kiến nghị Chính phủ chấp thuận đầu tư các công trình cấp bách
UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư lập danh mục các công trình xây dựng nút giao thông trọng điểm đã có chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP theo thứ tự ưu tiên để bố trí vốn trong các đợt giao kế hoạch tiếp theo, đảm bảo sớm hoàn thành công trình, đáp ứng tiến độ theo Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020. UBND TP sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các công trình cấp bách. Đối với các công trình xây dựng nút giao thông trọng điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), TP cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án có ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân nhằm giảm thiểu rủi ro và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho TP.
Mai Ka
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.