Vùng đất Mỹ bị xâm chiếm trong Thế chiến 2

28/09/2017 08:16 GMT+7

Trong Thế chiến 2, Nhật là nước duy nhất chiếm giữ thành công một vùng lãnh thổ của Mỹ. Nơi đó là quần đảo Aleut, một địa điểm ít được chú ý ở Thái Bình Dương.

Năm 1942, Nhật cực kỳ lo ngại quân đội Mỹ trên đảo Midway có thể tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ vào quần đảo Kuril, khi đó đang thuộc quyền kiểm soát của Tokyo.
Mối lo này xuất hiện từ sau trận không kích Doolittle vào ngày 18.4.1942, khi các máy bay Mỹ xâm nhập ném bom Tokyo nhằm đáp trả trận Trân Châu Cảng. Đó chính là lý do mà Nhật tiến hành chiến dịch tấn công quần đảo Aleut cũng như đảo Midway để ngăn chặn trước.
Không cân sức
Aleut là quần đảo trải dài 1.931 km, vươn ra từ phía tây của bán đảo Alaska, ôm lấy biển Bering. Những đảo nhỏ thuộc Aleut chủ yếu là đảo núi lửa, ít cây cối, thời tiết khắc nghiệt với gió mạnh, mưa, tuyết và sương mù dày cùng cái lạnh thấu xương. Việc Nhật tấn công Aleut gây bất ngờ vì quần đảo này bị cho là không có giá trị chiến lược quan trọng, cư dân thưa thớt, chủ yếu là thổ dân. Dù vậy, Nhật vẫn điều lực lượng tương đối mạnh đến đây, gồm 2 tàu sân bay và 3 tàu tuần dương do chuẩn đô đốc Kakuji Kakuta chỉ huy. Nhiệm vụ của lực lượng này là hạ gục hải lực Mỹ trú tại Dutch Harbor thuộc đảo Unalaska; đồng thời chiếm những đảo phía tây thuộc Aleut như Attu, Kiska và Adak.
Trước đó, nhờ chặn được tin tình báo về 2 cánh quân của Nhật đang tiến về Aleut và Midway, quân đội Mỹ đã có những bước chuẩn bị. Hệ thống hầm hào, công sự được đào xung quanh các đảo thuộc Aleut, phi đội chiến đấu cơ tại căn cứ không quân Fort Glenn ở đảo Umnak được đặt trong tình trạng báo động. Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6.1942, máy bay ném bom và thủy phi cơ tuần tra Mỹ liên tục lượn lờ khu vực phía bắc Thái Bình Dương nhằm tiêu diệt lực lượng tấn công của Nhật ngay khi phát hiện. Tuy nhiên, ngày 2.6, thời tiết xấu khiến những phi đội này không thể liên lạc được với nhau.
Dutch Harbor bị Nhật tấn công vào ngày 3.6.1942 Ảnh: Lục quân Mỹ

Cuộc đổ bộ chớp nhoáng
Đúng 3 giờ sáng 3.6, Nhật bắt đầu tấn công. Để mở màn, 32 chiến đấu cơ, gồm tiêm kích A6M Zero, máy bay ném ngư lôi B5N và máy bay ném bom bổ nhào D3 Val lần lượt xuất kích từ 2 tàu sân bay Ryujo và Jun’yo với nhiệm vụ đánh sập Dutch Harbor. Sương mù dày đặc và trời tối khiến nhiều máy bay mất phương hướng và phải quay về tàu. Tuy nhiên, vẫn có 17 chiếc tìm đến được mục tiêu và oanh tạc thành công một trại lính, làm 25 người thiệt mạng. Từ bên dưới, pháo phòng không 76 mm, 37 mm và đại liên 12,7 mm hạ được 3 máy bay Nhật. Tuy nhiên, đơn vị máy bay Mỹ tại Umnak không can thiệp kịp thời do không thể liên lạc.
Ngày 4.6, hai tàu sân bay Nhật tiến sát hơn vào bờ để 26 chiếc máy bay thực hiện đợt oanh tạc kế tiếp. Lực lượng Mỹ thiệt hại nặng hơn trong lần này. Nhiều máy bay bị phá hủy khi còn chưa kịp rời mặt đất, trong đó gồm 6 chiếc máy bay ném bom B-17 và B-26 cùng 6 thủy phi cơ Catalina. Lần này, phía Mỹ có đòn phản hồi tương đối khi 6 tiêm kích P-40 chặn đầu và bắn hạ 3 máy bay Nhật đang quay về tàu sau khi ném bom. Những đợt tấn công kế tiếp bị hoãn lại khi chuẩn đô đốc Kakuta nhận được tin xấu là quân Nhật đang bị thua ở Midway. Chỉ huy này sau đó cho lính đổ bộ lên 2 đảo Kiska và Attu, thuộc phần phía tây quần đảo Aleut vào ngày 5.6. Cuộc đổ bộ lên đảo Adak bị hủy. Các tàu sân bay được rút về nước để tránh bị tập kích.
Tại Attu, đảo xa nhất về phía tây của Aleut, chỉ có khoảng hơn 40 người bản địa sinh sống. Một số người bị sát hại trong khi phần còn lại bị đưa đến trại giam ở Nhật. Ban đầu, số lính Nhật tại Attu là hơn 1.400 người và lực lượng này được tăng lên thành 3.000 người vào tháng 10. Trong thời gian đó, Nhật cho xây một đường băng trên đảo. Còn tại Kiska, cách Attu khoảng 320 km về phía đông, 500 lính Nhật bắt giữ 10 người Mỹ đang làm việc tại một trạm khí tượng trên đảo. Cựu binh Charles House là người may mắn không bị bắt lại. Tuy nhiên, sau 50 ngày lẩn trốn bên ngoài chỉ với 1 tấm mền che thân, phải ăn toàn cây cỏ và giun đất, ông House cuối cùng cũng đầu hàng và bị bắt làm tù binh đến sau chiến tranh mới được trả tự do. Sau khi chiếm đảo, Nhật cho xây nhiều công sự, căn cứ ngầm và tăng số quân lên thành 5.000. Hàng chục tiêm kích A6M2-N và 6 thủy phi cơ săn ngầm - tuần tra H6K được triển khai tại Kiska để cảnh giới.
Lực lượng Mỹ tái chiếm Kiska  Ảnh: Cục văn thư và lưu trữ quốc gia Mỹ
Cô lập
Phía Mỹ sau đó xây dựng lại được đội hình và tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào quân Nhật trên 2 đảo bị chiếm và những đoàn tàu tiếp tế. Chiến dịch oanh tạc này mang lại hiệu quả khi Mỹ tiêu diệt được nhiều tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, công trình quân sự và lính Nhật. Tháng 1.1943, số lính thuộc Bộ Tư lệnh Alaska của Mỹ tăng lên thành 94.000 người, nhiều căn cứ được xây thêm trên những đảo gần Kiska. Lệnh phong tỏa quân Nhật được giới chỉ huy Mỹ ban hành.
Một trong những cuộc đối đầu đáng chú ý nhất trong thời gian này chính là trận hải chiến ở quần đảo Komandorski ngày 27.3.1943. Lực lượng Mỹ gồm 2 tàu tuần dương Salt Lake City và Richmond, cùng 4 tàu khu trục đánh chặn một đội tàu của Nhật đến Aleut để chi viện dù không biết việc đối phương có số tàu tuần dương gấp đôi. Vì không liên lạc được với không lực từ đất liền hoặc trên các tàu sân bay để yểm trợ, hai bên chủ yếu đấu pháo hạm và thủy lôi với nhau từ khoảng cách gần 20 km. Sau nhiều giờ giao chiến, lực lượng Mỹ yếu thế hơn phải rút lui nhờ sương mù kéo đến cản tầm nhìn địch trong khi phe Nhật cũng ngừng bắn vì sợ máy bay Mỹ chi viện oanh tạc. Chính trận đánh ở Komandorski khiến Nhật quyết định ngừng điều tàu mặt nước đến Kiska và Attu để tiếp tế, dù thỉnh thoảng vẫn triển khai tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ này. Hệ quả là lính Nhật trên những đảo này bắt đầu bị tác động về thể chất lẫn tinh thần chiến đấu.
Mỹ chiếm lại Attu vào cuối tháng 5.1943 sau nửa tháng chiến đấu khiến 549 người thiệt mạng, 1.148 người bị thương. Phe Nhật tổn thất khoảng 2.350 nhân mạng, 29 người bị bắt làm tù binh. Ngày 15.8, quân hiệp đồng Mỹ và Canada rầm rộ đổ bộ lên đảo Kiska mà không gặp bất cứ sự phản kháng nào bởi người Nhật đã âm thầm rút quân từ cuối tháng 8 nhờ lớp sương mù dày đặc. Ngày 24.8.1943, Mỹ tuyên bố Kiska an toàn, kết thúc cuộc chiến duy nhất trên đất Mỹ trong Thế chiến 2.
Hiểm kế của chủ mưu trận Trân Châu Cảng
Đô đốc Isoroku Yamamoto, người hoạch định cuộc tấn công Trân Châu Cảng (Hawaii) ngày 7.12.1941, cũng chính là vị chỉ huy Nhật vạch ra kế hoạch tiến chiếm Aleut và Midway. Giới sử gia Mỹ nghiên cứu về chiến dịch tại Aleut cho biết ông Yamamoto muốn chiếm Midway và các đảo phía tây Aleut nhằm tạo lớp bảo vệ cho lãnh thổ Nhật từ miền bắc và miền trung Thái Bình Dương, theo tờ Daily News-Miner. Ông Yamamoto dự tính sau khi tấn công Aleut, Mỹ sẽ điều tàu chiến từ Hawaii đến bảo vệ. Lúc đó, Nhật sẽ điều quân chiếm Midway. Vì Midway quan trọng hơn nên Đô đốc Chester Nimitz, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, được cho là sẽ đưa quân từ Aleut quay lại yểm trợ. Từ đây, Nhật tập trung hải lực mạnh nhất nhằm áp đảo quân số, đón đầu và tiêu diệt quân Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này bại lộ vì tình báo Mỹ khi đó chặn được tín hiệu liên lạc bí mật của Nhật và chuẩn bị lực lượng đề phòng tại Midway. Đó cũng là trận hải chiến ác liệt bậc nhất trong Thế chiến 2, khiến Nhật mất 4 tàu sân bay, gần 300 máy bay và khoảng 2.500 lính.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.