Vun xới nền công nghiệp âm nhạc non trẻ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/04/2023 07:25 GMT+7

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam vẫn còn non trẻ và phải đầu tư có chiến lược.


BỆ PHÓNG KHÔNG GIAN ÂM NHẠC

Vũ đã trở thành "Hoàng tử nhạc Indie" với album Một vạn năm vừa phát hành đã giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Top Albums của iTunes tại khu vực Việt Nam. Toàn bộ các ca khúc từ album này đều góp mặt trong Top 200 Spotify Vietnam. Vũ cũng sở hữu cùng lúc 5 video vào top YouTube Trending âm nhạc và là nghệ sĩ Việt đầu tiên lập được kỳ tích này. Trong khi đó, Hoàng Thùy Linh lại làm cả thế giới "see tình", nhảy theo vũ điệu và bài hát của cô. Điểm chung của hai nghệ sĩ này, nếu có, là từng cùng tham gia Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa. Gió mùa, cho tới giờ, đóng vai trò là sân chơi cho nhiều nghệ sĩ Việt thể hiện tài năng.

Vun xới nền công nghiệp âm nhạc non trẻ - Ảnh 1.

Vũ từng biểu diễn ở Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2019

NVCC

Nhạc sĩ Quốc Trung, người tổ chức sản xuất Festival âm nhạc Gió mùa, cho biết cách đây 15 năm khi tham gia thực hành và học hỏi tại lễ hội âm nhạc Roskilde Festival của Đan Mạch, ban tổ chức đã chia sẻ với ông một kinh nghiệm rằng nhiệm vụ của nhà sản xuất và ban tổ chức là đáp ứng mọi yêu cầu của nghệ sĩ dù khắt khe hay đôi khi đỏng đảnh, để họ cảm thấy thoải mái như ở nhà vì chỉ khi nghệ sĩ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc thì họ mới thăng hoa và làm cho đám đông khán giả hạnh phúc. "Tại Gió mùa, chúng tôi cũng không quản ngại mọi khó khăn để theo đuổi tiêu chí đó và đã được đền đáp xứng đáng để mang lại không gian hạnh phúc và những khoảnh khắc khó quên dành cho khán giả yêu âm nhạc Việt Nam", ông Trung nhớ lại.

Hiện tại, theo ông, nền công nghiệp âm nhạc của Việt Nam vẫn còn non trẻ. Các không gian âm nhạc của chúng ta hiện cũng không được phân loại hay định vị có hệ thống nên nhốn nháo, khó phân định cho tác giả. "Nhà hát lớn vẫn có cả pop-rock, các nhà hát nhỏ hay địa phương thì trở thành nơi diễn ra các event thậm chí là tiệc cưới. Điều này vô hình trung tạo nên sự suồng sã đối với công chúng thưởng thức âm nhạc, khó đưa ra mô hình biểu diễn phù hợp và định vị khán giả, đặc biệt thiếu những không gian mang tính thể nghiệm, có sự hỗ trợ giới thiệu sản phẩm và gương mặt tiềm năng", ông Trung nói.

Cũng theo nhạc sĩ Quốc Trung, chúng ta thường chỉ biết đến Kpop khi nói về nền công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc hay chỉ biết các ngôi sao Pop-Rock của Anh trong nền công nghiệp có giá trị nhiều tỉ bảng mà ít biết nhạc indie hay điện tử của Hàn Quốc cũng rất phát triển, âm nhạc dân gian, jazz hay cổ điển của họ cũng có nhiều ngôi sao tầm cỡ thế giới và được hỗ trợ từ nhà nước rất nhiều.

Ông Trung chia sẻ: "Họ cũng thường xuyên đầu tư cho các festival và nghệ sĩ trẻ của họ. Điều này có tác động rộng lớn tới mọi phong cách hay chuyên ngành âm nhạc khác nhau trên toàn bộ đất nước của họ; góp phần tạo nên một nền công nghiệp âm nhạc hàng đầu thế giới. Tại Anh, có đến hàng trăm không gian âm nhạc lớn nhỏ được hỗ trợ kinh phí của chính phủ để có thể dành sự hỗ trợ cho các thể nghiệm mới, các nghệ sĩ trẻ, gương mặt mới… với mục đích là nâng cao năng lực sáng tạo cho nghệ sĩ nước nhà".

Vun xới nền công nghiệp âm nhạc non trẻ - Ảnh 2.

Hoàng Thùy Linh được khán giả nhiều nước “see tình”

NHÀ NƯỚC CHỦ ĐỘNG TẠO MÔI TRƯỜNG

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng muốn hướng tới một nền công nghiệp âm nhạc phát triển, cần xác định cái chúng ta cần tạo ra. Đó chính là môi trường làm việc, môi trường sáng tạo, thị trường lành mạnh, cạnh tranh lành mạnh để có thể có một nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến. Ông cho rằng: "Những sáng tạo mới của chúng ta rất ít có cơ hội được xuất hiện, được thể nghiệm bởi sự lạc hậu thiếu cởi mở của những nhà tổ chức và cả những nhà quản lý. Rất dễ bị soi xét, quy chụp khi có những thể nghiệm, càng ít cơ hội để được những không gian phù hợp, cho phép hay hậu thuẫn cho những sáng tạo và thể nghiệm mới".

Cũng theo ông Trung, những thể nghiệm nghệ thuật thường đi tìm sự ủng hộ của các quỹ văn hóa bên ngoài. "Nếu chúng ta vẫn đang loay hoay xét duyệt, phúc khảo những bài hát có tuổi đời hơn nửa thế kỷ của những nghệ sĩ tên tuổi hay thậm chí phúc khảo cả dàn nhạc giao hưởng với nhạc phẩm Carmen của Bizet thì cơ hội nào cho những sự thể nghiệm, đôi khi mang tính phá cách, của lớp trẻ?", ông Trung đặt vấn đề.

Ông khẳng định không hề phản đối việc kiểm duyệt cấp phép những chương trình ca nhạc, nhưng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi việc này. "Nó cần phải được nhìn nhận là những hướng dẫn, định hướng mang tính ủng hộ, hỗ trợ cho các nhà sản xuất tư nhân. Thay vì kiểm soát hay soi xét họ, hãy trao cho họ những trách nhiệm với cộng đồng, với khán giả và cả sự hợp tác với cơ quan quản lý thay vì lẩn tránh, gian dối hay đối đầu. Thời đại 4.0, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể cấp phép, xét duyệt bằng văn bản, đi kèm là những cam kết và chế tài nghiêm khắc. Điều này mang lại sự thuận tiện, hậu thuẫn, tiết kiệm thời gian, nhân lực và kinh phí cho các nhà sản xuất", ông Trung chia sẻ.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng cần đầu tư thêm cho các không gian âm nhạc: "Ở Anh quốc, doanh thu hàng tỉ bảng từ nền công nghiệp âm nhạc cũng sẽ đóng góp cho kinh tế, phúc lợi xã hội hay thuế từ các lĩnh vực đó. Do vậy, việc đầu tư lại cho những không gian âm nhạc này là điều bắt buộc". Và nếu muốn phát triển công nghiệp âm nhạc, cần có kế hoạch thúc đẩy và phát triển cụ thể. "Muốn xây dựng một nền công nghiệp thì cần đầu tư lâu dài về đội ngũ. Trước đây, nhờ có sự đầu tư của nhà nước mà chúng ta đã có một thế hệ người sáng tạo và biểu diễn đỉnh cao mang lại một dòng nhạc cách mạng bất hủ…", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.