Vui buồn 20 năm thu tác quyền âm nhạc

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/09/2022 06:25 GMT+7

Gia đình nhạc sĩ Văn Cao rất xúc động vì sáng tác của ông vẫn nuôi được vợ con 50 năm sau khi nhạc sĩ mất.

Từ 100 rúp đến 50 năm

Nhạc sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, nhớ lại niềm vui được trả tác quyền âm nhạc của cha mình từ rất lâu rồi. Khi đó, bài hát Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao được in ở Nga, được nhà nước Nga gửi tác quyền 100 rúp. “100 rúp với gia đình lúc đó quan trọng lắm. Cô em tôi là Hương Hương khi đó đang học ở Nhạc viện Tchaikovsky có nhận được tin tác quyền đó đã viết thư về cho bố, để bố viết thư bảo lãnh qua sứ quán mới lấy được tiền đó. Cha tôi viết câu như thế này trong thư, mỗi lần đọc lại tôi lại xúc động: Con cứ giữ lấy mà tiêu, ở trong nước bố đã biết đến đồng tiền tác quyền nào đâu”, ông Văn Thao cho biết trong buổi gặp mặt trước lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) tại Hà Nội ngày 20.9.

Được trả tác quyền là mong ước của nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời

Nguyễn Đình Toán

Ông Văn Thao cũng chia sẻ, kỷ niệm này theo ông và gia đình tới tận hôm nay. Và bây giờ, ao ước về quyền tác giả của tác giả Quốc ca đã thành sự thật. Quyền tác giả của nhạc sĩ Văn Cao đủ để nuôi vợ ông, các con ông không phải đóng góp. “Cha tôi muốn thế. Cũng chính vì thế, gia đình hiến tác quyền bài Quốc ca cho nhà nước. Đấy cũng là niềm vinh dự của gia đình chúng tôi cho đất nước. Lúc ông sáng tác vì cách mạng, vì tấm lòng, không phải vì tác quyền gì. Các nhạc sĩ thời đó đều thế. Mơ ước về tác quyền của các thế hệ nhạc sĩ xưa giờ đã được thực hiện, hòa nhập với cộng đồng thế giới”, ông Văn Thao nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tác giả của nhiều hit, trong đó có Nhật ký của mẹ, cũng xúc động khi nhìn lại quãng đường mình ủy quyền cho VCPMC. Nhạc sĩ bắt đầu ủy quyền cho VCPMC vào năm 2006, số tiền nhận được lúc đó là 9 triệu đồng trong năm đầu tiên. Anh cũng mới nhận 1,2 tỉ đồng tiền tác quyền của năm 2021. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung rất tâm đắc vì tác quyền này sẽ còn tiếp tục được trả cho vợ con anh 50 năm sau khi anh mất.

Thực tế quan trọng nhất là người sáng tạo cần yên tâm đời sống của mình. Nó có những trở ngại thật sự khi người sáng tạo phải tự mình đi lấy tiền của mình...

Nhạc sĩ Hoài An

Không chỉ có tiền, VCPMC còn đòi quyền tác giả cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. “Bài Vầng trăng khóc của tôi bị Trung Quốc, Campuchia… đạo nhạc. Nhưng khán giả Việt lại không biết và cho rằng tôi đạo nhạc. VCPMC hỗ trợ gửi đơn lên CISAC, và trong chuyến công du sang Singapore đã phát hiện là bản đó xuất hiện ở VN đầu tiên, công nhận là của tôi. Trả lại quyền và bài hát cho tôi”, nam nhạc sĩ chia sẻ. Vầng trăng khóc vì thế sẽ mang lại tiền cho hàng thừa kế thứ nhất là vợ con nhạc sĩ 50 năm sau khi anh qua đời.

Trung tâm cũng đối diện với những “ca khó” về thừa kế. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, cho biết có khi nhạc sĩ qua đời, thời điểm mở thừa kế liền thấy nhiều người về nhận cha. “Những trường hợp như thế việc chi trả phải dừng lại để chờ giám định, chờ xác nhận quan hệ huyết thống. Làm thế nào để con cháu nhạc sĩ không thiệt thòi”, ông Cẩn chia sẻ.

Vầng trăng khóc là tác phẩm đã được VCPMC đòi lại cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

chụp màn hình

Hạt nhân của công nghiệp văn hóa

Nhạc sĩ Hoài An chia sẻ từ khi ủy quyền cho VCPMC, số tiền tác quyền thu được đã gấp hàng trăm lần đối với cá nhân anh. Bạn bè nhạc sĩ cũng có người nhận tác quyền gấp vài chục lần. “Thực tế quan trọng nhất là người sáng tạo cần yên tâm đời sống của mình. Nó có những trở ngại thật sự khi người sáng tạo phải tự mình đi lấy tiền của mình, gặp các trung tâm sử dụng tác phẩm của mình để đòi tiền, trong khi họ không có thiện chí thì rất đau lòng. Chính bản thân Hoài An đã có lúc cảm thấy khó chịu đến mức bỏ bản nhạc đó luôn. Bây giờ cảm xúc tiêu cực đó không còn nữa vì có VCPMC. Muốn sáng tạo được thì phải thoải mái. Với VCPMC có tới…4 mùa xuân, mỗi lần báo lấy tiền đều là mùa xuân”, nhạc sĩ Hoài An nói.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho biết tại Anh có nhiều trung tâm bảo vệ bản quyền, cũng có rất nhiều trung tâm khác nhau cùng bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nghĩa là có cạnh tranh. “Khi nghe các báo cáo của họ mới thấy, để có một nền âm nhạc phát triển ở các nước phương Tây, cụ thể là ở Anh, họ đã bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc thế nào, để nền công nghiệp âm nhạc phủ sóng khắp thế giới, tạo nên tên tuổi mà cả thế giới biết tới. Khi đó, chúng tôi ao ước trở về VN xây dựng được chiến lược phát triển công nghiệp sáng tạo, trong đó hạt nhân là bảo vệ quyền tác giả, để nuôi nhiệt huyết của các tài năng sáng tạo. 20 năm VCPMC là ngắn nhưng có bước đi quan trọng để hướng vào tương lai âm nhạc”, ông Sơn phân tích.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết hiện tác quyền cũng chia thành nhiều nhóm. Có nhóm tác giả năm nào cũng nhận hơn 1 tỉ đồng, có nhóm khoảng 1 tỉ đồng, có nhóm 700 - 800 triệu đồng, nhóm nhận 400 - 500 triệu đồng. Thống kê cho thấy, sau 20 năm thành lập (2002 - 2021) đơn vị này đã thu được 1.063,2 tỉ phí tác quyền cho các tác giả âm nhạc. Năm 2022, trung tâm phấn đấu đạt trên 230 tỉ đồng - chạm mục tiêu đã đề ra là 10 triệu USD/năm.

Về việc dòng nhạc nào nhận tiền nhiều nhất, ông Cẩn cho biết, nhạc đỏ, còn gọi là nhạc cách mạng, là dòng trường tồn, số tiền đều. “Dòng nhạc đó ở khu vực phát thanh, truyền hình, lễ hội, sự kiện chính trị dùng nhiều. Có người mỗi quý được hơn trăm triệu. Sài Gòn có Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng…”, ông Cẩn nói.

Bên cạnh đó có dòng nhạc thị trường. “Nhạc này có khi lên xong rồi biến mất, không tồn tại dài được. Nếu hot thì có tiền nhiều trong 2 - 3 năm. Nếu không tồn tại được, nó lại xuống, bài hot khác lại lên”, ông Cẩn cho biết. Khó khăn và ít tiền hiện nay là nhạc không lời. Nhưng dòng nhạc này tương lai sẽ nằm trong chiến lược của trung tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.