'Vua sư tử' trên trang phục phim cổ trang Việt

04/11/2015 07:00 GMT+7

Ngay trước khi Mỹ nhân - bộ phim cổ trang do Bộ VH-TT-DL đặt hàng Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng thực hiện - được tung ra rạp vào ngày 13.11, một số khán giả đã bày tỏ bất bình khi phát hiện hình 'Vua sư tử' trên áo một vị quan trong trailer bộ phim.

Ngay trước khi Mỹ nhân - bộ phim cổ trang do Bộ VH-TT-DL đặt hàng Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng thực hiện - được tung ra rạp vào ngày 13.11, một số khán giả đã bày tỏ bất bình khi phát hiện hình 'Vua sư tử' trên áo một vị quan trong trailer bộ phim.

Hình sư tử trên áo một vị quan trong phim và cảnh trong phim Vua sư tử (ảnh nhỏ) - Ảnh: Cắt từ trailer phimHình sư tử trên áo một vị quan trong phim và cảnh trong phim Vua sư tử (ảnh nhỏ) - Ảnh: Cắt từ trailer phim
Đạo diễn xin lỗi vì “Vua sư tử”
Trong trailer giới thiệu phim ở giây 42, trên trang phục một vị quan (vai thứ chính, do diễn viên Châu Thế Tâm đóng) có hình một con sư tử rất giống nhân vật “vua sư tử” trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới Lion King của Hãng Walt Disney (Mỹ).
Theo những thông tin được Hãng phim Giải Phóng và nhà phát hành Galaxy cung cấp thì Mỹ nhân là phim điện ảnh cổ trang, chính sử, khắc họa một phần giai đoạn đầy biến động trong lịch sử nước nhà ở thế kỷ 17, giai đoạn phân tranh Trịnh - Nguyễn, cùng những âm mưu thâm độc tranh quyền đoạt vị chốn cung đình và những bí hiểm chốn hậu cung giữa các phi tần kề cận đấng quân vương. Phim được cho biết “sẽ tôn trọng sự thật lịch sử, tất nhiên bên cạnh vẫn có yếu tố hư cấu khoảng 30%”. Phim do Bộ VH-TT-DL đặt hàng Hãng phim Giải Phóng sản xuất, có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Quách Ngọc Ngoan, Kim Hiền, Trọng Hải, Châu Thế Tâm, Hoa hậu Các dân tộc VN 2010 Triệu Thị Hà...
Trước những ồn ào, đạo diễn Đinh Thái Thụy nhìn nhận sơ sót: “Do hoàn cảnh làm phim lịch sử ở VN hiện còn rất khó khăn, phải liệu cơm gắp mắm, nên những sai sót xảy ra. Là người chịu trách nhiệm chính của một bộ phim, xin nhận ở tôi sự cầu thị và cho tôi được xin lỗi khán giả, giới làm nghề. Về phục trang, chúng tôi sẽ kiểm điểm lại các bộ phận để khắc phục tốt nhất khi phim ra chiếu rạp”.
Tối 3.11, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết: "Chúng tôi đã nắm tình hình vụ việc trang phục phim Mỹ nhân và đang yêu cầu Hãng phim Giải Phóng làm bản tường trình gửi Cục Điện ảnh; trên cơ sở giải trình đó, mới có hướng xem xét sau".
Thiết kế trang phục phim kiểu “áng áng”
Họa sĩ Thu Hà, người đã làm quần áo cho nhiều phim lịch sử, cho biết khi đạo diễn chọn họa sĩ thì đã có vấn đề trách nhiệm của họa sĩ rồi. “Mình cũng không thể yêu cầu đạo diễn phải xem cho mình từng cái cúc từng cái khuy được. Đương nhiên người đạo diễn phải có quyền được biết điều đấy. Nhưng không có nghĩa họ phải soát từng cái khuy”, bà nói.
Họa sĩ Mạnh Đức, người đã nhiều năm làm thiết kế trang phục và bối cảnh cho phim lịch sử, rất hiểu khó khăn trong việc thiết kế phục trang cho phim cổ trang Việt. Theo ông, các phim Việt phải làm toát lên tinh thần Việt và có thể không quá câu nệ các chi tiết nghiên cứu. Tuy thế, ông Đức vẫn thấy khó chấp nhận chuyện một “Vua sư tử” trong phim hoạt hình Mỹ lại chễm chệ trên bộ áo của nhân vật trong phim Mỹ nhân. “Những mẫu quần áo khác vẫn trang trí rồng phượng bình thường như truyền thống, đạo cụ như truyền thống, ánh sáng như truyền thống. Thế mà sư tử hoạt hình xuất hiện thì nó sai. Lỗi nặng thuộc về người làm trang phục”, ông nói. Cũng theo ông Đức, lỗi còn có thể được tính cho đạo diễn và quay phim. Họ đã để hình ảnh sư tử hoạt hình “trội” ra khỏi không gian của phim, phá hỏng hệ thống hình ảnh của phim.
Điện ảnh VN đã đi một chặng đường dài, nhưng thiết kế trang phục phim, theo đạo diễn Trần Lực, cũng chỉ mới được đưa vào dạy trong Trường Sân khấu - Điện ảnh. “Bộ phận nào cũng phải chuyên nghiệp hết mức có thể. Mà mình bây giờ làm phục trang cứ... áng áng với nhau”, ông Lực nói.
Cũng chính vì còn “áng áng”, nên lỗi trong phim cổ trang Việt khá nhiều. Khi cuốn Ngàn năm áo mũ ra đời, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã có một buổi nói chuyện về một số sai lầm trong thiết kế trang phục của phim lịch sử. Chẳng hạn, chiếc mũ của vua ở phim Đường đến thành Thăng Long đã được làm không đúng “luật lệ” mà nó phải theo. Theo nghiên cứu của ông Đức, một chiếc mũ vua đúng có 12 tua, mỗi tua có 12 hạt. Đây là con số thiêng. Chiếc áo cổn miện cho vua có mặt trăng, mặt trời ở hai vai. Cố định là như vậy. Tuy nhiên, trong phim, chiếc mũ này có 9 tua, hoàn toàn sai quy định.
“Nếu sai thì phải sửa”
Phim Mỹ nhân do Bộ VH-TT-DL đặt hàng Hãng phim Giải Phóng, nhưng chúng tôi đã giao cho Cục Điện ảnh theo dõi và nghiệm thu. Về việc gây tranh cãi của phục trang một vai phụ trong phim, theo tôi, nếu sai sót thì phải sửa. Tôi chưa kịp rõ những tranh cãi vừa xảy ra tức thì xoay quanh vấn đề này, cũng như chưa xem qua hình ảnh trên mạng, nên không thể phát biểu nhiều. Cần phải xem xét kỹ mẫu phục trang, hình thêu trên áo, khoan vội kết luận điều gì khi chỉ mới xem thoáng qua trailer phim.
Ông Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.