Vựa nông sản chưa phát huy hết tiềm lực vì giao thông chậm

Nguyên Nga
Nguyên Nga
31/05/2022 10:52 GMT+7

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, có vựa lúa gạo, thủy hải sản và trái cây phong phú, song tốc độ tăng trưởng vẫn chưa cao. Kết nối hạ tầng giao thông chậm phát triển là một trong các lý do.

Kết nối 3 cao tốc quan trọng

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - thông tin như trên tại Hội thảo "Xóa trắng" cao tốc, phát huy lợi thế ĐBSCL" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay 31.5.

Ông nói: “Có nhiều lợi thế về gạo và trái cây, vùng nông sản lớn, nhưng địa phương vẫn chưa phát huy khai thác đúng tiềm năng và lợi thế khiến đời sống người dân còn khó khăn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng chậm phát triển, trong đó có hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo "Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế ĐBSCL" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 31.5

ĐỘC LẬP

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc trục dọc và trục ngang, kết nối vùng ĐBSCL qua địa bàn TP.Cần Thơ, có 3 tuyến đường quan trọng kết nối với địa phương. Đó là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ.

Cụ thể, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là một thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, nối liền TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau. Đây là tuyến đường quan trọng, kết nối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với cả nước, giúp vận tải hành khách và hàng hóa được nhanh chóng, tiện lợi, an toàn. Đặc biệt, khi được đưa vào sử dụng toàn tuyến, sẽ giúp giảm nhiều chi phí vận tải. Hiện tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang từng bước hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của địa phương có dự án đi qua và cả vùng đồng bằng.

Thứ hai là tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phục vụ nhu cầu vận tải tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu, kết nối khu cảng biển tại Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), trung tâm thành phố lớn Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc và các cửa khẩu dọc biên giới giáp Campuchia. Tuyến này cũng đồng thời giảm tải cho quốc lộ 91, đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực.

Thứ ba là tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ nhằm kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam là TP.HCM với Cần Thơ và các tỉnh lân cận vùng trọng điểm. Đặc biệt, tuyến đường hoàn thành giúp vận chuyển lượng lớn hành khách và hàng hóa, giảm tải cho tuyến quốc lộ, giảm ùn tắc giao thông, kết nối thuận tiện trên mạng đường sắt quốc gia và tiếp chuyển với các hình thức giao thông vận tải khác. Góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm các tác động xấu đến môi trường.

Cần thiết và cấp bách

Quyết tâm của Chính phủ, Bộ GT-VT và các địa phương vùng ĐBSCL là trong vòng 5 - 10 năm tới, vùng ĐBSCL sẽ hoàn chỉnh từ trục dọc kết nối TP.HCM với Cà Mau, trục ngang nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi giữa vùng duyên hải và vùng biên giới.

Ông Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ: Trong giai đoạn 2021 - 2025, việc đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến cao tốc nói trên là rất cần thiết và cấp bách để sớm kết nối đồng bộ, từng bước hoàn thiện các trục ngang, trục dọc giao thông theo quy hoạch. Cụ thể hơn, các tuyến cao tốc này sẽ giúp kết nối giao thông thuận lợi, nhanh chóng từ các tỉnh trong vùng đến các khu chức năng quan trọng trên địa bàn TP.Cần Thơ đã và đang được quy hoạch các dự án lớn như: cảng biển Cần Thơ, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ và các khu công nghiệp lớn.

Hội thảo với sự tham dự của đại diện Bộ GT-VT, các chuyên gia kinh tế...

ĐỘC LẬP

Từ đó, ông Nguyễn Ngọc Hè thông tin, trong giai đoạn 2021 - 2025, với việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông từ TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, trục dọc cao tốc Bắc Nam phía tây từ Mỹ An (Đồng Tháp) - Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) và trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ kết nối đồng bộ, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc của vùng theo quy hoạch. Hiện thức hóa ước mơ, mong mỏi bấy lâu của chính quyền và nhân dân trong vùng ĐBSCL.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hè khẳng định Cần Thơ cam kết sớm điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các tuyến đường cao tốc. Phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các địa phương trong vùng để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án cao tốc sớm hoàn thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.