Vua Minh Mạng trả đồ cống cho quốc vương Miến Điện, ban thưởng sứ bộ hậu hĩnh

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/09/2021 19:59 GMT+7

Trong thời gian chờ Tả quân Lê Văn Duyệt trao đổi chuyện sứ bộ Miến Điện muốn hợp tác với triều vua Minh Mạng, thì sứ bộ Gibson tiến hành dịch bức quốc thư của vua Bagyidaw ra tiếng Xiêm, theo yêu cầu chính quyền Việt Nam.

Dịch quốc thư để trình cho vua Minh Mạng thì xem ra việc này không khó lắm vì nhiều quan lại Việt từng sống ở Vọng Các (Bangkok) có biết được ít nhiều tiếng Xiêm, nên đòi hỏi tốn khoảng vài ngày. Tuy nhiên khi bản dịch đưa ra lại không đạt yêu cầu do đó lại phải nhờ tới hai người Pháp và một giáo dân Cơ đốc giáo người bản xứ, dịch ra thêm tiếng Pháp và tiếng La tinh.
Trở lại chuyện sứ bộ Miến Điện sau khi đến Cần Giờ ngày 8.6.1823, đoàn được Tả quân Lê Văn Duyệt cho ngay chiếc tàu đón về Sài Gòn. Hai ngày sau, phái đoàn có tiếp hai người Pháp đến thăm họ. Tuy nhiên, theo nhà tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn, (do Dtbooks và NXB Hồng Đức), vừa ấn hành cho biết: “Lúc bấy giờ tại triều đình chỉ còn hai quan lại người Pháp là J.B. Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) và Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn), song vì họ đang làm việc ở Huế nên không chắc gì hai người đến tiếp xúc với sứ bộ Miến là những người này. Trong lúc chờ thành thần Gia Định báo sự việc về triều đình, sứ bộ được lưu lại Sài Gòn, được Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu, Tổng trấn Lê Văn Duyệt tiếp kiến, được tham gia vào nhiều sự kiện diễn ra như hát tuồng, xem cách luyện voi chiến và được cấp lương thực, thực phẩm, tiền để chi dụng trong suốt thời gian lưu trú”.

Một quan đại thần thời vua Minh Mạng

Ảnh: T.L Lê Nguyễn

Lăng vua Minh Mạng xưa

Ảnh: T.L

Vào ngày 30.6.1823, tại buổi trưng bày các tặng phẩm của vua Bagyidaw gửi cho vua Minh Mạng thì được mang ra thì các đồ cống nộp gồm có: 20 viên đá ruby, nhiều vòng sa-phia, một ấn vàng cùng các xâu chuỗi hạt, một hộp đựng 4 bộ quần áo bằng lụa …Phần của Tổng trấn Lê Văn Duyệt thì được quốc vương Miến Điện tặng 10 khẩu súng hỏa mai kèm lưỡi lê, một ống dòm mua tại đảo Prince de Galles .
Tuy nhiên phải gần 5 tháng sau đó, cho đến ngày 19.11.1823 thì Tả quân Lê Văn Duyệt mới lên đường đi Huế sau khi nhận được chấp thuận của vua Minh Mạng. Mục đích chính của chuyến đi là trình lên bức quốc thư của quốc vương Miến Điện đã được dịch ra các thứ tiếng rất cẩn thận.

Chuyến ngoại giao của sứ bộ Miến Điện bất thành

Theo sách Đại Nam thực lục, buổi thiết triều của vua Minh Mạng diễn ra vào một ngày tháng 12 âm lịch năm Quý Mùi, tức khoảng tháng 1-2 năm 1824. Nội dung bức quốc thư của Miến Điện được tâu lên, chủ ý nhằm xin với triều đình Huế tuyệt giao với nước Xiêm. Khi nhà vua yêu cầu đình thần có ý kiến, có hai quan điểm trái ngược nhau, một đàng thuận theo đề nghị của Miến, một đàng không thuận.
Vì vậy, vua Minh Mạng có dụ rằng: “Hoàng khảo ta lại nghĩ tấm lòng tốt buổi đầu của người Xiêm, họ lại là láng giềng, nên từ trước đến giờ vẫn cho là giao hiếu, trẫm noi theo phép cũ, há lại nghe lời nói ngoài mà tự mình tước bỏ nghĩa láng giềng… Vậy lời xin của nước Diến Điện không cho thi hành. Nhưng nghĩ sứ thần vượt biển đi xa, giữa đường lại gặp hỏa tai, nên trả lại đồ cống mà thưởng cho quốc vương và sứ thần” .
Cũng theo cuốn sách mới xuất bản của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn: “Sau khi quyết xong, nhà vua sai Quản cơ Nguyễn Văn Uẩn và Chánh Tuần hải đô dinh Hoàng Trung Đồng đem binh thuyền và mang theo lương tiền sử dụng trong 6 tháng, đưa sứ bộ đến địa đầu nước Miến Điện mới quay về. Mặt khác vua Minh Mạng lại sai bộ Lễ thông báo cho Xiêm sự kiện này, vua Xiêm gửi thư tạ ơn”.

Tượng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt

Ảnh: T.L

Được biết, ngày 18.2.1824, chỉ dụ của vua Minh Mạng về được đến Sài Gòn trong lúc sứ bộ Miến Điện Gibson đang hồi hộp ngày đêm trông ngóng. Hôm sau, phái đoàn yết kiến Tổng trấn Lê Văn Duyệt và được thông báo là đã có sẵn một chiếc tàu lớn đã được chuẩn bị để đưa họ về nước, cùng với thư và tặng phẩm của vua Minh Mạng gửi cho quốc vương Bagyidaw. Như vậy chuyến ngoại giao của sứ bộ Miến Điện không thành công như mong đợi.
Dù vậy vua Minh Mạng rất hậu hĩnh, sách đã dẫn của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn tiết lộ: “Về phần sứ bộ Miến, họ được cấp 516 quan tiền và 141 phương gạo, đủ chi dùng trong hành trình 3 tháng trở về nước. Họ được đưa đến Cần Giờ và khởi hành từ Vũng Tàu ngày 31.3.1824 để trở về nước.Sứ bộ Gibson đến Singapore ngày 9.4.1824, thì kịp nhận được tin về cuộc chiến đã nổ ra giữa quân Anh và quân Miến Điện”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.