Vừa học vừa kiếm tiền

03/05/2006 22:18 GMT+7

Trường International College Hotel Management (ICHM) ở thành phố Adelaide thuộc Australia là trường duy nhất ở nước này được tổ chức Swiss Hotel Managenment School (SHA) của Thụy Sĩ công nhận đủ điều kiện cấp bằng đào tạo cử nhân quản trị khách sạn đạt chuẩn quốc tế.

Trường có khuôn viên rộng 14.500 m2 với hệ thống cơ sở vật chất trị giá 35 triệu đô la Úc. Đến nay, trường đã liên thông với hơn 400 khách sạn và khu resort cao cấp trên khắp thế giới. Sinh viên tại trường ICHM được đào tạo theo chương trình đặc biệt. Trong 1 năm học, họ được học lý thuyết 6 tháng và 6 tháng thực hành ở các khách sạn đạt chuẩn 5 sao ở nhiều nước khác nhau mà ICHM có quan hệ. Sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên của ICHM đã kiếm được việc làm ngay tại mạng lưới các khách sạn này. Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên Thanh Niên và hai du học sinh Việt Nam hiện đang theo học tại ICHM là Trương Minh Quý và Đặng Dương Minh Dung tại Adelaide.

* PV: Chào Quý và Dung, hai bạn có thể tự giới thiệu ngắn gọn về mình?

- Quý: Mình là sinh viên năm thứ 2. Thời gian biểu hằng ngày rất bận rộn. Hiện mình đang chuẩn bị thi lý thuyết môn Food and Beverage Management (Nghiệp vụ quản trị dịch vụ ăn uống). Sinh viên đang học môn này được thực tập ngay tại nhà hàng của trường. Hôm nay, mình và bạn Dung đây được ăn trưa miễn phí tại nhà hàng nhưng bù lại phải phục vụ lại cho khách từ đầu giờ chiều đến 12 giờ tối.

- Dung: Mình cũng là sinh viên năm 2. Mình học chung với Quý trong lớp Wine Studies (Môn học về rượu). Thực tình, bạn Quý là người giúp đỡ mình rất nhiều trong môn này. Con gái ít uống rượu nên rất sợ học môn này. Mình thấy việc phân biệt mùi vị các loại rượu khó kinh khủng.

- Quý: (cười) Học cái môn này mình vừa sợ vừa khoái. Từ trước đến nay chưa bao giờ 


Sinh viên quốc tế đang theo học tại ICHM

được nếm nhiều loại rượu đến như vậy.

* PV: Vậy có khi nào bạn bị "xỉn" không?

- Quý: Không có đâu. Sinh viên chỉ được phép nếm thôi. Sau đó phải đổ rượu vào bồn xả hết. Đây thực sự là môn học rất khó. Nếu không giỏi môn này thì khó xem là người có "đẳng cấp" nghề nghiệp thực thụ được.

- Dung: Đồng ý! Nhưng theo Dung môn nào cũng có cái khó riêng, không chỉ Wine Studies đâu. Chẳng hạn như môn Room Division Operation (Nghiệp vụ điều hành dịch vụ phòng). Đây là môn Dung rất thích học. Ban đầu tưởng dễ nhưng khi học mới thấy để trở thành người quản lý giỏi ở lĩnh vực này không dễ chút nào.

- Quý: Nhất trí với Dung. Tuần trước mình mới bị một "vố" nhớ đời với giờ thực hành môn Food and Beverage Management. Mình được xếp vào nhóm phục vụ bàn. Tay phải cầm chai rượu rót vào ly khách. Tay trái lại đang cầm chai bia đã mở nắp. Ma xui quỷ khiến thế nào tay trái bắt chước tay phải. Thế là suýt nữa cho khách "tắm bia" luôn. 

* PV: Học xong hai môn này, các bạn sẽ học tiếp những môn nào?

- Dung: Thi xong, tụi mình sẽ có 6 tháng thực tập tại khách sạn ở bên ngoài. Nhà trường sắp xếp cho tất cả sinh viên vào thực tập tại các khách sạn 5 sao. Thông thường tụi mình chọn các khách sạn 5 sao ở Úc, có thể ở Adelaide hoặc Sydney hay Melbourne.

* PV: Thế tại sao các bạn lại không xin thực tập ở nước khác chẳng hạn như Mỹ hay Hồng Kông - vừa kết hợp việc học với thú du lịch ? Trường ICHM có một hệ thống các khách sạn liên thông trên khắp thế giới cơ mà?

- Quý: Dĩ nhiên tụi mình có thể xin vào thực tập ở Grand Hyatt ở Hồng Kông hay Hilton ở Bắc Kinh. Ăn ở thì có khách sạn lo. Tuy nhiên, mình phải chịu tiền vé máy bay đi về và chi phí làm visa khá cao so với túi tiền khiêm tốn của tụi mình.

* PV: Trong các kỳ thực tập, sinh viên có thể kiếm tiền chứ?

- Dung: Đương nhiên rồi, kiếm nhiều nữa là đằng khác. Học phí ở ICHM đắt kinh khủng. Nhưng theo kinh nghiệm của các bậc đàn anh, 6 tháng đi thực tập có thể giúp mình kiếm tiền để trang trải một phần học phí cho học kỳ tiếp theo.

* PV: Trung bình, mỗi giờ làm việc tại một khách sạn 5 sao ở Úc, các bạn được trả bao nhiêu?

- Quý: Từ 30 đến 40 đô la Úc tùy theo công việc. Đó có thể là một điều rất ưu đãi đối với sinh viên ngành của mình. Sinh viên các trường khác đi làm thêm tại quán café hay nhà hàng cũng chỉ kiếm được giỏi lắm 15 đô/giờ. Nếu thực tập ngay tại Adelaide, mình có thể làm việc tối đa 20 giờ trong một tuần. Ấy là chỉ trong kỳ học lý thuyết thôi đấy. Chứ kỳ thực 


Trong phòng học chế biến rượu
hành thì kiếm tiền chắc chắn sẽ nhiều hơn.

- Dung: Tiền kiếm được tụi mình đủ sức trang trải cho tiền ăn và tiền thuê nhà. Mình đang ở cùng phòng với một bạn cũng là du học sinh Việt Nam. Tiền ăn mỗi tháng tốn khoảng 50 đô, ở khoảng 75 đô. Nếu đang học chương trình lý thuyết ở trường, tụi mình vẫn có thể đi làm thêm mấy tiếng ở ngoài. 

* PV: Nhưng nếu "cày" quá liệu có còn sức để học?

- Quý: Mình cho rằng việc vừa được học vừa được kiếm tiền là điều rất may mắn đối với tụi mình. Nghề này đòi hỏi kinh nghiệm. Ngay khi ra trường, nếu bản thành tích làm việc tại các khách sạn của mình ấn tượng, chắc chắn đó sẽ là một lợi thế để nộp đơn vào các vị trí cao.

* PV: Thông thường các bạn được các khách sạn thuê làm những gì?

- Dung: Bất cứ công việc gì mà họ thấy mình đủ khả năng đáp ứng. Sinh viên năm 2 của mình đã được học các môn Beverage Service Procedure (Quy trình phục vụ các thức uống) ở năm thứ nhất nên có thể dễ dàng xin làm việc tại quán bar hay nhà hàng của khách sạn. Nếu đi làm thêm tại các khách sạn nhỏ, bạn có thể xin vào các vị trí như tiếp tân hay giám sát viên… 

- Quý: Ơ xin lỗi. Đến giờ tụi mình phải đi "cày" ở nhà hàng của trường rồi.

* PV: Cám hơn hai bạn nhiều! Chúc hai bạn một ngày làm việc thật may mắn nhé!

Quỳnh Như (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.