Vừa đổi mới, phải cắt nhiều điểm hấp dẫn chương trình giáo dục mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
06/10/2021 06:36 GMT+7

Nhiều giáo viên lớp 6 đánh giá cần điều chỉnh theo hướng cắt giảm yêu cầu của chương trình để dạy học trong dịch bệnh nhưng tiếc nuối khi những điểm hấp dẫn của chương trình, môn học mới chưa phát huy được trong năm học đầu tiên.

Năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở cấp trung học, bắt đầu với khối lớp 6 nhưng do dịch bệnh nên Bộ GD-ĐT hướng dẫn nhiều nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT học sinh (HS) tự đọc, tự học, tự làm và tự thực hiện…

Do học trực tuyến, giảm tải chương trình nên nhiều môn học của lớp 6 năm nay mất những đặc điểm hấp dẫn của chương trình mới

NGỌC THẮNG

Giảm tải với lớp 6: Giảm nhưng vẫn nặng

Giảm tải theo nguyên tắc nào ?

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng việc tinh giản, tập trung dạy những nội dung, kiến thức cốt lõi là buộc phải làm. Tuy nhiên, Bộ cũng đặt ra nguyên tắc: giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, không yêu cầu HS thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp... Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với lớp 7 đến lớp 12.

Đối với lớp 6, Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện dạy học bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Đối với những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy trực tuyến để dạy hoặc hướng dẫn HS tự thực hiện ở nhà. Phần tự học, tự làm này sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá.

Ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết các cơ sở giáo dục và giáo viên (GV) đều đánh giá sự giảm tải này là phù hợp và cần thiết vì phần lớn địa phương vẫn phải dạy, học trực tuyến với điều kiện và chất lượng dạy học rất không đồng đều.

Ngay sau khi Bộ ban hành hướng dẫn với nhiều nội dung trong chương trình, sách giáo khoa (SGK) được tinh giản, GV cấp THCS và THPT của Trường Marie Curie (Hà Nội) ở từng môn đã nghiên cứu hướng dẫn và đưa ra những nhận xét ban đầu.

Ý kiến của GV tập trung nhiều vào những băn khoăn, lo lắng với lớp 6. Trong hướng dẫn của Bộ, riêng với lớp 6 cũng không đi vào từng bài học cụ thể theo SGK mà chỉ dựa vào chương trình. Do lớp 6 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), áp dụng một chương trình, nhiều SGK nên việc tinh giản không thể dựa vào bộ SGK nào mà chỉ có thể dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình.

Tổ GV môn ngữ văn khối THCS của trường này cho rằng: HS khối 6 so với các khối lớp còn lại đang gặp một số khó khăn khi học trực tuyến. Cụ thể, các em chuyển từ cấp tiểu học lên THCS khi lớp 5 vẫn học theo chương trình cũ. Lên lớp 6, nhiều môn học mới lại chưa quen với phương pháp mới, nhiều kỹ năng cần hướng dẫn cụ thể như ghi bài, chuẩn bị bài trước khi học, cách làm bài tập về nhà…

Sức hấp dẫn của các môn học tự nhiên có thực hành, thí nghiệm giảm đáng kể khi giảm tải chương trình do học trực tuyến

Đào ngọc thạch

Các GV chỉ ra rằng nội dung môn ngữ văn lớp 6 giảm lượng văn bản cần đọc; giảm mục liên hệ so sánh, kết nối giữa các văn bản; kỹ năng viết cũng giảm 3 bài viết; kỹ năng nói và nghe giảm 1 bài. Tuy đã giảm tải, nhưng với GV và HS khối 6, nội dung chương trình cần đạt vẫn còn khá nặng. Lý do là chương trình lớp 6 hướng tới dạy HS theo 4 kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Do đó, dù có giảm tải một vài văn bản cần đọc, nội dung viết, nói, nghe cụ thể thì về cơ bản, khi dạy học, GV vẫn phải hướng dẫn HS đảm bảo thực hiện đầy đủ 4 kỹ năng nêu trên. Khi kiểm tra đánh giá, tuy không vào nội dung đã tinh giản, nhưng yêu cầu cần đạt của các kỹ năng vẫn không thay đổi. HS vẫn học đầy đủ các chủ đề, thực hiện đủ các kỹ năng như mục tiêu của chương trình.

Giảm sự hấp dẫn của những môn “lần đầu xuất hiện”

Với các môn khoa học tự nhiên, do đặc thù của môn học có nhiều phần thực hành, thí nghiệm, trong khi hướng dẫn giảm tải của Bộ chuyển phần lớn nội dung này sang để HS tự thực hiện chứ không trở thành yêu cầu bắt buộc. Nhiều GV cũng cho rằng điều này làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của môn học, đặc biệt lớp 6 lần đầu tiên được học các môn như: lý, hóa, sinh.

GV dạy môn sinh của Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho biết các bài thực hành không bắt buộc nên GV có thể chỉ hướng dẫn HS các bước hoặc xem video hướng dẫn, còn phần thực hành khuyến khích HS tự làm tại nhà. Nếu có thời gian thì báo cáo kết quả, còn chủ yếu dành thời gian dạy học để giúp HS nắm những kiến thức lý thuyết mang tính nền tảng của môn học.

Trong các môn khoa học tự nhiên, hóa học là môn lần đầu HS lớp 6 phải học. Do vậy, khi phải tinh giản, GV cũng thấy nuối tiếc nhất những phần hấp dẫn của môn học và có thể khiến HS yêu thích môn này, đó là phần thực hành, thí nghiệm. Nhóm GV dạy hóa của Trường Marie Curie nhận định: Qua những tuần đầu dạy, nhận thấy HS lớp 6 ghi bài chậm, GV phải hướng dẫn tỉ mỉ, thời lượng học trực tuyến chỉ 35 phút/tiết nên phải bỏ hết phần xem thí nghiệm trong bài dạy. Do đó, không còn đặc trưng hấp dẫn của bộ môn, không tổ chức được nhiều hoạt động phát triển năng lực cho HS.

Với môn toán, nhiều GV chung một nhận định, khi tinh giản và dạy học trực tuyến đã khiến HS thiệt thòi, khó khăn hơn trong tương tác theo hoạt động nhóm, đặc biệt là phân môn hình học.

Bên cạnh đó, chương trình lớp 6 mới lần đầu tiên đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào như một hoạt động giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, vì dịch bệnh và dạy học trực tuyến nên môn học đặc thù này bị ảnh hưởng đáng kể. GV chỉ có thể hướng dẫn HS tự trải nghiệm trong điều kiện cho phép.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.