Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: 6 tháng nay tôi bỏ việc để 'xin' lại con

Thu Hằng
Thu Hằng
14/07/2018 08:19 GMT+7

“3 lần xét nghiệm ADN đều cho kết quả H., đứa con bấy lâu nay tôi nuôi nấng, không phải là con ruột. Còn cháu M. ở xã bên mới là con tôi. Sự việc trao nhầm con khiến những người trong cuộc đều đau lòng”.

Anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội), người bố trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì, chia sẻ với Thanh Niên câu chuyện buồn khiến cuộc sống gia đình anh đảo lộn hơn nửa năm qua.
Tìm thấy con nhờ mạng xã hội
6 năm trước, ngày 1.11.2012, gia đình anh Phùng Giang Sơn vui mừng đón đứa con trai đầu lòng trong niềm hân hoan hạnh phúc. Dù lớn lên, bé Phùng Thanh H. không có nhiều nét giống các thành viên trong gia đình, nhưng anh cũng không nghĩ ngợi gì nhiều.
Cho đến 1 ngày ngày cuối tháng 1, một người quen gửi hình bé trai có nét giống anh Sơn. Trong lòng có chút băn khoăn, song phải hơn 1 tháng sau, khi bố anh Sơn tình cờ lên mạng bắt gặp hình ảnh cháu Đoàn Nhật M. ở xã bên giống con trai mình, ông yêu mới cầu anh Sơn xét nghiệm ADN xem cháu Phùng Thanh H. có phải là con đẻ mình không.
“Cầm kết quả, 2 vợ chồng đều không tin, cứ nghĩ rằng có gì đó nhầm lẫn. Thử lại đến lần thứ 2, cho ra kết quả ADN giống như lần 1. Cả 2 vợ chồng đều sốc. Cuộc sống gia đình bắt đầu thay đổi từ đó”, anh Sơn đau khổ nhớ lại.
Sau khi họp gia đình, cả nhà anh Sơn quyết định xuống gặp gia đình chị Vũ Thị Hương ở xã bên để gặp con, nhưng không gặp được vì chị Hương đi làm ở Hà Nội. Anh Sơn thuyết phục vợ đi xét nghiệm ADN với cháu M. Kết quả, xác xuất bé M. là con lên đến 99,99%.
Anh Sơn chia sẻ: “Khi biết kết quả, cả nhà tôi hẹn gặp chị Hương lần nữa. Thật bất ngờ, khi thấy chúng tôi đến, bé M. đã ôm chầm lấy ông nội. Còn bé H. lại tặng đồ chơi cho đứa con thứ 2 của chị H. Nhìn hình ảnh đó, tôi lặng người đi vì xúc động, chỉ muốn được đón con về để bù đắp tình cảm trong suốt những năm qua, nhưng mọi việc không dễ dàng như tôi tưởng …”
Bỏ cả việc để đi xin nhận lại con
Theo lời anh Sơn, sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã ký cam kết với gia đình sau 2 tuần sẽ giải quyết mọi việc ổn thỏa. Nhưng từ đó đến nay, bệnh viện không những không giải quyết được vấn đề, mà còn đẩy sự việc đi xa hơn. “Tôi không hiểu đại diện của bệnh viện làm công tác tư tưởng thế nào mà mâu thuẫn giữa 2 gia đình càng tăng lên. Trong vòng hơn 1 tháng nay, tôi gọi cho lãnh đạo bệnh viện đều không nhấc máy. Sốt ruột quá, tôi mới làm đơn nhờ Bộ Y tế cam thiệp”, anh Sơn bức xúc.
Trước khi phát hiện ra sự việc trao nhầm con, anh Sơn làm quản lý tại một nhà hàng ở Hà Nội. Để có thêm thu nhập nuôi vợ và 2 con nhỏ, hàng ngày, anh Sơn thu mua rau ở quê lên đưa ra Hà Nội bỏ mối cho các nhà hàng. Với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng sống ở vùng ngoại thành cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, hơn 6 tháng nay, nguồn thu nhập thường xuyên đã không còn. Thậm chí, tiền tích lũy cũng dần cạn kiệt. Anh Sơn bộc bạch: “Vợ chồng tôi chẳng còn tâm trí nào làm ăn, tôi bỏ việc ở Hà Nội về nhà chỉ lo làm thế nào để “xin” đón con về. Cháu M. hiện ở Hà Nội với mẹ, thỉnh thoảng chúng tôi mới được gặp cháu. Nguyện vọng của gia đình là sớm cho cháu M. về đoàn tụ với người thân”.
Con tôi rất cần bác sĩ tâm lý
Những ngày qua, khi sự việc được chia sẻ rộng rãi trên báo chí và mạng xã hội, gia đình anh Sơn vô cùng mệt mỏi vì thường xuyên phải tiếp khách, nhận được điện thoại hỏi thăm của bạn bè và của báo, đài. Cháu H., mặc dù mới 6 tuổi, nhưng cũng đã hiểu sự việc.
Anh Sơn chia sẻ: “Tâm lý của cháu bị ảnh hưởng rất nhiều. Cháu ăn ít đi, học hành chểnh mảng. Buổi tối không ngủ được. Mấy ngày nay, các báo đài về nhiều, cháu sợ bị mọi người đưa đi nên chạy trốn sang nhà ông nội. Tôi rất thương con, cháu vẫn muốn ở lại với gia đình. Cháu M. con đẻ tôi chắc cũng vậy. Trẻ con ngây thơ không có lỗi, cháu đang rất cần một bác sĩ tâm lý”.
Là người cha, anh Sơn mong muốn mọi việc ồn ào nhanh chóng kết thúc để chăm lo, bù đắp thiệt thòi cho cậu con trai. “Các cháu đang còn bé, nếu để kéo dài, e rằng tâm lý sẽ bị ảnh hưởng lớn. Tôi không muốn kiện tụng bệnh viện, không muốn nhờ sự can thiệp của pháp luật. Chúng tôi chỉ gửi đơn xin con về với cha mẹ đẻ. Các cháu sắp vào lớp 1, tôi mong bệnh viện sớm giải quyết tạo điều kiện giúp cho 2 cháu về với chính bố mẹ để còn kịp làm lại giấy khai sinh cho các cháu còn bắt đầu học tập trong môi trường mới”, anh Sơn tâm sự.
Anh Sơn cũng cho biết, ngày 13.7, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì có hẹn cùng Sở Y tế Hà Nội đến làm việc với gia đình anh. Tuy nhiên, đến chiều ngày cùng ngày, vẫn không thấy người của Sở Y tế đến gặp gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.