Vụ ‘tiến sĩ làm giàu’: Bị hại nói bị cáo 'rất tử tế', cần trả tự do

21/04/2023 14:09 GMT+7

Trong số các bị hại vụ “tiến sĩ làm giàu”, một số người nói bị cáo “rất tốt, tử tế”, đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) trả tự do cho bị cáo.

Ngày 21.4, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải (57 tuổi), cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế - Công ty IDT, còn được biết đến là tiến sĩ “dạy làm giàu", về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ ‘tiến sĩ làm giàu’: Bị hại nói bị cáo ‘rất tử tế’, cần ‘trả tự do’ - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Thanh Hải tại tòa

THẢO TRẦN

Bị hại xin tòa trả tự do cho bị cáo

Vụ án này, trong số 2.574 nhà đầu tư góp vốn, đến nay cơ quan tố tụng xác định được 574 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt 576 tỉ đồng. 2.000 người còn lại do chưa đến làm việc nên công an đã tách tài liệu để tiếp tục điều tra, xử lý sau. HĐXX triệu tập các bị hại đến tòa, trong đó 87 người có mặt.

Chiều 20.4, bên cạnh những bị hại đề nghị được trả tiền, một số khác lại khẳng định không bị ông Phạm Thanh Hải lừa, giao dịch giữa 2 bên là dân sự, tự nguyện đầu tư, khi góp vốn đã nhận thức được rủi ro và tuyệt đối tin tưởng. Có người không yêu cầu bị cáo bồi thường và đề nghị tòa tuyên "trắng án" để cùng nhau kinh doanh.

Xem nhanh 12h ngày 26.4: Khởi tố 65 bị can vụ ‘4 tiếp viên’ | 'Tiến sĩ làm giàu’ bị tuyên án chung thân, bị hại la ó phản đối

Sáng nay, trả lời HĐXX và luật sư, nhiều bị hại tiếp tục bày tỏ mong muốn cho bị cáo tại ngoại để 2 bên tự giải quyết.

Nữ bị hại tên Phong cho biết đến nay không nhớ chính xác số tiền đã góp vốn kinh doanh là bao nhiêu, nhưng bà không yêu cầu ông Hải bồi thường và xin tòa trả tự do cho bị cáo. HĐXX công bố tài liệu, cho thấy bà này đã góp hơn 700 triệu đồng, đến nay nhận về gần 200 triệu đồng.

Bị hại khác tên Thiệu nói đã đầu tư hơn 200 triệu đồng, đến nay lấy được khoảng 60 triệu đồng. Dù vậy, ông này cho rằng bị cáo không có tội, đề nghị tòa xử công minh, cho bị cáo tại ngoại để có tiền trả cho mọi người.

Hay như cụ bà 90 tuổi cho hay đầu tư gần 1,5 tỉ đồng, đã nhận hơn 150 triệu đồng. Cụ bà kể đã hợp tác với ông Hải từ lâu, bị cáo “trả rất đúng mực, tử tế”, không có chuyện chiếm đoạt tiền của mình, nên đề nghị tòa cho bị cáo tại ngoại để tiếp tục kinh doanh. Cụ bà dứt lời, một nhóm bị hại bên cạnh vỗ tay khiến HĐXX phải nhắc nhở “đây là phiên tòa chứ không phải cuộc họp mà vỗ tay”.

Sau giờ giải lao, khi ông Hải được dẫn từ ngoài vào phòng xử, hàng chục bị hại phía dưới đồng loạt vỗ tay. Trả lời HĐXX sau đó, một người nói bị cáo “rất tốt, có tâm, có đức”, chờ bị cáo về để giải quyết tiền cho mình.

Vụ ‘tiến sĩ làm giàu’: Bị hại nói bị cáo ‘rất tử tế’, cần ‘trả tự do’ - Ảnh 2.

HĐXX trong phần thẩm vấn đối với bị cáo và người liên quan

THẢO TRẦN

Chi lãi 40 - 50% vẫn còn thấp hơn tiền sinh lời?

Tham gia xét hỏi, luật sư đặt vấn đề căn cứ để bị cáo có thể thanh toán lãi 40 - 50% như trong hợp đồng ký kết. Ông Hải cho rằng các dự án mà mình đầu tư có thời hạn 3 - 5 năm, lợi nhuận mang lại gấp nhiều lần; việc chi lãi như vậy vẫn thấp hơn so với số tiền bị cáo có thể dôi dư.

Cáo trạng cáo buộc để thu hút nhà đầu tư, ông Hải đưa ra nhiều thông tin gian dối, bao gồm việc giới thiệu là tiến sĩ và đang có các dự án lãi suất cao. Tuy nhiên, bị cáo khẳng định các thông tin mà mình trao đổi với nhà đầu tư đều là thật, chưa bao giờ phát ngôn dự án lãi suất cao mà chỉ nói là các dự án có tiềm năng phát triển.

Ông Hải cũng hứa sẽ có trách nhiệm trả lại tiền cho tất cả những người từng ký hợp đồng với mình, không chỉ 574 bị hại đã xác định được, mà gồm cả 2.000 người còn lại.

Trước đó, tại buổi xét xử chiều 20.4, bị cáo nói mình là "nhà khoa học làm kinh tế", có thể có sai sót chứ không bao giờ lừa đảo. Ông này khẳng định đã thực hiện đúng nghĩa vụ với hàng nghìn nhà đầu tư, thậm chí bỏ tiền túi trả tiền nhiều hơn cả số thu được từ những người góp vốn.

Bị cáo cũng bác bỏ cáo buộc “kêu gọi góp vốn”, vì bản thân chỉ chia sẻ kiến thức kinh doanh và kể về các dự án lớn đang đầu tư, nhà đầu tư thấy hay thì tự nguyện tham gia góp vốn, chứ không kêu gọi ai.

HĐXX chất vấn về việc các dự án được quảng bá sinh lời cao nhưng thực tế đều không hiệu quả. Ông Hải "lấy danh dự đảm bảo dự án có tiềm năng rất lớn", nhất là "mạng xã hội dạy làm giàu". Theo lời bị cáo, thời điểm năm 2015, trang này đã có tới hơn 700.000 thành viên, dự kiến năm 2016 sẽ có 2 triệu người và giá trị sẽ lên tới 2 tỉ USD, chắc chắn sẽ có doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại.

Đối với nguồn tiền chi trả, ông này thừa nhận dựa vào nguồn tiền của các nhà đầu tư tiếp theo để "đầu tư tiếp sức"; nếu không bị bắt, ông có thể khiến mỗi dự án sinh lời cả tỉ USD. Lúc bị cáo nói về triển vọng của các dự án, một nhóm bị hại liên tục vỗ tay, chủ tọa phải nhắc nhở cần tôn trọng nội quy phiên tòa, "đây không phải là sân khấu".

Sáng nay, khi một số bị hại bày tỏ nguyện vọng được lấy lại số tiền đã góp vốn, nhiều bị hại xung quanh đồng loạt truy vấn “đã đến hạn chưa mà trả”. HĐXX lại phải nhắc nhở, đề nghị giữ trật tự.

Theo nội dung cáo trạng, năm 2007, bị cáo Hải thành lập Công ty IDT, giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Công ty hoạt động kinh doanh trên mạng internet nhưng không hiệu quả.

Do cần tiền, từ năm 2008, bị cáo Hải tổ chức hội thảo, thành lập mạng xã hội "hoclamgiau", tự giới thiệu là tiến sĩ, đang đầu tư vào nhiều dự án siêu lợi nhuận.

Để thu hút nhà đầu tư, bị cáo đưa ra các hợp đồng với lãi suất huy động lên tới 40 - 50%/năm, thậm chí cắt lãi ngay khi nộp tiền. Từ tháng 10.2014 - 10.2015, bị cáo Hải huy động được hơn 2.700 tỉ đồng từ 2.574 người.

Có tiền, bị cáo Hải cho vay, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chỉ dùng hơn 98 tỉ đồng để góp vốn vào một số dự án, nhưng với danh nghĩa cá nhân chứ không phải Công ty IDT.

Các dự án này đều mới thành lập, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như hứa hẹn, dẫn tới mất khả năng thanh toán.

Đến nay, cơ quan tố tụng xác định được 574 người là bị hại, với tổng số tiền bị chiếm đoạt 576 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.