Vụ thu quỹ lớp 313 triệu đồng: Còn bao nhiêu lớp tương tự?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/09/2023 18:57 GMT+7

Vụ thu chi quỹ lớp 313 triệu đồng tại lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM dù được Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh kết luận có nhiều khoản thu chi sai, yêu cầu trả tiền, phê bình hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường đã trả tiền, nhưng vẫn khiến dư luận chưa hết bức xúc.

Vụ thu quỹ lớp 313 triệu đồng: Còn bao nhiêu lớp tương tự? - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh ngày 28.9

THÚY HẰNG

Có phải chỉ lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà?

Hàng trăm bình luận của bạn đọc Báo Thanh Niên gửi về sau mỗi bài viết về vụ việc thu chi quỹ lớp 313 triệu đồng, trong đó hơn 225 triệu đồng tiền sửa chữa một lớp học và nhiều chục triệu đồng để chi cho nhân viên phục vụ cho nhà trường, tập văn nghệ, internet hòa mạng… 

Cho tới khuya qua, khi lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà tổ chức họp phụ huynh ngay sau quyết định của Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh, trả lại tiền mặt cho các phụ huynh, thì sự quan tâm của bạn đọc với vụ việc này vẫn rất lớn.

Nhiều bạn đọc có chung quan điểm "chỉ phê bình giáo viên chủ nhiệm và cô hiệu trưởng sau vụ việc này có 'giơ cao đánh khẽ' và đủ sức răn đe?". Đồng thời, nhiều phụ huynh để lại những bình luận: Còn bao nhiêu lớp học như lớp 1/2 cũng thu chi sai, nhưng phụ huynh vẫn "câm nín", nên vẫn tiếp tục thu chi khủng?

Một bạn đọc lấy tên dTLmom1e… bình luận: "Theo tôi được biết là không chỉ mỗi một lớp 1/2 này có thu số tiền lớn như vậy, cần làm rõ việc này, không thể giải quyết kiểu lấp liếm dư luận như vậy".

Vụ thu quỹ lớp 313 triệu đồng: Còn bao nhiêu lớp tương tự? - Ảnh 2.

Họp phụ huynh, chờ nhận lại tiền thu chi sai tại lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà tối 28.9

THÚY HẰNG

Chung quan điểm này, phụ huynh Nguyễn Tuấn nêu ý kiến: "Nếu lúc đầu đưa ra bản dự tính và số tiền phải đóng bao nhiêu thì đâu ra như vậy. Lúc họp biểu quyết sửa sang lớp học, phụ huynh tất nhiên đồng ý. Nhưng khi đến lúc kêu đóng tiền thì mới té ngửa ra số tiền mỗi phụ huynh phải đóng bằng cả một tháng lương nên mới có phụ huynh phản ánh với báo chí. Sai phạm rõ ràng, cơ quan chức năng cần cử cán bộ thẩm định lại trường này xem những năm qua có sai phạm tương tự hay không? Không lẽ chỉ riêng lớp 1/2 này thôi sao?".

Bạn đọc Ha Nguyen viết: "Nếu phụ huynh không phản ánh, báo đài không lên tiếng thì Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh, Sở GD-ĐT TP.HCM, Bộ GD-ĐT có biết vấn đề này hay không?".

Phụ huynh Anh Tuấn Nguyễn chia sẻ về tòa soạn: "Xin ban giám hiệu, nhà trường trả lại sự tôn nghiêm, kính trọng của xã hội, trực tiếp là phụ huynh - học sinh với ngành giáo dục, đừng lạm thu. Đằng sau những khoản đóng góp, phụ huynh bàn tán trao đổi trong gia đình, các em nghe trong im lặng, không phản ứng. Nhưng từng bước, làm giảm đi sự kính trọng thầy cô và sau đó là những hành vi phi giáo dục từ các em ngày càng nhiều".

Vụ thu quỹ lớp 313 triệu đồng: Còn bao nhiêu lớp tương tự? - Ảnh 3.

Bảng thu chi quỹ lớp hơn 313 triệu đồng của lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà

PHỤ HUYNH CUNG CẤP

Chỉ phê bình, phải chăng quá nhẹ nhàng?

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn về việc Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh chỉ đạo nhà trường phê bình đối với bà Huỳnh Ngọc Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, về các sai phạm thu chi; Phòng GD-ĐT quận có văn bản phê bình bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường, về việc chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà trường, chưa thực hiện đúng quy trình vận động, công tác thu chi quỹ hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh theo đúng quy định.

Tài khoản Nguyen Tan Phong bày tỏ: "Tôi không hiểu, trường là tài sản của nhà nước, nhưng hiệu trưởng này bảo phụ huynh muốn sửa chữa lớp. Nhà tôi (là tài sản của tôi) chỉ cần đổ xe cát trước nhà, đô thị phường đến hỏi thăm rồi".

Bạn đọc buingocthang758 cho rằng việc phê bình giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng là quá nhẹ so với sai phạm thu chi quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/2, phải có hình thức kỷ luật mạnh hơn. "Việc hiệu trưởng đồng ý cho ban đại diện cha mẹ học sinh sửa lớp học và đồng ý cho học sinh học từ lớp 1 đến lớp 5 ở tại một lớp là vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT. Thứ hai, lớp học là tài sản của nhà trường, là tài sản của nhà nước, nên sửa chữa lớp, số tiền lớn phải được phép của cơ quan chủ quản, kể cả huy động tiền của cha mẹ học sinh. Nếu hiệu trưởng để các lớp tự sửa chữa đầu tư lớp học như khách sạn thì phòng học còn đâu là nơi giáo dục, nơi học tập và sẽ sinh ra đố kỵ, phân biệt lớp con nhà giàu, con nhà nghèo", phụ huynh này lên tiếng.

Vụ thu quỹ lớp 313 triệu đồng: Còn bao nhiêu lớp tương tự? - Ảnh 4.

Cơ sở vật chất bên trong Trường tiểu học Hồng Hà

THÚY HẰNG

Nhấn mạnh về trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường, luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, tại điều 12 Thông tư 16 năm 2018, Bộ GD-ĐT có quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục - ở đây là hiệu trưởng. Cụ thể, thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục.

Phụ huynh học sinh cần ghi nhớ những thông tin gì về ban đại diện cha mẹ học sinh, cũng như việc vận động tài trợ trong trường học, để góp phần chống lạm thu, làm cho môi trường học đường minh bạch, nhân văn hơn?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết phụ huynh cần lưu ý về Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16 năm 2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Cụ thể tại khoản 2 điều 5 Thông tư 55, Bộ GD-ĐT quy định về quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:

  • Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh theo quy định tại điều 9 của Điều lệ này (trừ cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp;
  • Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học;
  • Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp".

Theo quy định trên, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không có quyền vận động tài trợ trong lớp.

Còn tại khoản 1 điều 5 Thông tư 16, Bộ GD-ĐT quy định về quy trình vận động tài trợ tại cơ sở giáo dục: Căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở; báo cáo sở giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc sở giáo dục và đào tạo, trước khi tổ chức vận động tài trợ.

"Theo quy định kể trên, chúng ta có thể thấy được việc vận động tài trợ cho cơ sở giáo dục tiểu học phải được xây dựng kế hoạch, báo cáo về phòng GD-ĐT, khi được phê duyệt thì mới được phép tiến hành vận động", luật sư Trần Minh Cường trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.