Vụ sạt lở cù lao Minh: 13 nhà, 15 ha đất rơi xuống sông Cổ Chiên

Nam Long
Nam Long
06/12/2022 12:55 GMT+7

Liên quan vụ sạt lở nghiêm trọng ở cù lao Minh (H.Long Hồ, Vĩnh Long ), theo thống kê của cơ quan chức năng, 13 căn nhà và khoảng 15 ha đất vườn của người dân bị rơi xuống sông Cổ Chiên.

Sạt lở vẫn tiếp diễn

Ngày 6.12, ông Lưu Nhuận, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Vĩnh Long, cho biết vụ sạt lở ở cù lao Minh, thuộc ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, H.Long Hồ, Vĩnh Long xảy ra chiều 5.12 đã làm 16 hộ dân với 58 nhân khẩu bị ảnh hưởng, ước thiệt hại 35 tỉ đồng. Trong đó, có 13 căn nhà và khoảng 15 ha đất vườn bị rơi xuống sông Cổ Chiên.

Vụ sạt lở kinh hoàng ở cù lao Minh: sáng 6.12 vẫn còn nhiều điểm tuột xuống sông

Một người chỉ chỗ một căn nhà đã tuột xuống sông và căn nhà hiện tại đã nứt một nữa sắp rơi xuống sông và không cho ai đến gần tránh nguy hiểm

Nam Long

Khu vực sạt lở kinh hoàng

Nam Long

Sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và H.Long Hồ đã có mặt tại hiện trường, đi tàu khảo sát điểm sạt lở và hỗ trợ ban đầu mỗi hộ dân bị thiệt hại 2 triệu đồng. Đồng thời, chính quyền địa phương đã bố trí chỗ ở tạm tại Nhà văn hóa xã cho người dân bị mất nhà và lên phương án khắc phục sự cố.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến hơn 9 giờ sáng 6.12, tình trạng sạt lở vẫn còn diễn ra và 1 căn nhà có nhiều vết nứt chuẩn bị rơi xuống sông Cổ Chiên. Lực lượng quân sự đã đến hỗ trợ người dân nằm trong vùng nguy cơ di dời tài sản đến nơi an toàn.

Bà Tươi gửi nhờ đồ đạc trong sân một người dân

Nam Long

Lực lượng quân sự hỗ trợ người dân di tản đồ đạc

Nam Long

Những căn nhà nằm trong vùng nguy cơ được di tản và hỗ trợ di dời tài sản

Nam Long

Tiếng kêu than thảng thốt, đau xót khi chứng kiến sạt lở nuốt chửng 13 căn nhà

Bà Nguyễn Thị Kim Tươi (50 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh) có hơn 4,5 công đất trồng nhãn xuồng và 2 căn nhà của bà và mẹ chồng. Hiện tại đã có 1 căn tuột xuống sông, căn còn lại sắp mất và hơn phân nửa diện tích đất vườn cũng trôi theo dòng nước sông Cổ Chiên.

“Hôm qua, nghe sạt lở ầm ầm, tôi chạy về xem nhà mình ra sao thì thấy căn nhà răng răng, rồi người ta lùa đi hết khỏi khu vực nguy hiểm. Chừng 3 - 4 tiếng sau thì mười mấy căn nhà đi sạch xuống sông. Nhà mẹ chồng tôi cũng rơi xuống sông luôn, không còn gì hết", bà Tươi rầu rĩ nói.

Căn nhà đang nằm bên "miệng hà bá"

Nam Long

Một khu vườn đã tuột xuống sông Cổ Chiên gần hết chỉ còn lại hệ thống ống nước tưới phun

Nam Long

Xem nhanh 20h ngày 6.12: Ngỡ ngàng cục đá giá 6.000 tỉ | Tiếng kêu than xót xa từ vụ sạt lở miền Tây

Nguyên nhân sạt lở do khai thác cát trái phép?

Nhiều người dân cho biết, trước giờ ở khu vực sông Cổ Chiên đoạn qua khu vực cù lao Minh không có sà lan cạp cát. Khoảng vài tháng nay mới xuất hiện các sà lan với cần cạp lớn cạp cáp và cho rằng nguyên nhân vụ sạt lở kinh hoàng lần này có thể do cạp cát ở khu vực này.

Ông Phạm Minh Chiến, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản - Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn (Sở TN-MT Vĩnh Long) cho biết, khu vực này không cấp phép mỏ cát cho bất kỳ đơn vị nào, chỉ có một mỏ cát của doanh nghiệp tư nhân nằm về phía hạ lưu sông Cổ Chiên 500 m.

Bản đồ khu vực sạt lở

CHỤP MÀN HÌNH

Một xáng cạp cát nằm sát khu vực sạt lở tại lúc sạt lở được người dân ghi lại

CHỤP MÀN HÌNH

Khu vực sạt lở kinh hoàng này chưa có dấu hiệu dừng lại

Nam Long

Nhiều người dân cho rằng vụ sạt lở kinh hoàng này là do khai thác cát phía ngoài sông Cổ Chiên

NAm Long

Phần còn lại của một ngôi nhà đã chìm dưới sông Cổ Chiên

Nam Long

Ông Trần Văn Dũng (54 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh) thường xuyên thấy sà lan hút cát ở khu vực này cho biết: “Ban đầu có nghỉ một thời gian, gần đây 4 - 5 tháng thì cạp trở lại. Hút hút thì không có, sà lan đậu đầy sông khúc này luôn". Khi PV hỏi lúc sạt lở có thấy xáng cạp bên ngoài không thì ông Dũng nói “Có một cái. Thấy lở quá, người ta ra la rầy quá nó mới dời qua bên kia”.

Ông Hùng chở PV Thanh Niên đi khảo sát khu vực sạt lở

Nam Long

Người dân không giấu được nước mắt khi trong vài giờ toàn bộ tài sản tích cóp cả đời mất sạch

Nam Long

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, trao tiền hỗ trợ người dân

Nam Long

Còn ông Nguyễn Thế Hùng (69 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh), người bị mất trắng 12 công vườn và căn nhà, rơm rớm nước mắt nói: “Trước lúc sạt lở thấy xáng cạp vô sát bờ quá. Xáng cạp xuất hiện lâu rồi, trước đó cạp giữa sông, sau này mới lấn vào gần bờ. “Sạt lở ào ào đâu có di tản kịp, 12 công đất, nhà có 7 người với một người già, giờ về nhà bà già ở”, ông Hùng rưng rưng nước mắt.

Hiện tại, chính quyền địa phương đã cử lực lượng túc trực ở các ngã vào khu sạt lở, kiên quyết không để người dân tiếc của đi vào để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra. Ngành chức năng vẫn đang thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ người dân mất tài sản và xác minh nguyên nhân vụ sạt lở nghiêm trọng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.