Vụ sai phạm tại SAGRI: Viện KSND TP.HCM kháng nghị thiệt hại là 672 tỉ đồng

02/01/2022 14:56 GMT+7

Theo kháng nghị của Viện KSND TP.HCM, thiệt hại của vụ án sai phạm tại SAGRI là 672 tỉ đồng, khác với nhận định của HĐXX là 348 tỉ đồng.

Viện KSND TP.HCM (VKS) vừa ban hành quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM trong vụ sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Kháng nghị của VKS đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng xác định thiệt hại của vụ án là số tiền thực tế Nhà nước bị thất thoát tính đến thời điểm được ngăn chặn như cáo trạng truy tố là 672 tỉ đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 18.12.2021, TAND TP.HCM nhận định thiệt hại tài sản của Nhà nước là 348 tỉ đồng. Tính tại thời điểm bị cáo Lê Tấn Hùng đại diện SAGRI ký hợp đồng chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú vào ngày 22.7.2017 và hoàn tất việc cập nhật sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ngày 9.2.2018.

Các bị cáo trong vụ sai phạm tại SAGRI tại tòa sơ thẩm

NGỌC DƯƠNG

Theo kháng nghị của VKS, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Bị cáo Lê Tấn Hùng (58 tuổi, cựu Tổng giám đốc SAGRI), Trần Vĩnh Tuyến (56 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng 17 bị cáo khác đã chuyển nhượng trái phép dự án hơn 36.676 m2 tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) giữa SAGRI và Tổng công ty Phong Phú.

Ông Tất Thành Cang phủ nhận gặp lãnh đạo Nguyễn Kim tại nhà vì… “đang đi học”

Thiệt hại vụ án phải được xác định tại thời điểm việc thất thoát, lãng phí được ngăn chặn

Việc chuyển nhượng này có những sai phạm như SAGRI chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, không tiến hành đấu giá, thẩm định giá theo giá thị trường… Tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng dự án ngày 22.12.2017 giá trị quyền sử dụng đất là 541 tỉ đồng. Tại thời điểm khởi tố vụ án 5.7.2019 giá trị quyền sử dụng đất là 864 tỉ đồng. Sau khi đối trừ theo quy định, thiệt hại của Nhà nước là 672 tỉ đồng.

Theo kháng nghị của VKS, việc HĐXX cấp sơ thẩm xác định thiệt hại là 348 tỉ đồng và nhận định là chưa đánh giá đúng. Bởi lẽ, khi SAGRI ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án tại KP.4, P.Phước Long B, Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) nội dung ghi rõ giá trị chuyển nhượng là “tạm tính”. Trên thực tế, sau thời điểm ký hợp đồng các bị cáo mới thực hiện các bước tiếp theo về xác định giá trị và thủ tục, phê duyệt chuyển nhượng... Phải đến ngày 9.5.2018, việc chuyển nhượng mới được hoàn tất và cập nhật sang tên. Và kể từ thời điểm này, SAGRI mới chính thức mất quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền trên đất.

Mặc khác, theo VKS, kể từ khi SAGRI mất quyền sở hữu, định đoạt đối với dự án bị chuyển nhượng trái phép thì tài sản Nhà nước đã bị thất thoát do không được khai thác. Thiệt hại của Nhà nước đã kéo dài cho đến ngày 19.7.2019 khi Bộ Công an ra công văn đề nghị tạm dừng giao dịch, chuyển nhượng mua, bán, thế chấp trên dự án.

Hơn nữa, cáo trạng truy tố các bị cáo về hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, nên thiệt hại vụ án phải được xác định tại thời điểm việc thất thoát, lãng phí được ngăn chặn. Mà theo cáo trạng đã xác định, thiệt hại vụ án tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 5.7.2019 là 672 tỉ đồng là có căn cứ.

Trước đó, ngày 18.12.2021, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng (58 tuổi, cựu Tổng giám đốc SAGRI) 25 năm tù về 2 tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (56 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) cùng bị tuyên phạt 6 năm tù. 16 bị cáo còn lại trong vụ án bị HĐXX tuyên từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (5 bị cáo) đến 20 năm tù.

HĐXX tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng khu dự án nhà ở và các phụ lục liên quan được ký kết giữa SAGRI và Tổng công ty Phong Phú, giao UBND TP.HCM thu hồi dự án, giao SAGRI quản lý và sử dụng đúng quy định pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.