Vụ 'nhảy lầu tử vong tại trụ sở tòa án': Dựa vào đâu tuyên y án sơ thẩm?

Đỗ Trường
Đỗ Trường
30/05/2020 14:30 GMT+7

Cho rằng bị cáo Lương Hữu Phước đã qua đường nhưng không quan sát, vi phạm vào khoản 2, điều 15 của luật Giao thông đường bộ, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm. Ông Phước sau đó nhảy lầu tử vong tại trụ sở tòa.

Sáng 30.5, liên quan đến vụ việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong tại TAND Bình Phước, PV Thanh Niên đặt ra nhiều câu hỏi tại buổi họp báo, lật lại vụ án tai nạn giao thông làm rõ có việc oan sai hay không.

Xôn xao vụ nhảy lầu ở tòa án Bình Phước sau status “thức tỉnh nền tư pháp”

Căn cứ để tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm

Trước đó, vào năm 2018 TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại vụ án vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đối với bị cáo là ông Lương Hữu Phước, người đã nhảy lầu tử vong.
Trả lời câu hỏi của PV, thẩm phán Lê Hồng Hạnh (tham gia HĐXX phiên tòa phúc thẩm ngày 29.5) cho biết, kết quả điều tra lại đã xác định điểm đụng, phần bánh trước của xe Lâm Tươi đâm, tông vào điểm bugi xe máy của bị cáo Phước. Đây là thông tin rất quan trọng để HĐXX xem xét, phối hợp đánh giá chứng cứ cùng với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ án giao thông này.
Theo thẩm phán Hạnh, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Trong đó có yếu tố quan trọng nhất đó là yếu tố lỗi.
“Lỗi ở đây chúng ta phải xác định đó là lỗi trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Và qua điều tra, tiến hành tất cả các thủ tục của bộ luật Hình sự cho phép, chúng tôi đã xác định được yếu tố lỗi ở đây đó là phía bị cáo đã qua đường nhưng không quan sát và điều này vi phạm vào khoản 2, điều 15 của luật Giao thông đường bộ. Việc ưu tiên đầu tiên là ưu tiên cho người lưu thông trên chiều đi của họ. Khi anh quan sát không còn thấy việc sang đường sẽ nguy hiểm thì mới được phép qua đường. Tại phiên tòa, bị cáo cho rằng có quan sát, nhưng tất cả những lời trình bày của bị cáo, anh Lâm Tươi và người có mặt tại hiện trường thì họ trình bày rằng đây là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất. Vậy nếu bị cáo đã quan sát kỹ thì không thể có việc anh Lâm Tươi ở đâu đó anh ấy nhảy ra va chạm vào cái tai nạn giao thông này được”, thẩm phán Hạnh nói.

Vì sao không khởi tố Lâm Tươi?

 
Trả lời câu hỏi của PV về việc vì sao không truy cứu trách nhiệm hình sự của Lâm Tươi do điều khiển xe không có bằng lái, say rượu… thẩm phán Lê Hồng Hạnh cho biết kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đồng Xoài có kiểm tra nồng độ cồn đối với Lâm Tươi; người này vi phạm 0,57 miligam/lít khí thở. Lâm Tươi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về điều khiển phương tiện khi không có giấy phép lái xe và nồng độ cồn.

Thẩm phán Lê Hồng Hạnh (tham gia HĐXX phiên tòa phúc thẩm ngày 29.5 - PV) thông tin về vụ án liên quan đến ông Lương Hữu Phước - Thực hiện: Đỗ Trường  

Đoạn đường xảy ra vụ TNGT nay đã được làm mới

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Tuy nhiên, thẩm phán Hạnh khẳng định lại là việc xác định lỗi chính để gây ra cái chết của nạn nhân Trần Hữu Quý không phải là lỗi của Lâm Tươi do đó không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về vấn đề này, PV Thanh Niên hỏi tiếp: Xe máy Lâm Tươi điều khiển là của ai? Người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có bị xử lý không?... Thẩm phán Hạnh cho biết chiếc xe máy được xác định là của Trị Tiếp (anh rể của Lâm Tươi) và đã trả lại cho Trị Tiếp.
Bà Hạnh nói: “Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Lâm Tươi đã 19 tuổi, đủ tuổi điều khiển xe máy. Việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển về lỗi này do đặc thù ở Bình Phước và cơ quan chức năng không xử phạt lỗi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển”, thẩm phán Hạnh nói.
Về trách nhiệm dân sự liên quan đến vụ án tai nạn giao thông, thẩm phán Hạnh cho biết do phía Lâm Tươi không yêu cầu bồi thường gì nên HĐXX không giải quyết.

Gia đình tổ chức đám tang cho ông Phước, người trước đó nhảy lầu tử vong tại trụ sở tòa án

Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.