Vu lan rằm tháng bảy: Nguồn gốc, ý nghĩa chuyện báo hiếu

25/08/2023 12:39 GMT+7

Lễ Vu lan báo hiếu vào rằm tháng bảy âm lịch (15.7) hằng năm là lúc chúng ta nghe nhiều đến lòng hiếu thảo, tri ân cha mẹ, ông bà tổ tiên. Lễ Vu lan có nguồn gốc và ý nghĩa thế nào?

Lễ Vu lan diễn ra vào rằm tháng bảy âm lịch hằng năm là dịp nhắc nhở mỗi người về lòng hiếu thảo, về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Nguồn gốc đại lễ Vu lan

Thầy Minh Thiền, trụ trì chùa Đức Hòa (TP.Dĩ An, Bình Dương) cho biết, câu chuyện được ghi chép lại rằng, Đức Phật (thời điểm đó là thái tử Tất Đạt Đa của vương quốc Thích Ca – ngày nay thuộc Ấn Độ) rời cung vua trở thành ẩn sĩ. Sau khi giác ngộ, Đức Phật thu nhận nhiều học trò, đệ tử. Khi ấy, đệ tử của Đức Phật đều những người xuất chúng, có người là lãnh đạo truyền thống tín ngưỡng khác, trong đó có Mục Kiền Liên.

Theo các sử liệu ghi chép, Mục Kiền Liên là người hiếu thảo với song thân. Sau khi được nhận làm đệ tử Đức Phật, Ngài luôn tìm cách thuyết phục mẹ có niềm tin với tam bảo. Mẹ Ngài không chấp nhận, bà không có niềm tin với tam bảo, mà còn phỉ báng tam bảo bằng những suy nghĩ, hành động và lời nói sai trái.

Vu lan báo hiếu rằm tháng bảy: Nguồn gốc, ý nghĩa câu chuyện về lòng hiếu thảo - Ảnh 1.

Vu lan được tổ chức vào rằm tháng bảy âm lịch - một trong bốn rằm lớn của Phật giáo

Nhật Thịnh

Khi bà mất đi, Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông của mình thấy được mẹ rơi vào chốn ngạ quỷ ở cảnh giới địa ngục. Ngài đã đến gặp mẹ nhưng không có cách nào cứu bà khỏi ngạ quỷ nên Ngài về gặp Đức Phật.

Khi đó, Đức Phật đã chỉ rằng, trong 3 tháng an cư kiết hạ, chư tăng có thêm công đức. Ngày tổ chức lễ tự tứ sau 3 tháng an cư, Mục Kiền Liên hãy mời chư tăng về nhà để dùng tâm thanh tịnh của mình hồi hướng công đức, gửi năng lượng tỉnh thức đến thân mẫu.

Vâng theo lời dạy Đức Phật, Ngài đã mời chư tăng nhiều nơi hồi hướng công đức cho mẹ thoát khỏi chốn ngạ quỷ. Sử ghi chép lại, sau khi mẹ của Mục Kiền Liên chuyển đổi tâm thức thì bà đã thức tỉnh, thành tâm hướng về tam bảo sám hối và về cõi trời.

Vu lan báo hiếu rằm tháng bảy: Nguồn gốc, ý nghĩa câu chuyện về lòng hiếu thảo - Ảnh 2.

Thầy Minh Thiền hiện là trụ trì chùa Đức Hòa (TP.Dĩ An, Bình Dương)

NVCC

"Từ đó đến nay hơn 2.500 năm đi qua, Phật giáo đi đến đâu là truyền thống về câu chuyện hiếu thảo của Mục Kiền Liên đi đến đó. Việt Nam đã đón nhận chân tình truyền thống này vì nguồn cội của người con Việt là đạo hiếu thảo, phụng thờ tổ tiên. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tinh thần hiếu đạo của Phật giáo phù hợp với tinh thần dân tộc nên lễ Vu lan giờ đây không còn là riêng của Phật giáo, mà là ngày lễ tri ân đấng sinh thành của cả dân tộc", thầy Minh Thiền nhìn nhận.

Tam bảo là gì?

Thầy Minh Thiền giải thích, tam bảo là: Phật, pháp, tăng.

Trong đó, Phật là nói đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài là thái tử Tất Đạt Đa – là con vua nhưng nhìn thấy cuộc đời có nhiều đau khổ nên Ngài đã từ bỏ cung điện đi tìm chân lý thoát khỏi đau khổ cho chúng sinh.

Sau những ngày tháng thiền định, Ngài thuyết pháp về tứ thánh đế - giải thích từ đâu dẫn đến khổ đau của chúng sinh, Ngài chỉ cho mọi người con đường để chấm dứt đau khổ, an lạc. Nhờ có sự giác ngộ này mà có giáo pháp, tăng đoàn.

Vu lan báo hiếu rằm tháng bảy: Nguồn gốc, ý nghĩa câu chuyện về lòng hiếu thảo - Ảnh 3.

Nhiều người đến chùa ngày lễ Vu lan để cầu an

Nhật Thịnh

Pháp (hay pháp bảo) là những lời dạy của Đức Phật. Nói đến pháp bảo là nói đến thực hành, ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày để nhìn rõ nguồn gốc đau khổ, vận dụng pháp bảo vào đời sống tu tập chuyển năng lượng tiêu cực thành tích cực.

Tăng là chỉ các vị xuất gia đệ tử của Đức Phật, rộng hơn cũng có thể hiểu đệ tử của Đức Phật không phân biệt xuất gia hay tại gia. Tăng là hòa hợp, thanh tịnh, giải thoát và bước đi trên con đường này.

"Như vậy, với người học Phật, tam bảo có vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tu tập theo giác ngộ", thầy Minh Thiền chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.