Vụ khủng bố ở Đắk Lắk là hậu quả của sự chống phá trong thời gian dài

06/09/2023 19:19 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Công an nhận định vụ án tại Đắk Lắk là hậu quả tất yếu khi các thế lực thù địch không ngừng chống phá trong thời gian dài.

Ngày 6.9, trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm vi phạm pháp luật, điển hình là vụ khủng bố xảy ra ở Đắk Lắk.

Theo đó, hồi tháng 6, nhóm người trang bị súng, vũ khí tự chế đã tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu (H.Cư Kuin), sát hại 9 người, gồm Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, 4 cán bộ công an và 3 người dân.

Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam hơn 90 bị can về các tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, không tố giác tội phạm và môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Vụ khủng bố ở Đắk Lắk là hậu quả của sự chống phá suốt thời gian dài - Ảnh 1.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an

MEDIA QUỐC HỘI

Nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp nhận định vụ án trên gây hậu quả rất nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân; ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, chính trị địa phương.

Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, triển khai các giải pháp tổng thể, nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm để phòng ngừa không để xảy ra vụ việc tương tự.

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá rất cao nghiệp vụ xử lý nhanh chóng, dứt điểm của Bộ Công an và các đơn vị liên quan. Tuy vậy, đại biểu Mai bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa bàn 5 tỉnh Tây nguyên nói chung và khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa nói riêng.

Theo ông Mai, khu vực này phần lớn có địa bàn rộng; địa hình phức tạp, chia cắt, hiểm trở; dân số thưa thớt, nhiều người di cư không theo kế hoạch. Những đặc thù ấy khiến các loại tội phạm thường xuyên lựa chọn để trà trộn, lẩn trốn; có trường hợp trốn mấy chục năm mới bị phát hiện, bắt giữ.

Đại biểu Mai kiến nghị thông qua việc xây dựng luật về lực lượng an ninh cơ sở, Bộ Công an cần kiện toàn công tác phòng, chống các loại tội phạm; vừa nâng cao chất lượng nghiệp vụ bằng việc chính quy công an xã; vừa đảm bảo yếu tố gần dân, hiểu dân, nắm bắt kịp thời diễn biến tại cơ sở.

Ông Mai cũng đề nghị ngành công an, tòa án, kiểm sát quan tâm hỗ trợ các tỉnh Tây nguyên; tăng cường năng lực về công tác cán bộ, trang thiết bị, cơ sở vật chất; "nếu Tây nguyên ổn định sẽ là điều kiện để Nhà nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ".

Cho ý kiến thêm, đại biểu Quốc hội Đinh Văn Thê (đoàn Gia Lai) đặt ra vấn đề cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, xử lý mua bán hàng cấm, nhất là vũ khí.

Ông Thê dẫn ví dụ vừa qua một số địa phương phát động "đổi gạo lấy vũ khí" thì phát hiện vũ khí trái phép trong dân rất nhiều, thậm chí có loại còn rất mới chứ không phải thời chiến tranh để lại. "Tại sao một khối lượng lớn vũ khí nóng như thế được tuồn vào, hình thành các vụ chống người thi hành công vụ, sát thương cán bộ, người dân?", vị đại biểu nêu.

Giải trình về băn khoăn của các đại biểu, thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay vụ án tại Đắk Lắk là hậu quả tất yếu, tích tụ khi các thế lực thù địch không ngừng chống phá trong thời gian dài, chứ không phải một chuyện đơn thuần, do ta sơ suất mà bị.

Trước khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an có nhiều văn bản tham mưu, đề cập tới nhiều vấn đề sâu xa; từ cội nguồn về kinh tế - xã hội, yếu tố phân hóa giàu nghèo, quản lý đất đai đến xây dựng hệ thống chính trị và một số nội dung khác liên quan đến an ninh trật tự cơ sở.

Sau sự việc, Bộ Công an đã tiếp tục tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đã có cuộc họp của cấp ủy 10 tỉnh Tây nguyên để nhận rõ nguyên nhân và có kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.