Vũ khí phương Tây nào đang củng cố quân đội Ukraine?

01/03/2022 14:30 GMT+7

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều nước phương Tây đã nhanh chóng viện trợ vũ khí bộ binh cho quân đội Ukraine.

Số vũ khí này sẽ giúp bổ sung cho kho vũ khí vốn đã được Kyiv nâng cấp đáng kể trong suốt 8 năm qua, kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Hãy cùng nhìn lại một số loại vũ khí mới có thể giúp Ukraine có được lợi thế trên chiến trường.

TÊN LỬA JAVELIN

Tên lửa Javelin có tên đầy đủ là FGM-148 Javelin, đây là một tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai có điều khiển hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên” không cần người bắn dẫn đường sau khi được phóng.

Ưu điểm của tên lửa Javelin là tính cơ động và vượt trội về cơ chế điều khiển so với các loại tên lửa khác, có thể vác vai bắn mà không cần giá phóng.

Javelin nặng 11,8 kg; dài 1,1 m; đường kính thân 127 mm; đầu đạn 8,4 kg; tầm bắn hiệu quả 75 - 2.500 m; tầm bắn tối đa gần 5.000m - tùy phiên bản; lái dẫn bằng ảnh hồng ngoại; có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm.

Tên lửa Javelin được xem là một trong các loại tên lửa chống tăng hàng đầu hiện tại

ẢNH: REUTERS

FGM-148 được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện bọc thép, nhưng cũng phát huy hiệu quả khi tấn công trực tiếp các tòa nhà, công sự..., có khả năng tấn công trực thăng.

Javelin có điểm yếu là khối lượng nặng hơn so với yêu cầu ban đầu của Quân đội Mỹ và khá đắt.

Năm 2002, một đơn vị phóng điều khiển Javelin có giá 126.000 USD, mỗi tên lửa có giá khoảng 78.000 USD (tương đương 109.000 USD năm 2018); tên lửa này phụ thuộc vào bức xạ nhiệt để phát hiện mục tiêu và khai hỏa.

TÊN LỬA NLAW

Tên lửa NLAW có tên gọi đầy đủ là “Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới” do Anh và Thụy Điển hợp tác sản xuất.

Tên lửa NLAW được thiết kế cho bộ binh để hạ các xe tăng chủ lực và các loại xe thiết giáp khác.

Trong tác chiến đô thị, NLAW có thể được sử dụng từ trong một không gian kín, thuận tiện cho người lính sử dụng.

NLAW có nhiều ưu điểm trong tác chiến đô thị

ẢNH: REUTERS

Tên lửa được trang bị hệ thống điều khiển quán tính có tác dụng bù trừ tác động của môi trường bên ngoài.

Theo nhà phát triển, NLAW dài 1.016 mm; có đường kính 150 mm; trọng lượng của toàn bộ tổ hợp 12,5 kg; tầm bắn hiệu quả 200-800 m; thời gian từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi bắn 5 giây.

NLAW được sản xuất hàng loạt vào năm 2009, thời hạn sử dụng khoảng 20 năm, hiện đang có trong trang bị của quân đội nhiều quốc gia trên thế giới

Là sự kết hợp giữa súng chống tăng vác vai thông thường và hệ thống chống tăng tiên tiến có tầm bắn vài km, NLAW có biệt danh không chính thức "Javelin tầm gần".

Các ưu điểm chính của tổ hợp này là tính nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ, giúp tăng khả năng cơ động của binh sĩ. Tổ hợp thích hợp cho hoạt động tại các đô thị hoặc khu vực có địa hình hiểm trở.

Một ưu điểm khác của loại tên lửa đó là dễ sử dụng. Một người lính bình thường có thể sử dụng được vũ khí này sau 1 giờ huấn luyện.

BAYRAKTAR TB2

Bayraktar TB2 là loại máy bay trinh sát tấn công không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Loại máy bay này được giám sát và điều khiển từ xa bởi các trạm điều khiển mặt đất hoặc có thể bay ở chế độ tự động.

UAV Bayraktar TB2 được coi là một trong các UAV tấn công mạnh nhất thế giới.

ẢNH: REUTERS

Bayraktar TB2 có chiều dài 6,5m, sải cánh 12m, trọng lượng cất cánh tối đa 650kg, trọng tải hữu ích 150kg, được trang bị động cơ công suất 100 mã lực, tốc độ hành trình 130km/h, tốc độ tối đa 222km/h, trần bay 8.200m, thời gian bay 25-27 giờ, bán kính điều khiển từ trạm mặt đất 150km.

Nó có thể mang theo hai tên lửa chống tăng UMTAS (nặng 37kg, đường kính 160mm, tầm bắn 500-8.000m), cũng do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.

Bayraktar TB2 được coi là một trong các UAV tấn công mạnh nhất thế giới và Syria là chiến trường thử lửa đầu tiên với các “nạn nhân” rất đa dạng, từ xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chuyển quân đến các tổ hợp phòng không.

Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, tuy nhiên Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dễ bị tổn thương như một máy bay thời Thế chiến II. Trong chiến dịch quân sự đang diễn ra tại Ukraine, Nga nói đã bắn hạ nhiều UAV này.

TÊN LỬA STINGER

Tên lửa phòng không vác vai Stinger là một hệ thống phòng không cá nhân nổi tiếng của Mỹ.

Hệ thống này được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1981 và hiện có trong trang bị của quân đội 30 quốc gia.

Cho đến nay, đã có 70.000 tên lửa được sản xuất.

Tên lửa phòng không vác vai Stinger là một hệ thống phòng không cá nhân nổi tiếng của Mỹ

ẢNH: REUTERS

FIM-92 Stinger là tên lửa đất đối không dài 1,52 m, đường kính 70 mm, trọng lượng toàn bộ 15,2 kg (bản thân tên lửa nặng 10,1 kg), tầm bắn từ 1.000 đến 8.000m, kíp chiến đấu 2 thành viên.

Tên lửa FIM-92B cũng có thể được bắn từ xe quân sự, và có cả phiên bản bắn từ trực thăng có tên là Air-to-Air Stinger (ATAS).

Dễ mang vác và vận hành, tên lửa Stinger đã cải thiện hiệu suất chống lại các mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như máy bay không người lái và tên lửa hành trình cho các lực lượng cơ động cao.

Stinger được khởi động bằng một động cơ phóng nhỏ giúp đẩy nó ra một khoảng cách an toàn với xạ thủ trước khi kích hoạt động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn, giúp tên lửa đạt tốc độ Mach 2,2 (750 m/s)

Phần đầu đạn nặng 3kg.

Stinger sử dụng một đầu dò thụ động, là một vũ khí "bắn và quên" không cần người bắn điều khiển hướng sau khi bắn. Điều này cho phép người điều khiển Stinger ẩn nấp, di chuyển vị trí hoặc tấn công các mục tiêu khác ngay sau khi khai hỏa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.