Vũ khí mới chống sốt rét

07/08/2016 10:05 GMT+7

Trong một phát hiện bất ngờ, mùi tỏa ra từ gia cầm sống có thể hỗ trợ công cuộc chống sốt rét tại những nước đang phát triển, theo một báo cáo mới.

Các nhà khoa học vừa đưa ra một lời khuyên “gây sốc” nếu bạn muốn tránh bệnh sốt rét do muỗi cắn: hãy ngủ với chuồng gà sát bên cạnh, hay đại loại thế. Để rút ra kết luận trên, một nhóm nhà nghiên cứu Thụy Điển và Ethiopia đã quan sát hành vi của Anopheles arabiensis, loài muỗi mang theo ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, tại 3 ngôi làng ở miền tây Ethiopia, nơi người dân thường nuôi gia cầm trong sân nhà. Họ phát hiện loài muỗi này đặc biệt chuộng máu người so với máu động vật, và trong điều kiện ngoài trời, chúng tùy tiện “đánh chén” gia súc, cừu và dê. Tuy nhiên, Anopheles lại tránh hút máu gà ở bất cứ nơi đâu. Một báo cáo trước đó cho rằng loài muỗi này tránh gia cầm.
Do muỗi Anopheles thường dùng khả năng ngửi mùi để tìm đối tượng tấn công, các nhà khoa học đã thu thập lông, len và lông vũ của gia cầm, cừu, dê và gà trong làng, xác định hợp chất tạo mùi đặc trưng cho từng loại và kế đến quan sát khả năng chống muỗi của mỗi mùi. Kết quả cho thấy mùi tỏa ra từ loài gà chứa chất trừ muỗi tự nhiên, theo tác giả Rickard Ignell của Đại học Khoa học nông nghiệp Thụy Điển. Khi dùng cách khác để kiểm tra một lần nữa năng lực trừ muỗi của những mùi này, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện công năng chống muỗi ở mùi tỏa ra từ lông gà, theo báo cáo trên chuyên san Malaria Journal. Vẫn chưa rõ lý do tại sao mùi của gia cầm có thể đẩy lui muỗi Anopheles. Một khả năng là muỗi không thích máu gà vì ít chất dinh dưỡng hơn các loại khác, trong khi cũng có thể gia cầm là mối đe dọa đối với muỗi, nên loài côn trùng tìm cách tránh xa thiên địch của chúng, theo chuyên gia Ignell. Dù nguyên nhân nào đi chăng nữa, phát hiện mới có thể giúp điều chế chất kháng muỗi tự nhiên để bảo vệ con người chống sốt rét.
Trên toàn cầu có khoảng 214 triệu ca sốt rét vào năm 2015, trong số này 438.000 nạn nhân đã thiệt mạng, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khu vực bị nặng nhất là vùng hạ Sahara ở châu Phi, vào năm 2015 nơi đây chiếm đến 88% số ca sốt rét và 90% số ca tử vong vì ký sinh trùng nguy hiểm. Sốt rét lây lan là do một số loài muỗi giống Anopheles, chủ yếu là Anopheles gambiae, và cách phòng chống là dùng thuốc diệt muỗi, ngủ trong màn được xử lý hóa chất kháng muỗi. Tuy nhiên, hiện Anopheles arabiensis đang trở thành mối đe dọa mới và không thể xử lý triệt để bằng các phương pháp trên. Do vậy, giới chuyên gia đang tìm cách điều chế các chất kháng muỗi có nguồn gốc tự nhiên để ngăn ngừa nguy cơ muỗi có thể phát triển năng lực đề kháng, như tình trạng đang diễn ra với chất kháng muỗi nhân tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.