Vụ học sinh đánh nhau ở trường quốc tế: Cần thay đổi cách ứng xử

Bích Thanh
Bích Thanh
31/05/2022 07:24 GMT+7

Học sinh cự cãi thậm chí đánh nhau không phải câu chuyện xa lạ trong nhà trường. Nhưng để giải tỏa mâu thuẫn, giáo dục và bảo vệ được học trò thì cần những ứng xử văn minh từ nhà trường, phụ huynh và cả xã hội.

Những ngày vừa qua, câu chuyện học sinh (HS) Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) đánh nhau đã trở thành tâm điểm với nhiều quan điểm về cách ứng xử của các bên liên quan như gia đình, nhà trường và dư luận xã hội.

Học sinh trường quốc tế đánh nhau, Bộ GD-ĐT đề nghị xử lý

“Cần có cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”

Theo bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), nhà trường, giáo viên và gia đình cùng có trách nhiệm giáo dục HS; Là cầu nối trong các mối quan hệ của HS để có thể kịp thời giúp các em giải tỏa những khúc mắc. Trong mọi tình huống đều rất cần sự bình tĩnh chia sẻ, thấu hiểu để học trò nhìn nhận hành vi và quản lý cảm xúc sao cho phù hợp. Đó chính là cách bảo vệ HS của nhà trường.

Hình ảnh học sinh Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) đánh nhau gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây

CẮT TỪ CLIP

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Microsoft, cho hay từ câu chuyện của HS trường quốc tế đánh nhau đã khiến chúng ta phải nhìn lại một số vấn đề như cách xử lý khủng hoảng trong môi trường giáo dục. Người lớn vô tình đẩy mọi chuyện đi quá xa mà quên nghĩ đến cảm nhận của đứa trẻ. Vì lý do đó chúng ta cần phải quan tâm văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục.

Theo bà Diễm Quyên, môi trường giáo dục tử tế càng cần có văn hóa ứng xử được xây dựng dựa trên hệ quy chiếu của giáo dục. Những đối tượng liên quan trong môi trường giáo dục đều cần phải tuân thủ. Những người làm giáo dục đều rất tâm đắc câu ngạn ngữ của Phi châu: “Cần có cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”. Trong môi trường giáo dục, từ bảo vệ đến lao công cũng cần phải có ứng xử có giáo dục chứ không chỉ là thầy cô hay phụ huynh. Những biểu hiện thiếu kiểm soát đều không nên thể hiện trong môi trường sư phạm. Nếu ai cũng nhân danh nóng giận thiếu kiểm soát thì đừng hỏi vì sao những đứa trẻ hành hung lẫn nhau hoặc tệ hơn là ngộ sát bạn bè.

“Cha mẹ, thầy cô không thể đi theo những đứa trẻ mãi được. Các con cần phải biết tự bảo vệ chính mình và giải quyết được vấn đề của chính mình. Muốn vậy người lớn hãy tìm cách giúp cho trẻ tự bảo vệ mình hơn là sẵn sàng “ra tay” để đòi lại”, bà Diễm Quyên nhấn mạnh.

Ứng xử sao vừa văn minh vừa bảo vệ học trò

Cũng là một phụ huynh có con đang học ở bậc phổ thông, nhà văn Hoàng Anh Tú (ở Hà Nội) cho rằng chuyện HS mâu thuẫn đánh nhau thời nào cũng có, ở quốc gia văn minh cũng có. Mỗi vụ việc xảy ra lại khiến nhà trường đau đầu, cha mẹ đau lòng, xã hội đau đáu. Chúng ta đều biết rằng không thể chấm dứt hoàn toàn được bạo lực học đường nhưng đừng sống chung với nó, đừng coi nó như chuyện không mới, chuyện bình thường.

Phụ huynh làm việc với nhà trường trong vụ học sinh Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) đánh nhau

Ông Tú cho rằng bạo lực học đường cần phải được nghiêm túc nhìn nhận. Chuyện HS mâu thuẫn đánh nhau không mới nhưng cách ứng xử của phụ huynh, nhà trường và xã hội không thể cứ mãi cũ được. Nhất là trong thời đại công nghệ, mạng xã hội phát triển như hiện nay.

Nhà văn Anh Tú nhấn mạnh: “Nhà trường không thể theo cách cũ như mời phụ huynh lên trao đổi, đuổi học những HS đánh bạn, xã hội lại lên tiếng báo động. Cách đó cũ rồi và chẳng còn hiệu quả nữa, nó đã trở thành hình thức vì cuối cùng đứa trẻ là nạn nhân vẫn sẽ mang tổn thương; đứa trẻ đánh bạn sẽ mất cơ hội sửa sai, thậm chí cuộc đời bị rẽ sang hướng khác khi bị đưa vào các cơ sở giáo dục thường xuyên hoặc trường giáo dưỡng. Xã hội ồn ào lên ba bảy hai mốt ngày rồi lại tìm thấy “drama” mới để báo động. Chúng ta cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, hời hợt hết năm này qua tháng nọ”.

“Đừng coi chuyện bạo lực học đường là bình thường nữa. Nhà trường cũng vậy, đừng nhìn những vụ bạo lực học đường theo thước đo thành tích của trường, đừng phòng chống bạo lực học đường chỉ để lấy uy tín, danh tiếng. Coi việc trường mình xảy ra bạo lực học đường là trường mình mất điểm thi đua với cấp trên hay mức độ tín nhiệm của các phụ huynh vào trường mình”, ông Tú đưa ra nhận định.

Theo ông Tú, nhà trường cần xây dựng môi trường không bạo lực. Ngăn ngừa từ xa, tổ chức liên tục và thường xuyên việc giáo dục trẻ nhận thức và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn không dùng bạo lực. Biến bạo lực học đường thành vấn nạn tương tự sử dụng ma túy hay hút thuốc lá trong trường. Chính các thầy cô cũng phải nói không với bạo lực học trò, bao gồm cả bạo lực về ngôn ngữ, lời nói, xây dựng môi trường không bạo lực.

Còn gia đình phải giữ kết nối thường xuyên với nhà trường thay vì phó mặc con cái cho nhà trường. Chính cha mẹ cũng phải làm gương cho con cái về việc không sử dụng bạo lực.

Xã hội thì thay vì lên tiếng báo động, hãy hành động bằng việc triệt tiêu bạo lực trên con đường của mình như đừng chia sẻ những clip đánh ghen, đừng tham gia các cuộc thóa mạ (bạo lực ngôn ngữ) trên mạng, đừng cổ súy bạo lực. Hãy dùng nút report (báo cáo sai phạm trên mạng xã hội) với những nguồn tin bạo lực, hình ảnh bạo lực.

Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường xử lý dứt điểm sự việc

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở đã yêu cầu nhà trường nhanh chóng có hướng xử lý dứt điểm sự việc, ổn định tâm lý, tinh thần HS để không ảnh hưởng quá nhiều đến việc học của HS trong toàn trường. Đồng thời yêu cầu nhà trường khi đã xác minh, làm rõ sự việc thì sai phạm của HS đến đâu sẽ phải căn cứ theo đúng quy chế xử lý vi phạm, kỷ luật HS đã được nhà trường ban hành theo quy trình...

Cũng trong hôm qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có công văn chỉ đạo và giao Sở GD-ĐT phối hợp với UBND TP.Thủ Đức nhanh chóng xác minh thông tin và đề xuất hướng xử lý vụ việc HS trường quốc tế đánh nhau trên tinh thần đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho HS, giáo viên và phụ huynh.

Câu chuyện từ một phụ huynh

Chị Tôn Nữ Lạc Thiên, có con học THCS tại Q.1 (TP.HCM), đã kể lại chính câu chuyện của gia đình mình. Chị Thiên cho biết: “Con gái vốn dĩ là một đứa trẻ khá nhút nhát, phản ứng cũng khá chậm chạp. Ấy thế mà có một buổi chiều, khi tôi vừa đến cổng trường thì các bạn trong lớp con chạy lại tranh nhau mách: “Cô ơi, bạn X. đánh nhau, bị cô giáo phạt chưa cho về”.

Phụ huynh này kể tiếp: “Vừa nghe cô giáo bộc lộ sự không hài lòng, nhìn về phía con, mặt con vẫn sa sầm nhưng vẫn cố giữ không để nước mắt trào ra, tôi quay lại xin lỗi cô và hỏi thăm về người bạn bị con tôi đánh, nhờ cô chuyển lời xin lỗi của gia đình cũng như xin số liên lạc để trực tiếp nói lời xin lỗi. Rồi tôi xin phép cô để đưa con về nhà nói chuyện. Xong tôi tiến về phía con, ôm con vào lòng trấn an và nói: “Giờ mình về nhà. Con từ từ bình tĩnh rồi kể lại chuyện cho mẹ nghe nhé!”. Con bé gật đầu nhè nhẹ, nhưng vẫn không nói tiếng nào, có lẽ nếu cất lời thì nó sẽ khóc ngay lập tức…”.

Thay vì chở con về thẳng nhà, chị Thiên đã cùng con vào tiệm thức ăn nhanh yêu thích, gọi món con vẫn thường chọn. “Tôi chỉ nhắc con ăn chứ không hỏi gì về chuyện vừa xảy ra. Sau khi ăn được nửa phần, con bé như được nạp lại năng lượng, bắt đầu thút thít kể lại mọi việc. Tôi mừng vì con đã mở lòng để chia sẻ và cũng mừng vì bản thân đã bình tĩnh, kiên nhẫn chờ đợi lời giải thích từ con trẻ, để rồi nhẹ nhàng phân tích cho con rằng đánh bạn là không đúng, con có thể chọn những cách giải quyết khác tốt hơn”, chị Lạc Thiên chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.