Vũ Hán, chuyện gì bên trong: Cuồng chân bí bách, xem vlog nấu nướng giải tỏa

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
26/02/2020 12:24 GMT+7

Dịch Covid-19 khiến cuộc sống của người dân Vũ Hán (Trung Quốc) đảo lộn hoàn toàn. TNO khởi đăng loạt bài ghi lại những xáo trộn chưa từng xảy ra mà cư dân nơi đây đang trải qua, nhất là sau lệnh "phong tỏa tiểu khu".

Hối hận vì không tích trữ đồ ăn, đã dùng đến cả thùng mì gói... bị quên, cha con "xích mích" vì bữa ăn không có rau... là một vài trong số những xáo trộn lớn mà người dân Vũ Hán trải qua trong dịch Covid-19.

Cuồng chân tìm cách ra ngoài nhưng đều bị... phát hiện

Sau khi lệnh “phong tỏa từng tiểu khu” vì dịch Covid-19 tại thành phố Vũ Hán được ban bố, cơ hội ra khỏi nhà của người dân nơi đây trở nên ít ỏi hơn dù sức khỏe cho phép.

Theo Trường Giang Nhật báo ngày 24.2, phóng viên tờ báo này đã đi quan sát nhiều tiểu khu tại thành phố Vũ Hán trong suốt 2 ngày 23 và 24.2, nhận thấy phần lớn các tiểu khu đều áp dụng lệnh phong tỏa rất nghiêm ngặt, tuy nhiên vẫn có vài chỗ còn sơ hở.

Vì dịch Covid-19, cổng chính tại các tiểu khu đều bị phong tỏa và có chốt gác

Ảnh chụp màn hình

10 giờ sáng 23.2, tại khu phố Thái Gia Điền quận Trường An, nhiều cửa ra vào khu phố đã bị bịt lại hoặc được khóa chặt bằng cửa sắt, chỉ còn lại một cổng vào ở đường Giang Đại.Ngoài cửa này có dựng một chốt canh đơn giản, tổ an ninh dân phố canh chốt gác gồm 7 người có nhiệm vụ đăng ký người ra vào và đo nhiệt độ, tất cả đều mặc quần áo bảo hộ phòng chống dịch Covid-19.

Mọi chốt gác đều được khử trùng sau khi giao ca

Ảnh chụp màn hình

Phần lớn người đến giao hàng đều phải dừng ở cổng lớn, cư dân sống trong tiểu khu không được ra ngoài, nên người giao hàng phải đưa qua người trực gác tiểu khu hoặc gọi điện kêu cư dân xuống cổng nhận hàng.
Tại mỗi điểm gác canh các tiểu khu, những người trực gác khi đến giao ca đều phải đo nhiệt độ tại chỗ và kiểm tra thẻ nhân viên. Đồng thời luôn xịt khử trùng ngăn chặn lây lan dịch Covid-19 quanh khu vực đứng gác, cũng như các xe cộ đậu trong tiểu khu. 

Xe hơi đậu trong các tiểu khu đều được khử trùng để phòng ngừa dịch Covid-19

Ảnh chụp màn hình

Một vài người dân do bị quản lý quá mức đã “cuồng chân” cố tìm những cửa ngách để chui ra nhưng đều bị phát hiện và được người canh gác khuyên quay về. Được biết, các dân cảnh và tình nguyện viên trực gác từng tiểu khu đi kiểm tra quanh từng khu mỗi ngày khiến nhiều cư dân đành từ bỏ ý đồ “trốn ra”.

Lợi dụng người trực gác nghịch điện thoại

Vào 11 giờ ngày 24.2, khi đến khu hỗn hợp thương mại mới hoạt động tại phố Thanh Niên, phóng viên đã phát hiện thấy rằng mặc dù các cửa tiệm dọc phố đều đóng kín, nhưng khu vực đậu xe hơi vẫn chưa được phong tỏa, chốc chốc lại thấy xe taxi và xe con đi ra đi vào. Trên đường Mã Trường vẫn có người dân dắt chó ra ngoài đi vệ sinh.

Một người trực gác đang xem điện thoại

Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên phóng viên vẫn phát hiện thấy tại tiểu khu đối diện với trường trung học 19, dù trên biển có ghi “Cần đo nhiệt độ” và “Ra vào phải đăng ký tên”, nhưng người trực gác chỉ lo ngồi nghịch điện thoại, không mấy chú ý thực hiện. Lợi dụng sơ hở này, chỉ trong 20 phút, đã có 6 cư dân ở đây “tranh thủ” đi ra đi vào cổng gác mà không phải đăng ký tên và đo nhiệt độ.
Tuy nhiên, sau khi bài báo này được đăng, đã nhận được không ít phản ứng của nhiều cư dân mạng Trung Quốc. Nhiều người cho rằng người canh gác này đang bận "nhận nhiệm vụ" qua điện thoại, hoặc lơ là do quá mệt vì thời gian canh gác trong thời dịch Covid-19 quá dài. 

Vẫn có cư dân đưa chó ra ngoài đường đi vệ sinh dù có lệnh "phong thành" ngăn chặn dịch Covid-19

Ảnh chụp màn hình

Chỉ biết lên mạng khóc ròng

Trên mạng xã hội Weibo, người trẻ chỉ biết dùng điện thoại tự ghi hình nhật ký trong những ngày này vừa để giết thời gian, vừa để nhiều người biết thêm tình hình thực tế tại Vũ Hán.

Từng tiểu khu đều bị phong tỏa kín mít

Ảnh chụp màn hình

Một bạn nữ trẻ cho biết, đã 30 ngày qua, cô không được ra khỏi nhà, trước đó cô tự giác không ra khỏi nhà để tránh lây nhiễm, và chỉ đi ra ngoài để mua thức ăn và nhu yếu phẩm cần thiết.

“Hai mươi ngày trước, những người dân đi ra ngoài mua sắm đồ ở tình trạng tranh giành. Sau này, khi có lệnh phong tỏa từng tiểu khu, chúng tôi không còn cơ hội đi ra khỏi nhà nữa. Nếu biết sớm như vậy, tôi đã mua dự trữ nhiều đồ ăn hơn. Giờ đây mọi thứ đều phải trông cậy vào người giao hàng. Họ mua hộ chúng tôi mọi thứ sau khi chúng tôi đặt hàng qua mạng”, cô chia sẻ.

Thực phẩm trở nên khan hiếm, tất cả nhu yếu phẩm đều phải đặt qua mạng. Trong ảnh là một món ăn được làm theo hình khẩu trang thời dịch Covid-19

Ảnh chụp màn hình

Một cư dân tiết lộ trên mạng cho biết chờ mãi không thấy người giao hàng mang rau đến, nên đành phải dùng hành xào làm món rau khiến bố cô rất bất bình và nhất định không chịu ăn còn con cái phải bấm bụng nịnh nọt mãi mới chịu ngồi vào bàn.

Một cư dân mạng Vũ Hán thừa nhận, khi trò chuyện với đám bạn trên mạng, nghe mọi người sôi nổi bàn về các loại rau, anh ta đã thèm tới mức rớt nước miếng. Nhiều người thừa nhận nhiều ngày qua, họ sống chủ yếu bằng mì gói cho tất cả các bữa, thậm chí số mì họ đang ăn là từ thùng mì đã quên lãng từ lâu chưa kịp vứt đi.

Nhiều người xác nhận Vũ Hán phong thành 34 ngày, họ cũng 38 ngày chưa rời khỏi nhà và mọi đồ ăn thức uống đành phải đặt qua mạng, có gì đặt nấy đã là may mắn rồi.

Một số bạn trẻ khác tỏ ra khá lạc quan khi liên tục đăng tải các vlog nấu nướng như để phần nào giải tỏa được những bức bối bằng... thị giác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.