Vụ 'giả chết trốn nợ' hy hữu có bị xử lý ?

Phan Thương
Phan Thương
31/03/2021 21:05 GMT+7

Qua tin báo của người dân về trường hợp "giả chết trốn nợ", cơ quan chức năng đã vào cuộc và đang làm rõ.

Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra sáng 31.3, khi qua tin báo của người dân về vụ "giả chết trốn nợ", Cơ quan CSĐT Công an H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tiến hành điều tra, làm rõ thông tin gia đình bà Trần Thị Tuyến (ở ấp Phước Hòa A, TT.Cù Lao Dung) tổ chức đám tang giả cho bà Tuyến.

Lạ đời về đám tang giả có một không hai ở Cù Lao Dung - Bản quyền thuộc Truyền Hình Sóc Trăng

Cụ thể, qua xác minh và khi lực lượng công an đến gia đình bà Tuyến, mở nắp quan tài tại đám tang, nhiều người chứng kiến bất ngờ khi phát hiện trong quan tài chỉ có... 3 bao cát. Sau đó, được vận động của người thân trong gia đình, bà Tuyến về nhà để làm việc với công an về lý do tổ chức đám tang giả.

Có bị xử lý?

Về sự kiện hy hữu này, liệu việc “giả chết trốn nợ” bị bại lộ, thì bà Tuyến và gia đình có phải chịu trách nhiệm gì hay không ?
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi “giả chết trốn nợ” của bà Tuyến có dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, luật sư Hoan cũng nhấn mạnh, muốn xác định bà Tuyến có phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hay không, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được hành vi làm giả chết của bà Tuyến nhằm mục đích trốn nợ.
Còn trong trường hợp bà Tuyến khai mục đích giả chết không nhằm trốn nợ, và ngoài lời khai ra cơ quan tố tụng không chứng minh được động cơ, mục đích của bà Tuyến “giả chết trốn nợ” ; đồng thời, khi chủ nợ đến đòi nợ, bà Tuyến vẫn trả nợ, thì trong trường hợp này  bà Tuyến và gia đình chỉ bị nhắc nhở.

"Phạm tội chưa đạt"

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Viện KSND TP.HCM), cũng cho rằng, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được mục đích, động cơ giả chết của bà Tuyến nhằm trốn nợ, thì có thể xử lý bà Tuyến về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo bà Nhuệ, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội phạm cấu thành vật chất, tức phải có mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả chiếm đoạt xảy ra.
Trong trường hợp này, theo bà Nhuệ, có thể nhận thấy, hậu quả chiếm đoạt chưa xảy ra nhưng không phải do người liên quan tự ý nữa chừng chấm dứt hành vi, mà do phạm tội chưa đạt.
"Hành vi chiếm đoạt chưa thực hiện được là do bị người khác kịp thời ngăn chặn. Và người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt", bà Nhuệ nêu.
Vụ việc "giả chết trốn nợ" vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.