Vụ dùng bằng tiến sĩ giả: Sẽ giám sát nghiêm việc cấp phát, sử dụng văn bằng

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
27/11/2023 17:05 GMT+7

Từ vụ việc một người dùng bằng tiến sĩ giả đi dạy ở nhiều trường ĐH, CĐ, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết sắp tới sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ và công khai của các cơ sở giáo dục theo đúng thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ đã ban hành.

Xây dựng kho dữ liệu về văn bằng

Sau vụ việc ông N.T.H dùng bằng tiến sĩ giả để vào làm việc tại một số trường, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết nhằm hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động nhận biết bằng cấp của ứng viên thật hay giả, các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng chứng chỉ đã cấp theo quy định.

Việc này đã được quy định trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ, nhằm đảm bảo thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu và xã hội giám sát.

Thông tư cũng quy định cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học để phục vụ cho việc công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên cổng thông tin điện tử của đơn vị cấp bằng, bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm.

Vụ dùng bằng tiến sĩ giả: Sẽ giám sát nghiêm việc cấp phát, sử dụng văn bằng - Ảnh 1.

Tất cả đơn vị cấp phát văn bằng phải công khai thông tin về văn bằng lên trang thông tin điện tử để tiện cho việc tra cứu

TRANG WEB TRƯỜNG


"Hiện Cục quản lý chất lượng đang thí điểm, đề xuất xây dựng kho dữ liệu về văn bằng chứng chỉ để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời trong thời gian tới, Cục cũng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục", PGS-TS Chương cho biết.

Theo ông Chương, hiện hệ thống tra cứu văn bằng của Cục quản lý chất lượng đang được thử nghiệm và chỉ có vai trò hỗ trợ cho người dân và các cơ quan, đơn vị trong việc tra cứu, chứ không làm thay việc của đơn vị cấp văn bằng, chứng chỉ.

'Tiến sĩ bằng giả' suýt thành trưởng khoa trường cao đẳng

Trước vụ việc ông N.T.H dùng bằng tiến sĩ giả đi giảng dạy ở nhiều trường ĐH, CĐ tại TP.HCM và suýt được bổ nhiệm vị trí trưởng khoa công nghệ thông tin Trường CĐ Công thương Việt Nam, PGS-TS Huỳnh Văn Chương cho rằng khi đơn vị sử dụng lao động phát hiện văn bằng, chứng chỉ giả, cần báo cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật và theo mức độ vi phạm.

"Trước khi tuyển dụng, tốt nhất các đơn vị nên liên hệ với đơn vị cấp bằng để thực hiện việc xác minh, thẩm định văn bằng, chứng chỉ", ông Chương nhận định.

Phạt tiền hoặc phạt tù tùy vào mức độ vi phạm

Theo quy định của pháp luật, việc sử dụng bằng giả bên cạnh phạt tiền, bị buộc thôi việc, bị cách chức... còn có thể cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Vụ dùng bằng tiến sĩ giả: Sẽ giám sát nghiêm việc cấp phát, sử dụng văn bằng - Ảnh 2.

Bằng tiến sĩ do ông N.T.H sử dụng bị các trường phát hiện là giả

TRƯỜNG CUNG CẤP

Cụ thể, tại Nghị định 04 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác, cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình, sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Đơn vị cấp bằng không công khai, không đầy đủ thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị, hoặc công khai không chính xác sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Nếu không công khai thì bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi không công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Tại Nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức năm 2020, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng sẽ bị cho thôi việc, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì bị cách chức.

Đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Xem nhanh 20h: Phanh phui cách tiến sĩ giả lừa các trường

Còn bộ luật Hình sự quy định người làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm nếu phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội 2 lần trở lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.