Vụ củ khoai 80.000 đồng: Các nước xử lý nạn 'chặt chém' du khách như thế nào?

06/12/2022 14:29 GMT+7

Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia ... đều có cảnh sát du lịch và đường dây nóng, du khách gặp sự cố được hỗ trợ ngay lập tức.

Có cảnh sát du lịch hỗ trợ

Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, thừa nhận nơi nào có du khách, nơi đó dễ phát sinh những tiêu cực như bán hàng "đểu", quá giá và nặng hơn là "chặt chém". Tuy nhiên, quan trọng là các điểm đến giám sát, quản lý và áp dụng chế tài để hạn chế tối đa các vấn nạn này như thế nào.

"Tại các điểm tham quan đông du khách ở Campuchia, Lào hay Thái Lan đều có bốt cảnh sát du lịch. Trong trường hợp du khách bị sự cố, cảnh sát ngay lập tức có mặt để hỗ trợ hoặc phản ánh qua đường dây nóng của lực lượng này. Chúng tôi vừa tổ chức đoàn xe caravan đưa du khách đi từ TP.HCM qua Campuchia, Thái Lan. Các nước đều cử lực lượng cảnh sát du lịch theo đoàn, mặc dù chúng tôi trả phí nhưng cách họ làm việc rất bài bản, khiến du khách an tâm", ông Hải chia sẻ.

Du khách nước ngoài bị hàng rong đeo bám ở khu vực chợ Bến Thành, quận 1

nhật thịnh

Du lịch Thái Lan từ lâu đã gây ấn tượng với du khách quốc tế và lấy lòng được du khách bởi sự niềm nở. Vì thế mới mang danh "xứ sở của những nụ cười" và Thái Lan dùng điểm mạnh đó để quảng bá điểm đến, thu hút du khách. Ông Hải cho rằng, để được công nhận trên khắp thế giới như vậy, Thái Lan đã trải qua hàng thập kỷ thay đổi bằng sự giáo dục lẫn những chế tài để hướng đến những phẩm chất tốt đẹp của con người, trong đó có lòng mến khách, buôn bán uy tín...

"Nhiều lần trực tiếp đưa khách đến Campuchia, Lào, Thái Lan, tôi chưa từng chứng kiến những vụ 'chặt chém' nào nghiêm trọng. Du khách mua hàng ở các xe đẩy tại Phnom Penh hay Bangkok, thỉnh thoảng cũng nói quá giá nhưng không đến nỗi chặt chém gây bức xúc", ông Hải nói thêm.

Vụ 'ăn 4 củ khoai mất 320.000 đồng' bên Hồ Gươm: Người bán khoai nói gì?

Đừng để "chặt chém" ăn sâu, khó thay đổi

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, cho biết trong suốt nhiều năm đưa khách đi du lịch nước ngoài, khách của ông không ít lần mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng hiếm bị "chặt chém".

"Bản thân tôi, có lần mua phải dây chuyền giả nhưng cơ bản do mình ham rẻ ở Thái Lan. Hay du khách Việt sử dụng ca nô ở biển Pattaya bị thu phí quá cao, nhưng tôi cho rằng lỗi của du khách. Chúng tôi luôn căn dặn khách theo đoàn phải dùng dịch vụ của đoàn, nếu dùng dịch vụ ngoài chương trình phải trao đổi với hướng dẫn viên để tránh sự cố. Vụ đó, đích thân người của Tổng cục Du lịch Thái Lan đến khách sạn của đoàn ở và xin lỗi, sau đó tiến hành kiểm tra rà soát dịch vụ ở bãi biển để không xảy ra sự cố đáng tiếc...", ông Mỹ chia sẻ.

Nhóm du khách "giữa muôn trùng vây" người ăn xin, bán hàng rong ngay trung tâm quận 1

nhật thịnh

Ở khu vực đền Angkor Wat, Campuchia, những người bán hàng rong có khu vực đứng riêng, ngăn cách du khách bằng sợi dây căng ngang. Người bán có ý thức chấp hành rất cao, không bao giờ dám vượt qua ranh giới. Theo ông Mỹ, Thái Lan hay Campuchia xử phạt nghiêm người buôn bán "chặt chém" nhưng cũng không dung túng cho những hành vi sai trái của du khách.

"Khách của tôi hút thuốc trong căn phòng cấm thuốc ở Siem Reap, ngay lập tức bị phạt 100 USD. Chế tài bằng luật pháp là phương án tốt nhất để hạn chế những sai phạm bên cạnh giáo dục. Không thể khẳng định ở Thái Lan hay Campuchia không có 'chặt chém', nhưng tình trạng không phổ biến để trở thành tiếng xấu", ông Mỹ khẳng định.

Ông Trương Đức Hải cho rằng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử phạt nhưng còn thiếu giám sát và thực thi. "Phải đưa việc phạt nặng vào guồng, đừng để 'chặt chém' ăn sâu vào bản tính, để trở nên khó thay đổi. Cùng đừng để mỗi khi du lịch vào cao điểm lễ tết, chúng ta lại nhiều lần nghe thêm những vụ khách tố nhà hàng nọ, khách sạn kia nâng giá cao hơn nhiều lần giá công bố", ông Hải nói thêm.

Việt Nam chưa có cảnh sát du lịch

Năm 2016, UBND TP.HCM từng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cho phép Thành phố thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27.7.2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam với nhiều giải pháp, đáng chú ý có nghiên cứu, đề xuất mô hình thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm để xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.