Vụ 'chuyến bay giải cứu': Hành vi của các bị cáo gây bất bình trong nhân dân

28/07/2023 16:53 GMT+7

Hội đồng xét xử nhận định, vụ án "chuyến bay giải cứu" là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình, tạo dư luận xấu trong nhân dân.

Chiều nay 28.7, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu". Vụ án kết thúc sớm so với dự kiến trước đó là 30 ngày.

Trong số 54 bị cáo, 21 người bị tuyên phạm tội nhận hối lộ, 23 người phạm tội đưa hối lộ, 4 người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2 người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 4 người phạm tội môi giới hối lộ.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Hành vi của các bị cáo bất bình trong nhân dân - Ảnh 1.

Hội đồng xét xử tuyên án vụ "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

Xem nhanh 20h ngày 28.7: Tuyên án vụ ‘chuyến bay giải cứu’

Nhũng nhiễu doanh nghiệp, tạo cơ chế xin - cho

Theo bản án, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Việc tổ chức chuyến bay được giao cho Văn phòng Chính phủ và tổ công tác một số bộ, ngành.

Quá trình thực hiện cấp phép chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9.2020 đến tháng 12.2022, 25 cá nhân là cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương đã nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại gần 10,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng cộng gần 227 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng cộng gần 74,5 tỉ đồng và lừa đảo hơn 24,5 tỉ đồng.

Trong số này, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng số 42,6 tỉ đồng. Một số bị cáo khác như: Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, nhận hơn 4,2 tỉ đồng; Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận 21,5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận 25 tỉ đồng; Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hơn 2 tỉ đồng; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 5 tỉ đồng…

Toàn cảnh đại án 'chuyến bay giải cứu' - Phần 1: Những phi vụ mập mờ

Hội đồng xét xử nhận định, vụ án "chuyến bay giải cứu" có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ.

Thủ đoạn nhận hối lộ của các bị cáo có 2 trường hợp, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền "bất thành văn" mới được cấp phép chuyến bay. Một số bị cáo còn thông đồng, chia nhau tiền nhận hối lộ.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Hành vi của các bị cáo bất bình trong nhân dân - Ảnh 2.

Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

TRẦN PHAN

Tiền nhận hối lộ rất lớn, vượt xa thu nhập của cán bộ công chức

Vẫn theo hội đồng xét xử, một số ý kiến bào chữa cho rằng các bị cáo nhận hối lộ trong vụ "chuyến bay giải cứu" không đòi hỏi, sách nhiễu hay thỏa thuận, yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền. Sau khi được cấp phép, các doanh nghiệp mới cảm ơn, do đó, đây không phải là đưa và nhận hối lộ.

Tuy nhiên, theo hội đồng xét xử, trong quá trình nộp hồ sơ cấp phép chuyến bay, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn, không thể hoặc có tổ chức cũng thua lỗ. Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với các bị cáo là nhóm cựu quan chức để nhờ vả cấp phép.

Thực tế, sau khi chi tiền, các doanh nghiệp đã được cấp phép sớm hơn, phê duyệt với tần suất nhiều hơn, số lượng hành khách lớn hơn, tại những thị trường theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.

Toàn cảnh đại án 'chuyến bay giải cứu' - Phần 2: Bí ẩn chiếc cặp mã số 104

Trong số các bị cáo nhận hối lộ, ông Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; và Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, có hành vi đòi hỏi, sách nhiễu, đưa ra giá và yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới cấp phép.

Các bị cáo khác dù không yêu cầu nhưng đều gặp gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trước hoặc sau khi tổ chức xong chuyến bay được các doanh nghiệp chi tiền cảm ơn.

Số tiền cảm ơn tương ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp và số lượng hành khách rất lớn, lên tới hàng tỉ đồng, vượt quá mức thu nhập bình quân của một cán bộ công chức. Sau khi nhận tiền, các bị cáo không báo cáo cơ quan, tổ chức mà chiếm hưởng.

Về phía các bị cáo đưa hối lộ vụ "chuyến bay giải cứu", nhóm này nhận thức rõ các thủ tục hành chính không mất phí nhưng vì muốn được thuận lợi nên đã gặp gỡ, chi tiền cho các cựu quan chức. Việc một số luật sư cho rằng hành vi đưa tiền là quà cảm ơn theo văn hóa người Việt là không có cơ sở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.