Vụ 'chặt chém' du khách: Taxi Saigontourist có gây nhầm lẫn cho khách hàng?

Ngân Nga
Ngân Nga
18/03/2023 15:43 GMT+7

Nếu Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho rằng hãng taxi Saigontourist sử dụng thương hiệu Saigontourist dễ gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến uy tín của mình thì có thể khởi kiện ra tòa.

Tài xế taxi Saigontourist 'chặt chém' du khách

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 14.3, tài xế của hãng taxi Saigontourist (thuộc Công ty Cổ phần Vận chuyển Saigontourist) đã thu số tiền cước 1,2 triệu trong khi đồng hồ báo giá 120.000 đồng, khi đưa du khách Nhật Bản từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về khách sạn ở Q.1, TP.HCM.

Ngay ngày hôm sau (15.3), Saigontourist Group đã gửi thông báo khẩn đến các cơ quan báo chí và khách hàng khẳng định hãng taxi Saigontourist không thuộc đơn vị này.

"Đơn vị này đã sử dụng thương hiệu Saigontourist gây nhầm lẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh thương hiệu của Saigontourist Group", đại diện lãnh đạo Saigontourist Group cho biết.

Taxi 'chặt chém' ở Tân Sơn Nhất giả mạo thương hiệu Saigontourist

Saigontourist Group là tập đoàn du lịch ra đời năm 1975. Trong lĩnh vực lữ hành, tập đoàn này sở hữu và quản lý Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, là công ty con chuyên kinh doanh các dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch, cho thuê xe du lịch nhưng không kinh doanh trong lĩnh vực taxi.

Hiện Saigontourist Group đang củng cố các biện pháp pháp lý để bảo vệ thương hiệu của mình.

Vụ chặt chém du khách: Taxi thương hiệu Saigontourist có gây nhầm lẫn cho khách hàng? - Ảnh 1.

Các đơn vị phối hợp, lập biên bản tài xế "chặt chém" du khách Nhật Bản

CTV

Vậy quy định pháp luật sao về trường hợp trên ?

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Trần Văn Trí (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trước tiên, cần xác định cụm từ "Saigontourist" có phải là đối tượng được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu hàng hóa theo luật Sở hữu trí tuệ hay không và ai là chủ sở hữu.

Giả sử "Saigontourist" là nhãn hiệu hàng hóa và thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Saigontourist Group, thì để khẳng định một chủ thể khác có hành vi xâm phạm quyền của Saigontourist Group hay không, phải xem hành vi sử dụng cụm từ "Saigontourist" có vi phạm các yếu tố sau không:

Thứ nhất, trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Thứ hai, trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Thứ ba, tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung, Điều 129 luật Sở hữu trí tuệ, quy định hành vi: "Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ", mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

"Nếu có căn cứ cho thấy hãng taxi Saigontourist sử dụng thương hiệu Saigontourist gây nhầm lẫn cho khách hàng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thì Saigontourist Group có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài", luật sư Kim Vinh phân tích.

Từ đó, Saigontourist Group có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc họ xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Riêng đối với tài xế taxi có đồng hồ tính tiền cước nhưng sử dụng không đúng, căn cứ Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tài xế có thể bị xử phạt từ 600.000 - 800.000 đồng.

Nếu tài xế đã từng bị xử phạt về hành vi lừa dối khách hàng mà tiếp tục vi phạm, hoặc lần đầu vi phạm nhưng chiếm đoạt số tiền từ 5 triệu đồng trở lên, thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng (Điều 198 Bộ luật Hình sự). Hình phạt có thể lên tới 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, căn cứ Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, khách hàng có thể liên hệ cảnh sát giao thông để có biện pháp xử lý đối với hành vi nói trên của tài xế. Ngoài ra, khách hàng có thể yêu cầu tài xế hoàn trả lại khoản tiền chênh lệch so với giá cước thực tế cho mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.