Vụ cắt ghép clip phỏng vấn cô gái để câu view: Công an nỗ lực điều tra chủ Fanpage

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
13/05/2022 07:35 GMT+7

Tiếp nhận đơn trình báo về vụ cắt ghép clip phỏng vấn để tạo thành những nội dung phản cảm, câu view, Công an TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) đã vào cuộc để xác minh.

Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Phạm Trung Chính, Phó trưởng Công an TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), cho biết cơ quan công an đang triển khai các thủ tục theo quy định để xác minh việc một phụ nữ trình báo bị trang Fanpage có tên “Hoàng Minh” cắt ghép clip phỏng vấn thành nội dung sai sự thật, lan truyền trên mạng xã hội.

“Người đăng clip này trú tại TP.HCM nên theo đúng thủ tục thì chúng tôi sẽ gửi giấy mời theo quy định bằng công văn, hoặc có thể ủy thác điều tra tại TP.HCM. Việc này sẽ mất khoảng 2-3 ngày vào đến nơi”, thượng tá Chính nói.

Cô gái bị trang Fanpage có tên "Hoàng Minh" cắt ghép clip phỏng vấn đã có đơn gửi cơ quan công an

ẢNH CẮT TỪ CLIP

Cũng theo thượng tá Chính, tình trạng câu view xuất hiện trên các trang mạng quá nhiều, gây nhức nhối cho nhân dân và xã hội. Cho nên, sau khi tiếp nhận đơn trình báo, đơn vị sẽ nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, các trang mạng mang tính ảo và rộng nên rất khó khăn trong công tác điều tra.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), ông Tiền nêu quan điểm ranh giới giữa việc cắt, ghép ảnh, video để giải trí và xúc phạm người khác rất mong manh, nếu vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép thì hành vi này bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Cơ quan chức năng căn cứ vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi gây ra cho nạn nhân để xác định trách nhiệm hành chính hoặc nặng hơn là trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi.

“Việc cắt ghép video sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP), nếu có căn cứ xác minh được hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung nhằm mục đích xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo đó, mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân là từ 5 đến 10 triệu đồng, đối với tổ chức là từ 10 đến 20 triệu đồng”, luật sư Tiền nói. Hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự, nếu gây hậu quả, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. “Người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)". Ông Tiền phân tích: cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hậu quả và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm để xác định khung hình phạt đối với người phạm tội với mức phạt cao nhất là 5 năm tù.

Luật sư Trần Xuân Tiền đã có những phân tích cụ thể trước sự việc trên

LSCC

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín và bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần của nạn nhân bị xâm phạm. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trước đó cộng đồng mạng bức xúc khi nhiều cô gái bị một trang Fanpage cắt ghép clip phỏng vấn thành clip những nội dung gây tranh cãi để câu view.

Trang Fanpage Hoàng Minh cũng đã thừa nhận toàn bộ clip phỏng vấn trên là cắt ghép

ẢNH CẮT TỪ CLIP

Cụ thể, tối 9.5 nhiều cô gái "tá hỏa" khi bất ngờ phát hiện clip phỏng vấn của mình bị trang Fanpage có tên "Hoàng Minh" cắt ghép nội dung đoạn phỏng vấn để tạo thành những clip có nội dung gây tranh cãi như: Bạn nghĩ sao về trai Bắc, khi có người yêu đi xe số? Phần trả lời của các nhân vật được phỏng vấn đã bị cộng đồng mạng "ném đá" tơi tả vì có nội dung thiếu tế nhị, gây tranh cãi.

Cô gái được cho là nạn nhân này đã viết đơn, trình báo nhờ cơ quan công an vào cuộc. Về phía chủ trang Fanpage Hoàng Minh cũng đã thừa nhận toàn bộ clip phỏng vấn trên là cắt ghép và gửi lời xin lỗi đến cộng đồng mạng.

Nói rõ thêm về quá trình vào cuộc của cơ quan công an, Thượng tá Chính cho biết: “Thứ nhất, vì không gian mạng quá rộng nên khi chúng tôi trinh sát và định vị được vị trí của người có hành vi vi phạm ở đâu là một quá trình dài. Nơi nhận thông tin xử lý vấn đề này và nơi người có hành vi vi phạm ở, cũng có khoảng cách rất xa vì vậy cũng rất khó để tiếp cận trực tiếp. Phương thức và cách thức, điều kiện mà chúng tôi lấy thông tin rồi thu thập thông tin, ghi lời khai bị hại, rồi triệu tập mời làm việc... là cả một quá trình”, thượng tá Chính nói.

Thanh Niên sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật vụ việc đến bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.