Vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba: Nguyễn Thái Luyện kêu oan

09/12/2022 10:34 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện khai toàn bộ hoạt động mua bán đất là công khai, minh bạch nên Viện KSND TP.HCM (VKS) truy tố bị cáo là oan sai.

Sáng 9.12, HĐXX TAND TP.HCM bắt đầu thẩm vấn Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền”, xảy ra tại Công ty CP đại ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba).

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên tòa

NHẬT THỊNH

Về hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện pháp luật. Sau đó, các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra 58 dự án "ma", quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.

Bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, CQĐT đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tương đương số tiền hơn 2.100 tỉ đồng bị chiếm đoạt.

Vợ Nguyễn Thái Luyện khóc lóc, phủ nhận cáo buộc rửa tiền

"Tôi có cẩm nang viết về quy định pháp luật..."

Bị chủ tọa thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Nguyễn Thái Luyện kêu oan. Bị cáo này khai toàn bộ hoạt động mua bán đất là công khai, minh bạch nên Viện KSND TP.HCM (VKS) truy tố bị cáo là oan sai.

“Tôi đã xuất bản hàng trăm cuốn cẩm nang, phát cho nhân viên, khách hàng. Trong đó có cẩm nang viết về quy định pháp luật, phát hành nội bộ công ty. Tôi tổ chức mở bán công khai, tổ chức cho khách hàng đi tham quan. Tôi có mua lại của khách hàng, chưa để ai phải mất tiền”, Nguyễn Thái Luyện trình bày.

Chủ tọa thẩm vấn

NHẬT THỊNH

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện cũng không đồng tình với cáo buộc của VKS, rằng bị cáo đã dùng tiền lừa đảo để đi mua đất. Luyện khai, nguồn vốn để kinh doanh là do bị cáo tích lũy nhiều năm. “Tôi môi giới cho chủ đầu tư Trần Anh, Hưng Thịnh…nên tôi cũng tích lũy được một số vốn. Tới đầu năm 2017, tôi không môi giới nữa mà đi kinh doanh, tôi bán 2 thửa đất trước đó của tôi đã có và nhờ ba mẹ cầm cố ngân hàng, vay mượn hơn 10 tỉ đồng của người thân, bạn bè để kinh doanh”, Nguyễn Thái Luyện khai.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc đất nông nghiệp có được phân lô bán nền hay không? Nguyễn Thái Luyện khai, toàn bộ số đất nông nghiệp bị cáo mua là đất nông nghiệp quy hoạch đất ở, sau đó bị cáo về tách thửa.

Luyện cũng cho rằng, ở Q.9 (TP.HCM) hầu hết các công ty nhỏ lẻ đều hoạt động như phương thức của bị cáo. Luyện khai, để thực hiện tách thửa đất nông nghiệp, có hai cách đó là nhờ các mối quan hệ để đi xin và vận dụng vào luật Đất đai để tách thửa.

Về hoạt động của 22 công ty con, Luyện thừa nhận bị cáo là người chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động. Đối với những người đại diện pháp luật không được nhận quyền lợi từ các công ty này mà nhận quyền lợi từ Công ty Alibaba. Tiền thu chi từ 22 công ty con đều nộp về Công ty Alibaba. Con dấu của các công ty này là do bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) quản lý. Về mặt tiền bạc, thu chi, Luyện không trực tiếp quản lý mà giao cho vợ và người quản lý tài chính của công ty.

Nữ tướng Alibaba “đập xe nó cho chị” khai gì trước tòa?

Được đưa đi ký hợp đồng nhưng không biết dự án ở đâu, bán cho ai

Được xét hỏi sau anh trai, bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc Công ty Alibaba) khai, trước khi về làm Giám đốc Công ty Alibaba, Lĩnh bán cà phê cho Luyện. Đến năm 2016, khi anh trai thành lập Công ty Alibaba, bị cáo được Luyện nhờ về làm giám đốc kinh doanh. Trong quá trình làm giám đốc, mỗi khi Luyện đưa giấy tờ, nói ký thì bị cáo ký và không biết đó là giấy tờ gì.

Về việc ký hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án, mỗi khi ký hợp đồng, bị cáo được bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (phụ trách Pháp lý Công ty Alibaba) đưa đi tới các địa phương ký mà không biết dự án ở đâu, bán cho ai. Lĩnh khai không nhớ đã đứng tên bao nhiêu hợp đồng.

Bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh

NHẬT THỊNH

“Khi bị bắt, tại CQĐT, bị cáo đã biết mình vi phạm pháp luật”, Nguyễn Thái Lĩnh khai tại tòa.

VKS cáo buộc, theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, Lĩnh đã đứng tên nhận chuyển nhượng 92 thửa đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, từ nguồn tiền bất hợp pháp chiếm dụng từ khách hàng của Công ty Alibaba. Sau khi hoàn tất thủ tục đặt cọc hoặc chuyển nhượng, Lĩnh ký ủy thác cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Trần Huy Phúc (Giám đốc, đại diện theo pháp luật các Công ty Law Firm, Công ty 108) để thực hiện vẽ, lập dự án dân cư không có thật, phân lô trái pháp luật, quảng cáo gian dối…để chiếm đoạt số lượng tiền lớn của khách hàng.

Vụ án tại Công ty Alibaba: Tòa thay đổi thời gian xét hỏi đối với bị hại

Đối với các bị cáo còn lại, đa số các bị cáo đứng tên giám đốc các công ty bất động sản (BĐS) của Luyện, đều thừa nhận hành vi phạm tội, và trình bày, ký hợp đồng chuyển nhượng theo chỉ đạo của Luyện, khi có hỏi về pháp lý hợp đồng, hoặc các dự án liên quan thì được trả lời “đã có bộ phận pháp lý lo, yên tâm”.

Cũng theo trình bày tại tòa của một số bị cáo là giám đốc công ty BĐS của Luyện, có công ty chỉ có duy nhất một người, và chỉ việc ký hợp đồng chuyển nhượng. Bản thân các bị cáo cũng tin tưởng Luyện, các dự án Luyện bán và nói người nhà tham gia mua, khiến người nhà cũng trở thành người bị hại trong vụ án.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm vẫn đang tiếp tục phần thẩm vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.