Vụ án tại Công ty Alibaba: Bị hại được bồi thường thế nào?

30/12/2022 08:30 GMT+7

Ngày 30.12, TAND TP.HCM tiếp tục tuyên án vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba).

HĐXX sẽ tuyên án đối với phần bồi thường của các bị hại trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba theo phụ lục.

Tại phần tuyên án hôm qua (29.12), HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Alibaba) tù chung thân, các bị cáo đồng phạm từ 10 - 19 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện

NHẬT THỊNH

HĐXX tổng hợp hình phạt tội “rửa tiền” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tuyên bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) 30 năm tù; Nguyễn Thái Lực (em Luyện) 27 năm tù.

Bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “rửa tiền”.

Người “không tiện nói tên” nghi nhận 9 tỉ đồng trong vụ án Alibaba là ai?

HĐXX nhận định về yêu cầu nhận đất, nhận tiền của bị hại

Tại phần tuyên án ngày 29.12, HĐXX nêu rõ, buộc bị cáo Luyện và Mai bồi thường cho 4.548 bị hại 2.445 tỉ đồng. Tiếp tục kê biên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền, vàng… để đảm bảo thi hành án.

HĐXX cho biết, hơn 4.500 bị hại yêu cầu bị cáo Luyện bồi thường số tiền mua đất, lợi ích nhận được từ hợp đồng quyền chọn và lãi suất trên số tiền đã nộp.

HĐXX tuyên án đối với 23 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba

NHẬT THỊNH

HĐXX cho rằng, ngoài quảng cáo gian dối, Luyện còn lập ra hợp đồng quyền chọn với các sự lựa chọn như cho thuê lại đất; mua lại chênh lệch 30%, 35% sau 12 tháng hoặc thanh toán 30% hợp đồng và trả góp 3 triệu đồng/tháng chọn giữ đất... Các hợp đồng quyền chọn không phải là giao dịch thông thường mà là thủ đoạn gian dối để bị hại tin tưởng, nộp tiền.

Do đó, số tiền bị hại bị chiếm đoạt là số tiền thực tế nộp tại Công ty Alibaba sau khi khấu trừ các lợi ích từ hợp đồng quyền chọn mà bị hại đã được nhận.

Vì vậy, HĐXX không chấp nhận yêu cầu bồi thường lãi suất, lợi nhuận từ hợp đồng quyền chọn.

Tại phiên tuyên án ngày 29.12, một số bị hại đã đến tòa để nghe HĐXX tuyên án

NHẬT THỊNH

Đối với 39 bị hại đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng "dự án", HĐXX xét thấy trong Điều 1 của hợp đồng nêu: "đối tượng chuyển nhượng là nền đất thổ cư 100%, số lô cụ thể”.

Tuy nhiên, tại thời điểm ký hợp đồng đến nay, tại các vị trí lập dự án không tồn tại bất kỳ dự án nhà ở nào, hiện trạng là đất nông nghiệp, rừng sản xuất, đất trồng lúa… nhiều khu đất không được quy hoạch là đất ở. Cho nên không có căn cứ tiếp tục thực hiện hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng.

Tuy nhiên, thiệt hại là thực tế, HĐXX đề nghị các bị cáo Luyện và Mai hoàn trả cho bị hại tiền đã nộp tại công ty.

Cựu nhân viên Alibaba cảm thán sau bản án: "Hồi ấy không hiểu biết"

Trả lại 20 thỏi kim loại không phải là vàng cho bị cáo Luyện

Đối với các xe ô tô thuộc sở hữu Công ty Alibaba và bị cáo Luyện đang thế chấp tại ngân hàng, được hình thành từ vốn vay của ngân hàng, không liên quan hành vi phạm tội.

HĐXX giao cho ngân hàng xử lý, thu hồi nợ; số tiền còn lại (nếu có), đề nghị ngân hàng nộp vào cơ quan thi hành án để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của các bị cáo.

Hôm nay 30.12, HĐXX sẽ tuyên án đối với phần bồi thường của các bị hại trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba theo phụ lục

nHẬT THỊNH

Đối với 20 thỏi kim loại màu vàng, qua giám định không phải là vàng; 2 túi chứa giấy tờ... HĐXX xét thấy đây là tài sản riêng, cho bị cáo Luyện nhận lại.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của bị cáo Luyện tại bản án này, số tiền còn dư (nếu có) tiếp tục giữ lại để giải quyết trong vụ án khác có liên quan đến Công ty Alibaba. Bị cáo Luyện và Mai phải đóng 2,5 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Xem nhanh 20H ngày 29.12: Nguyễn Thái Luyện lãnh án chung thân | Mở rộng điều tra vụ án bà Phương Hằng

HĐXX kiến nghị làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan

HĐXX nhận định, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng giữa hộ gia đình, cá nhân trong một xã cụ thể.

Qua xác minh, bị cáo Pháp thường trú tổ 5, P.An Bình, TX.An Khê, Gia Lai và tạm trú H.Nhơn Trạch, Đồng Nai. Từ năm 2017 đến khi bị bắt, Pháp là nhân viên Công ty Alibaba.

Lần lượt các ngày 25.12.2018 và 18.1.2019, ông Đỗ Tấn Chiến (Phó chủ tịch UBND P.An Bình, TX.An Khê, Gia Lai) và ông Dương Thanh Hùng (Phó chủ tịch UBND TX.Tóc Tiên, H.Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) xác nhận Pháp đang sản xuất đất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định.

Từ xác nhận trên, bị cáo Pháp nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất trồng lúa, lập khống dự án và bán cho người dân, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Tương tự, còn có hành vi của bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện).

Tổng cộng 3 bị cáo đã nhận chuyển nhượng 89.233 m2 đất trồng lúa tại Đồng Nai và 6.317 m2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. HĐXX kiến nghị Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai làm rõ sai phạm cá nhân liên quan, xử lý theo quy định.

Về hành vi rửa tiền, bị cáo Mai sau khi rút 13 tỉ đồng đã chuyển 9 tỉ đồng cho “người không tiện nói tên”, HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đấu tranh làm rõ, nếu có căn cứ xác định tội phạm mới thì xử lý theo quy định pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.