Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo

04/04/2024 12:19 GMT+7

Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của 4 bị cáo là đồng phạm của bị cáo Nguyễn Phương Hằng; bác kháng cáo của 2 người liên quan.

Hôm nay (4.4), TAND cấp cao tại TP.HCM (Viện kiểm sát) xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm do xúc phạm danh dự của 10 người.

Theo đại diện Viện kiểm sát, bản án sơ thẩm xác định Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bị cáo Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam) với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng là đúng người, đúng tội.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo- Ảnh 1.

Bị cáo Đặng Anh Quân và Nguyễn Phương Hằng

NHẬT THỊNH

Xét kháng cáo của Đặng Anh Quân, kiểm sát viên cho rằng, tài liệu chứng cứ xác định bị cáo phạm tội theo điều 331 bộ luật Hình sự, đồng thời mức án tòa sơ thẩm tuyên bị cáo 2 năm 6 tháng, thấp hơn so với bị cáo Nguyễn Phương Hằng là phù hợp.

Xét kháng cáo xin hưởng án treo của 3 bị cáo Tân, Nhi, Hà, theo Viện kiểm sát vai trò giúp sức của 3 bị cáo này hạn chế, là nhân viên của bị cáo Hằng. Cấp sơ thẩm tuyên 1 năm 6 tháng, dưới khung hình phạt xét xử là phù hợp. Các bị cáo này không đủ điều kiện hưởng án treo theo quy định pháp luật.

Toàn cảnh phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng

Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm bác đơn kháng cáo của 4 bị cáo trên và bác kháng cáo của 2 người liên quan là bà Đinh Thị Lan, Đặng Thị Hàn Ni.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo- Ảnh 2.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo

NHẬT THỊNH

Trước đó, trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Phương Hằng nói: "Tôi là người trưởng thành, tôi chịu trách nhiệm với những gì tôi làm". Cũng theo bị cáo, biết bị cáo Quân qua một kênh YouTube khi nói về bà Đặng Thị Hàn Ni. Cùng thời điểm bị cáo Hằng cũng có mâu thuẫn với bà Hàn Ni, nên nghĩ bị cáo Quân cũng là nạn nhân giống mình và thấy bị cáo là người hiểu pháp luật nên thường xuyên theo dõi Facebook.

"Sai lầm lớn nhất của tôi là không cập nhật luật An ninh mạng, tôi sống ở nước ngoài nhiều hơn ở Việt Nam. Nếu công an mời tôi lên làm việc, nói với tôi về luật An ninh mạng thì tôi không vi phạm", bị cáo Hằng nói. Cũng theo bị cáo, không có chuyện bàn bạc với bị cáo Quân về nội dung livestream.

Ngoài ra, khi được hỏi Đặng Anh Quân có bao giờ ngăn cản livestream hay không, bị cáo Hằng đáp: "Nói gì thì nói, không ai có thể cản tôi".

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đặng Thị Hàn Ni có đơn xin xét xử vắng mặt.

Vì sao bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo vẫn được giảm án?

Bác kháng cáo đề nghị xem xét vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng

Đối với kháng cáo của Đặng Thị Hàn Ni, xem xét vai trò của ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng), theo Viện kiểm sát, quá trình giải quyết sơ thẩm, tòa án đã trả điều tra làm rõ vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng. Tài liệu điều tra cũng thể hiện, Nguyễn Phương Hằng thực hiện nhiều buổi livestream nhưng chỉ có 57 buổi được xác định phạm tội.

Trong 57 buổi livestream này ông Huỳnh Uy Dũng có tham gia 1 buổi ngày 31.12.2021, nhưng video clip thể hiện ông Huỳnh Uy Dũng tham gia sau khi bà Hằng chấm dứt hành vi xúc phạm ông Đức Hiển.

Ngoài ra, hành vi của bà Hằng và đồng phạm được thực hiện nhiều lần tại nhà riêng, khu du lịch Đại Nam, Công ty CP Đại Nam, trên xe ô tô… Nhưng theo Viện kiểm sát, ông Huỳnh Uy Dũng và bà Hằng là vợ chồng nên bà Hằng có quyền quyết định đối với việc sử dụng tài sản chung này. Từ đó, ông Dũng không đồng phạm giúp sức bà Hằng trong các buổi livestream tại nhà riêng, trụ sở và trong buổi đua chó ngày 19.3.2022.

Viện KSND cấp cao cũng phân tích, quá trình thụ lý án phúc thẩm, cơ quan tố tụng phúc thẩm có nhận lá đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn (là con của Nguyễn Phương Hằng), đề nghị huỷ án sơ thẩm, làm rõ hành vi đồng phạm của ông Huỳnh Uy Dũng. Song nội dung này đã được án sơ thẩm kiến nghị cơ quan điều tra, xác minh theo thẩm quyền là phù hợp. Về giới hạn xét xử phúc thẩm, nên cấp phúc thẩm không xem xét giải quyết kháng cáo này.

Bà Nguyễn Phương Hằng: “Sai lầm lớn nhất là không cập nhật luật An ninh mạng”

Đối với kháng cáo liên quan đến một số chủ kênh YouTube: Phạm Hoàng Khang - kênh “Lang Thang Đường Phố”, Huỳnh Tấn Lợi - kênh “Vlogs Trúc Ngân”, Võ Minh Điền - kênh “Điền Võ”, Ngũ Lìn kênh “Bánh Mỳ Đây”, Nguyễn Việt Anh kênh “Trai Đồng Bằng”, Viện kiểm sát nêu do hành vi chưa đủ cơ sở xử lý hình sự nên Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã chuyển văn bản tài liệu đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an TP.HCM) để xử lý theo thẩm quyền là phù hợp. Về giới hạn xét xử, cấp phúc thẩm cũng không xem xét kháng cáo này.

Trước đó, tháng 9.2023, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; 3 đồng phạm Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân cùng 1 năm 6 tháng tù, cùng về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Theo cấp sơ thẩm, đủ cơ sở xác định từ cuối tháng 4.2021 đến tháng 3.2022, Nguyễn Phương Hằng thông qua 12 tài khoản mạng xã hội do bị cáo này quản lý, livestream phát ngôn trực tiếp trên mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự các cá nhân.

Các bị cáo đã đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định đối với 10 người: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và chồng là ông Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.