Vụ án chưa có tiền lệ

16/03/2014 03:05 GMT+7

Singapore hôm 14.3 rút lại các cáo trạng chống cô giáo người Malaysia có hành vi lách qua cửa khẩu và xâm nhập bất hợp pháp trụ sở Bộ Ngoại giao đảo quốc này do “bị tâm thần”.

Vụ án chưa có tiền lệ

Cô giáo Nurul Rohana Ishak - Ảnh: The Star

Hành động có phần kỳ quặc của cô giáo Nurul Rohana Ishak, 27 tuổi, xảy ra hôm 17.1.2014. Nurul lái xe từ Malaysia theo đường cầu Causeway nối với phía bắc đảo sư tử để vào Singapore. Tại cửa khẩu Woodlands, thay vì dừng lại và đưa giấy tờ cho nhân viên xuất nhập cảnh kiểm tra đóng dấu, nhân lúc thanh chắn mở lên cho xe trước đi qua, Nurul nối đuôi phóng đi luôn. Khi bị tuýt còi, cô lách vật chắn trước mặt, vốn là chỉ dấu dừng lại để nhân viên an ninh kiểm tra xe và số người đi trên xe, và phóng thục mạng. Trong lúc cuộc truy lùng đến ngày thứ ba chưa có kết quả, thì bỗng dưng vào ngày 20.1, Nurul lái xe xông thẳng vào trụ sở Bộ Ngoại giao Singapore ở gần khu Orchard. Cô bị bắt, bị buộc tội tại tòa án và bị đưa về Viện Thần kinh quốc gia để giám định sức khỏe tâm thần.

Sự cố xảy ra có phần do nhân viên cửa khẩu lơi lỏng khiến Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Singapore Teo Chee Hean “hết sức thất vọng”. Và hành vi của Nurul được xếp vào nhóm “vi phạm hình sự nghiêm trọng” với 3 tội danh: tội không trình hộ chiếu cho nhân viên xuất nhập cảnh có mức án tối đa tù 6 tháng và phạt 1.000 SGD (17 triệu đồng); tội không dừng xe để kiểm tra với 6 tháng tù giam và phạt 2.000 SGD; và tội xâm nhập công sở trái phép có mức án 3 tháng tù giam và tiền phạt. Tòa án cho phép cô này được tại ngoại với tiền thế chân 15.000 SGD. Nhưng do gia đình không có tiền, Nurul bị đưa về nhà tù nữ Changi. Trong thời gian bị giam, cô gái độc thân không chịu tiếp xúc với ai, thậm chí cha mẹ cô khăn gói qua thăm.

Nhưng tại phiên tòa hôm 14.3, văn phòng công tố quyết định rút lại toàn bộ các cáo buộc chống Nurul “sau khi xem xét kỹ báo cáo chứng nhận bệnh tâm thần và các yếu tố liên quan”. Công tố viên Dwayne Lum cho hay kết quả giám định tâm thần ngày 21.2 cho thấy Nurul bị bệnh tâm thần phân liệt. Chưa hết, cô này còn bị chứng ảo giác âm thanh. Vào các thời điểm vi phạm, Nurul có ảo giác mình đang bị căm ghét.

Tuy vậy, do tính chất nghiêm trọng của hành vi, việc tha bổng này không đồng nghĩa là Nurul vô tội, công tố viên cho biết. Cảnh sát đã ra một bản cảnh cáo kèm điều kiện là Nurul không được phép tái phạm hành vi tương tự trong vòng 12 tháng, bằng không các tội danh cũ sẽ được đem ra xử lại. Nurul chấp nhận điều kiện và được đưa về Malaysia ngay trong ngày 14.3. Đây là một vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Singapore.

Thục Minh (Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.