Vụ 60 người Việt Nam tháo chạy khỏi casino ở Campuchia: Yêu cầu đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho công dân Việt Nam

19/09/2022 06:12 GMT+7

Liên quan vụ 60 công dân VN tháo chạy khỏi cơ sở kinh doanh casino, lực lượng chức năng Campuchia vẫn đang tiến hành xác minh có hay không yếu tố vi phạm pháp luật của chủ cơ sở casino về tuyển dụng lao động đối với người lao động VN để xử lý theo quy định pháp luật của nước sở tại.

Liên quan vụ 60 người tháo chạy khỏi một cơ sở kinh doanh casino online ở Campuchia mà Thanh Niên đã phản ánh, ngày 18.9 Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Bộ đội Biên phòng Việt Nam vẫn đang phối hợp Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cùng các cơ quan chức năng của Campuchia làm thủ tục đưa các công dân Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất.

Vụ người Việt Nam tháo chạy khỏi casino Campuchia: Đã tiếp nhận 71 người

Đề nghị phía Campuchia can thiệp, giải cứu

Theo thông tin từ Đại sứ quán VN tại Campuchia, lúc 14 giờ 30 ngày 17.9, có 60 người VN đã tháo chạy từ một cơ sở kinh doanh casino tại ấp Bavet Kandal, P.Bavet, TP.Bavet, tỉnh Svay Rieng về phía cửa khẩu Bavet (Campuchia). Trong quá trình chạy trốn, 4 người đã bị phía cơ sở kinh doanh casino bắt lại. Trong số người tháo chạy xác định 10 người có hộ chiếu, 21 người có căn cước công dân, 6 người có chứng minh nhân dân, 4 người có bằng lái xe và 15 người không có giấy tờ tùy thân.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán VN tại Campuchia đã liên hệ các cơ quan chức năng của Campuchia tìm hiểu vụ việc, làm thủ tục để tiếp nhận và đưa người về nước. Đồng thời, đề nghị phía Campuchia can thiệp, giải cứu những người còn lại. Đến cuối giờ chiều 17.9, cảnh sát Campuchia đã yêu cầu cơ sở kinh doanh casino giao thêm 11 công dân VN (nâng tổng số người liên quan vụ việc là 67 người). Hiện tất cả các công dân này đang được cảnh sát Campuchia bảo vệ, lấy lời khai.

Khu vực casino đối diện cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, nơi nhóm người Việt tháo chạy để mong trở về nước

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao cũng yêu cầu Đại sứ quán VN tại Campuchia đảm bảo đầy đủ điều kiện sinh hoạt cho công dân VN trong quá trình chờ đợi làm các thủ tục theo quy định trước khi về nước; đồng thời, tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng sở tại rà soát khả năng còn công dân VN tại cơ sở trên hay không. Bộ Ngoại giao cũng yêu cầu điều tra nguyên nhân và xử lý vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân VN.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết thêm liên quan vụ 60 công dân VN tháo chạy khỏi cơ sở kinh doanh casino, lực lượng chức năng Campuchia vẫn đang tiến hành xác minh có hay không yếu tố vi phạm pháp luật của chủ cơ sở casino về tuyển dụng lao động đối với người lao động VN để xử lý theo quy định pháp luật của nước sở tại. Những công dân VN sau khi được xác minh sẽ được các đơn vị chức năng VN, trong đó có Bộ đội Biên phòng Tây Ninh hỗ trợ nhập cảnh về nước theo quy định.

Casino không trả lương và có ý định bán người nên lao động bỏ trốn

Cuộc tháo chạy trong mưa của 60 người Việt khỏi casino ở Campuchia

Trong số 56 người chạy thoát khỏi cơ sở casino, anh T.V.H cho biết, do công ty này không trả lương đúng và có ý định bán các lao động cho công ty khác. Không chấp nhận nên các lao động bàn nhau bỏ trốn.

Trong khi đó, anh N.V.B vẫn còn sợ hãi cho biết, trước đó anh cùng nhóm làm việc bàn với nhau sẽ bỏ trốn. Anh B. kể, sau khi nghiên cứu bản đồ thấy vị trí từ công ty tới khu vực cửa khẩu Bavet, TP.Bavet, Campuchia (đối diện cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh) chỉ 900 m. Lợi dụng lúc trời mưa lớn, tất cả lao động VN ùa ra cổng rồi tháo chạy về hướng cửa khẩu với suy nghĩ “tới đâu hay tới đó”. Cả nhóm tháo chạy một mạch ra cửa khẩu và được cảnh sát Campuchia tiếp nhận. Riêng một số người không may bị bắt lại không rõ có bị đánh hay không.

Khoảnh khắc cặp nam nữ té ngã khi tháo chạy và bị bắt lại

Theo những người chứng kiến, thời điểm nhóm người tháo chạy hầu hết chạy chân trần. Trong số 4 người có một người nữ khi đang chạy cùng 1 nam thanh niên thì không may bị té ngã và sau đó cả 2 bị bắt lại.

Theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, hiện các cơ sở kinh doanh casino tại Campuchia đã tăng cường thêm lực lượng bảo vệ (từ 4 - 5 người), kiểm soát chặt chẽ người ra vào bằng thẻ. Các đoạn đường vắng cũng đã được bổ sung thêm bảo vệ trực.

Trong trường hợp công dân cần hỗ trợ, đề nghị liên hệ với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao: Đại sứ quán VN tại Campuchia, số điện thoại: + 855-23726274; Tổng lãnh sự quán tại Sihanoukville số điện thoại: +855-34934039 hoặc tổng đài bảo hộ công dân +84-981 84 84 84.

Thêm gia đình nạn nhân ở Bình Định cầu cứu

Gia đình bà L.T.N (40 tuổi, ở H.Tuy Phước, Bình Định) vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng để cầu cứu, vì cho rằng con trai của bà bị lừa đưa sang Campuchia.

Theo trình bày của bà L.T.N, từ tháng 6 vừa qua, N.T.T (17 tuổi, con trai bà N.) bất ngờ bỏ nhà đi, gia đình liên lạc không được. Mới đây, qua Facebook, T. bất ngờ gọi về gia đình với nội dung: “Mẹ ơi, cứu con. Con đang bị bắt sang Campuchia, làm không đủ doanh thu thì bị nhốt trong phòng kín, đánh đập”.

T. cũng kể với gia đình là do bản thân tìm việc trên mạng xã hội và được một phụ nữ hứa trả lương cao, làm giấy tờ để dẫn qua Campuchia làm việc nhưng không được nói với gia đình. Tuy nhiên, khi đến Campuchia thì T. mới biết mình bị lừa và thường xuyên bị đánh đập, hăm dọa, bỏ đói...

“T. gọi điện về nói nhóm người bên Campuchia đòi chuyển cho họ 120 triệu đồng sẽ thả người. Gia đình chúng tôi đồng ý 1 tay giao người, 1 tay giao tiền nhưng họ không chịu, nói phải chuyển tiền trước. Giờ chúng tôi chẳng biết cụ thể nhóm người đó là ai, con trai mình thế nào nên rất hoang mang, mong các cơ quan chức năng có biện pháp giải cứu cháu nó về”, bà N. nói.

Công an tỉnh Bình Định cho biết, trước đó trên địa bàn có 2 người khai báo bị “sập bẫy” chiêu trò tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” rồi sau đó bị lừa sang Campuchia. Theo trình bày của chị N.T.K.M (cũng ở H.Tuy Phước), khoảng giữa tháng 6 vừa qua, M. cùng với bạn trai của mình thông qua một trang web tìm việc và được giới thiệu đến một căn nhà ở TP.HCM để nhận việc. Tại đây, cả hai được dạy các thao tác sử dụng máy vi tính, tạo tài khoản game, app đặt hàng... Sau đó vài ngày thì M., bạn trai và một số người khác được đưa sang Campuchia để làm việc với mức lương thỏa thuận từ 12 - 17 triệu đồng/tháng. Công việc chính của M. là lên mạng xã hội lừa đảo những người khác bằng hình thức chốt hàng online.

“Thời gian làm việc từ sáng sớm đến 22 giờ đêm và không được tự ý ra khỏi nơi làm việc. Lúc đầu, tôi không đạt được định mức đề ra nên bị nhốt, bỏ đói... Sau đó có bạn trai hỗ trợ nên cũng đạt nhưng định mức luôn được đẩy lên. Bí quá, tôi có liên lạc về gia đình và họ yêu cầu đóng tiền chuộc là 1.700 USD. Tuy nhiên, sau đó tận dụng được cho ra ngoài, tôi nhanh chóng trốn thoát”, M. cho biết sau gần 3 tháng bị lừa sang Campuchia làm việc.

Còn N.T.H (ở H.Phù Cát, Bình Định) cho biết, trong 1 lần tìm việc trên mạng xã hội thấy giới thiệu có việc làm trên máy tính và các chế độ tiền lương, phúc lợi hấp dẫn nên quyết định ứng tuyển. Sau đó, H. cùng một vài người nữa được sắp xếp đi trên 1 ô tô di chuyển trong đêm để sang Campuchia. Tại đây, công việc của H. là lập các tài khoản Zalo, Facebook giả danh nữ, sau đó tìm kiếm, kết bạn, làm quen, dụ dỗ “con mồi” tham gia các trò chơi có nạp tiền trên mạng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền… Làm không đủ chỉ tiêu, H. thường bị đánh đập, đe dọa. Sau đó, gia đình đóng tiền chuộc 80 triệu đồng thì H. mới được về nhà.

Hoàng Trọng - Bảo Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.