Vụ 200 trẻ mầm non chưa đến lớp: Phụ huynh đang chờ 'văn bản có dấu và chữ ký'

02/10/2023 18:32 GMT+7

Tình trạng 200 học sinh mầm non tại thôn Cẩm Trang (xã Mai Trung, H.Hiệp Hòa, Bắc Giang) chưa đến lớp sau ngày khai giảng vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu tháng 10.

Như Thanh Niên đã đưa tin, thời gian vừa qua, 200 học sinh Trường mầm non Mai Trung số 2 điểm trường thôn Cẩm Trang (xã Mai Trung, H.Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn chưa đến lớp. Lý do, phụ huynh phản đối việc đưa hơn 60 học sinh 5 tuổi đến điểm trường mầm non chính của xã Mai Trung được đặt tại thôn Mai Phong do quãng đường xa, đi lại vất vả, lo ngại chính quyền sẽ xóa điểm trường làng.

Vụ 200 học sinh chưa đến lớp: Người dân 'than' mất lòng tin vào chính quyền? - Ảnh 1.

Người dân thường xuyên tập trung tại điểm trường thôn Cẩm Trang

ĐÌNH HUY

Ngoài ra, người dân cho rằng việc xây dựng thêm 6 lớp học mầm non tại thôn Mai Phong là không hợp lý, có lợi ích nhóm, sai quy hoạch do địa phương này dân số ít, lượng học sinh chỉ bằng một nửa so với điểm trường thôn Cẩm Trang.

Trong cuộc trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND H.Hiệp Hòa, khẳng định tất cả quy trình thực hiện xây dựng lớp học ở thôn Mai Phong đều có đầy đủ lực lượng chức năng từ cấp tỉnh, chắc chắn không có lợi ích nhóm. Ngoài ra, chính quyền sẽ không xóa điểm trường thôn Cẩm Trang mà còn xây thêm 2 phòng học ở đây để phục vụ nhu cầu của người dân.

"Trong thời gian xây dựng, người dân có thể đưa con em đến học tại điểm trường ở thôn Mai Phong hoặc học tại điểm trường thôn Cẩm Trang đều được, cho con học ở đâu là quyền của người dân. Tuy nhiên, nếu học ở trường cũ thì người dân phải chịu thiệt thòi khi lớp học nhỏ, cơ sở vật chất không đầy đủ", ông Nghị nói.

Học sinh đến lớp ít dần

Mặc dù những chia sẻ của vị Phó chủ tịch UBND H.Hiệp Hòa phần nào đã giải tỏa được sự bức xúc của người dân, song sáng 2.10, tình trạng 200 em học sinh chưa đến lớp vẫn tiếp diễn.

Anh Hoàng Văn Thọ (41 tuổi, trú thôn Cẩm Trang) cho hay, anh có con học tại lớp 5 tuổi tại điểm trường thôn Cẩm Trang nhưng sáng nay chưa nhận được thông báo từ nhà trường và chính quyền nên vẫn chưa cho con đi học.

Vụ 200 học sinh chưa đến lớp: Người dân 'than' mất lòng tin vào chính quyền? - Ảnh 2.

Người dân thôn Cẩm Trang đang chờ thông báo chính thức từ chính quyền để đưa các con đi học

ĐÌNH HUY

"Hôm nay, chúng tôi chưa nhận được thông báo gì về việc đưa con đi học nên không biết thế nào. Nếu đưa con đến trường mà không có cô giáo thì lại mất công ra về", anh Thọ nói.

Anh Thọ cho biết thêm, người dân thôn Cẩm Trang đang chờ thông báo chính thức từ chính quyền để đưa các con đi học.

"Chúng tôi muốn các lãnh đạo phải có văn bản cụ thể để trả lời, thời gian xây dựng là bao giờ và bao giờ xong. Văn bản phải có dấu và chữ ký, chứ không như năm ngoái, chính quyền bảo cho con đi học rồi năm nay lại bắt chúng tôi đưa con đi học xa nhà", anh Thọ nhấn mạnh, và cho rằng, ngoài việc đi học xa, điểm trường Mai Phong cũng gần lò gạch nên anh phản đối việc đưa con ra đây học.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Đặng Thị Thành, Hiệu trưởng Trường mầm non Mai Trung số 2, cho biết những ngày qua, chính quyền xã, nhà trường cũng đang rất đau đầu về việc người dân cho con em nghỉ học dù đã mở nhiều cuộc đối thoại, vận động, tuyên truyền.

Trường mầm non Mai Trung số 2 có 3 điểm trường được đặt tại các thôn Mai Phong, Cẩm Trang và Nội Xuân với tổng số học sinh là 446. Trong đó, riêng thôn Cẩm Trang có 226 học sinh, số học sinh lớp 5 tuổi là 60 cháu.

Vụ 200 học sinh chưa đến lớp: Người dân 'than' mất lòng tin vào chính quyền? - Ảnh 3.

Trường mầm non Mai Trung số 2 điểm trường thôn Mai Phong - nơi nhiều người dân phản đối cho con đi học vì xa nhà

ĐÌNH HUY

Theo bà Thành, đến hôm nay 2.10, nhà trường đã cử 2 cô giáo từ điểm trường thôn Mai Phong đến điểm trường thôn Cẩm Trang nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa đưa con đến trường. Số học sinh từ 2 - 4 tuổi đi học đông hơn ngày 29.9 nhưng vẫn ít hơn so với các ngày trước đó.

Cụ thể, tại điểm trường thôn Cẩm Trang có 23 trẻ đến lớp, ít hơn 21 trẻ so với các ngày trước 29.9; điểm trường chính Mai Phong có 13 trẻ đến lớp, trước ngày 29.9 có 21 trẻ; điểm trường Nội Xuân có 3 trẻ đến lớp, cũng ít hơn các ngày trước 29.9.

Lý giải về nguyên nhân trẻ mầm non đi học giảm dần, bà Thành cho rằng, dù lãnh đạo cấp trên đã có phương án giải quyết nhưng do chưa có các quyết định, văn bản cụ thể nên người dân chưa tin.

“Về phía nhà trường, tôi phải xin ý kiến chỉ đạo bên trên. Cứ có văn bản thì nhân dân người ta mới tin nên tôi cũng đang tham mưu với cấp trên là đưa ra văn bản thì chúng tôi mới chỉ đạo, còn chỉ đạo bằng miệng không thì rất khó.

Trong cuộc họp, tôi đã lấy danh dự của một hiệu trưởng khẳng định là không bao giờ xóa điểm trường. Chúng tôi tha thiết đề nghị bà con trong thời gian xây dựng đã hứa (là từ giờ đến tết Nguyên đán 2024 - PV), bà con cố gắng đưa các cháu 5 tuổi sang bên Mai Phong học để giảm tải chật chội. Chúng tôi gửi cả hồ sơ thiết kế, dự toán kinh phí đầu tư để tuyên truyền nhưng bà con không tin”, bà Thành nói.

Theo bà Thành, trong thời gian vận động người dân đưa con ra học tại điểm trường chính tại thôn Mai Phong, bà còn đưa ra phương án giáo viên của trường sẽ hỗ trợ việc đưa đón con cho một số gia đình nhưng "chẳng ăn thua".

Vì sao trước đây không xây thêm lớp ở điểm trường Cẩm Trang?

Ông Ngô Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Mai Trung, cho biết năm 2019, xã Mai Trung nằm trong 16 xã ATK (an toàn khu) nên được đầu tư 6 phòng học mầm non. Ban đầu, chính quyền dự định sẽ chia đều 6 phòng học cho 2 trường mầm non là Trường mầm non Mai Trung số 1 và Trường mầm non Mai Trung số 2 điểm trường thôn Cẩm Trang. 

Tuy nhiên, khi khảo sát thấy diện tích của 2 ngôi trường đã chật kín, không đủ điều kiện mở rộng nên đã xin ý kiến cấp trên, xây 6 phòng học tại Trường mầm non Mai Trung số 2 điểm trường Mai Phong.

Vụ 200 học sinh chưa đến lớp: Người dân 'than' mất lòng tin vào chính quyền? - Ảnh 4.

Trường mầm non Mai Trung số 2 điểm trường thôn Cẩm Trang

ĐÌNH HUY

Đồng thời, vị lãnh đạo này cho hay, thời điểm xã Mai Trung xây dựng 6 phòng học ở điểm trường Mai Phong vì đó là điểm trường chính của Trường mầm non Mai Trung số 2; từ Mai Phong có thể đi ra các thôn khác trong vòng bán kính 4 km. Các cơ quan hành chính, trường học trong xã đều nằm tại đây và trên một trục đường. Ngoài ra, điểm trường thôn Mai Phong rất rộng, các phòng học được đầu tư đạt chuẩn, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

“Trước khi đầu tư, huyện thống nhất với xã là phải mở rộng được trường thì mới đầu tư vì là 6 phòng học, mỗi phòng dài 54 m, rộng 14 m. Vì điểm trường Mai Phong trước đây chỉ có 2.300 m2, vừa rồi mở rộng thêm 5.000 m2 thì thành gần 8.000 m2. Cẩm Trang không mở rộng được vì đất đã xây kín rồi. Trước đây, điểm trường này được thẩm định xây 1 tầng, không thể xây chồng lên được”, ông Phương lý giải.

Ông Phạm Văn Nghị cũng thông tin, xã Mai Trung xây dựng 6 phòng học ở điểm trường Mai Phong vì đó là điểm trường chính của Trường mầm non Mai Trung số 2, có diện tích đầy đủ, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn quốc gia.

“Thời điểm đó, sở xây dựng, UBND huyện, phòng giáo dục huyện, chính quyền xã cũng đã đi khảo sát vì nội dung này là vốn ATK. Diện tích của điểm trường Cẩm Trang lúc đó chỉ có hơn 1.000 m2, không đủ xây dựng 6 phòng học. Trong kế hoạch đầu tư xây dựng, điểm trường Mai Phong mới là điểm trường chính”, ông Nghị nói.

Ông Nghị thông tin thêm, theo quy định, phòng học mầm non cấu trúc là 102 - 110 m2. Trong đó, có 1 phòng ngủ với diện tích 1,2 m2/trẻ; phòng sinh hoạt chung gọi là phòng học liền kề là 1,5 m2/trẻ; nhà vệ sinh khép kín trong đó là 0,4 m2/trẻ và hiên trước, hiên sau để các bé vui chơi là khoảng 110 m2. Tại thôn Cẩm Trang, phòng không có đủ, thậm chí đang tận dụng phòng ngủ trở thành phòng học nên không thể xây dựng.

"Về mặt quan điểm chỉ đạo của huyện, xây dựng thế nào thuận lợi nhất trong việc chăm sóc giáo dục các cháu thì huyện giao trách nhiệm liên quan đến diện tích đất quy hoạch, diện tích đất, vị trí đất xây dựng, mặt bằng cho xã quản lý, sắp xếp. Thời điểm xã khảo sát cuối năm 2019, đầu năm 2020 thì ở Cẩm Trang không có vị trí đất quy hoạch nào.

Trước đó, tôi thấy có báo cáo thôn Cẩm Trang có 1 khu đất giáp với nghĩa trang liệt sĩ của xã khá rộng để quy hoạch điểm trường ngày xưa. Nhưng khi cần đến để xây dựng công ích thì người dân đã bán hết cả, cuối cùng chẳng còn đất nào", ông Nghị nói thêm, và cho rằng, muốn quy hoạch đất xây dựng phải đưa vào kế hoạch xây dựng theo giai đoạn và phải có quy hoạch sử dụng đất hàng năm.

Khi Thanh Niên đặt câu hỏi, sau này xây dựng thêm lớp học ở thôn Cẩm Trang nhưng ở thôn Mai Phong vẫn thừa nhiều lớp để trống, liệu đây có phải sự lãng phí, ông Nghị cho rằng, đó là tính toán về quy mô phát triển từ nay đến năm 2030.

"H.Hiệp Hòa là trọng điểm của các khu công nghiệp, rất nhiều người dân ở độ tuổi 20 - 30 tập trung ở đây và lập gia đình. Bởi vậy, ngoài việc ưu tiên cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi, huyện có kế hoạch huy động trẻ từ 24 tháng đến dưới 36 tháng tuổi ra học để chăm sóc giáo dục các cháu phát triển tốt hơn. Những phòng học đó xây để đảm bảo quy mô phát triển chứ không phải là thiếu mới xây", ông Nghị nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.