VRG đưa ‘vàng trắng’ đến nước bạn Lào

02/12/2023 08:00 GMT+7

Là dự án đầu tiên Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) triển khai trồng cây cao su trên đất bạn Lào vào năm 2005, Công ty cao su Việt Lào gầy dựng mọi thứ từ con số 0...

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"

Thành phố Pakse là thủ phủ của tỉnh Champasak và là thành phố lớn thứ 4 của Lào. Nhớ lại hành trình đưa dòng vàng trắng đầu tiên chảy trên đất nước bạn, ông Phạm Văn Thông, Phó giám đốc Công ty cao su Việt Lào không khỏi bồi hồi.

Thời tiết cuối tháng 9 ở Pakse mát mẻ, mưa lất phất bay. 6 giờ sáng, trên con đường trải nhựa dẫn vào rừng cao su nhộn nhịp công nhân hăng say cạo mủ, xa xa là dãy núi vờn mây, cuộc sống bình yên, vui vẻ. Ông Thông chia sẻ, để có được ngày hôm nay là sự nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ, công nhân viên toàn công ty.

Năm 2005, 10 cán bộ, công nhân viên Việt Nam được VRG cử sang Lào, bắt đầu dự án trồng mới hơn 10.000 ha cao su. Lúc ấy, không một ai trong đoàn cán bộ công nhân am hiểu phong tục tập quán của người dân nước sở tại, điều kiện địa lý xa xôi, ngôn ngữ bất đồng, cơ sở vật chất từ con số 0.

Đơn vị phải làm lán trại ở ngay trong rừng để sinh hoạt và chỉ đạo khai hoang. 10 người vừa tổ chức cuộc sống, vừa phải đi đến từng bản, từng làng để tìm hiểu phong tục tập quán, quan hệ tình cảm với các già làng, trưởng bản và chính quyền địa phương, tổ chức khai hoang, chia lô chia khoảnh. Sau đó là những nỗ lực, gian nan đưa những cây giống cao su tốt từ Việt Nam sang Lào trồng trên đất khô cằn, nghèo kiệt sau chiến tranh...

Ông Thông kể lại, công ty phải trực tiếp đứng ra đền bù, thỏa thuận giải tỏa mặt bằng với người dân, đền bù tới đâu khai hoang tới đó: "Tất cả khu vực đất của công ty đều có người sở hữu nên công tác đền bù giải tỏa mặt bằng phát sinh rất nhiều thời gian, chi phí, không thể chủ động được thời gian khai hoang".

Việc tuyển dụng lao động người địa phương cũng gặp nhiều trở ngại do những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Từng cán bộ của công ty mỗi ngày đều miệt mài đến từng hộ dân, tuyên truyền về lợi ích khi trồng cây cao su; các chính sách ưu tiên tuyển người giao đất sớm, người có hoàn cảnh khó khăn được vào làm công nhân công ty, giúp họ có thu nhập ổn định.

Để giải quyết khó khăn về cây trồng, Giám đốc Công ty cao su Việt Lào lúc bấy giờ là Anh hùng Lao động Hồ Văn Ngừng (còn gọi là ông Chín Ngừng) đã có nhiều sáng kiến trồng cây. Nhờ vậy mà trong 1 năm, công ty trồng được 5.000 ha cao su. Theo kế hoạch thì đến năm 2010 mới trồng xong 10.000 ha cao su, tuy nhiên năm 2008 công ty đã hoàn thành kế hoạch trồng mới, tỷ lệ cây sống đạt 98%, vượt trước kế hoạch 2 năm.

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến mủ của Công ty cao su Việt Lào

Công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến mủ của Công ty cao su Việt Lào

ẢNH: HẠNH VIÊN

Ngày qua ngày, bao công sức, niềm tin, hy vọng và cả chờ đợi của VRG, của công ty và người lao động đã được trả lời bằng thực tiễn. Năm 2011, dòng vàng trắng đầu tiên của dự án đã chảy trên nước bạn Lào.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn chưa dừng lại. Vào thời điểm cuối năm 2011, thị trường cao su liên tục rớt giá; đến năm 2014, giá cao su giảm cực sâu chỉ còn 26 triệu đồng/tấn. Lúc này, công ty càng sản xuất càng bán lỗ, áp lực nợ nần, công ty tồn đến 6.000 tấn mủ.

Được sự trợ giúp của VRG và đến năm 2016 khi giá mủ cao su bắt đầu có những khởi sắc trở lại, Công ty cao su Việt Lào vực dậy thành công. Khi giá mủ tăng lên đến 40 - 45 triệu đồng/tấn, lập tức giải quyết được 6.000 tấn mủ tồn của các năm trước; ổn định sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho công nhân.

Hiện nay mỗi năm, Công ty cao su Việt Lào khai thác mủ cao su bình quân trên 15.000 tấn/năm; là đơn vị đã có 8 năm liên tục là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn/ha.

Công nhân thi đấu bóng chuyền tại hội thao

Công nhân thi đấu bóng chuyền tại hội thao

ẢNH: HẠNH VIÊN

Từ cuộc sống du canh, du cư đến thu nhập ổn định

Công ty cao su Việt Lào có 4 nông trường, dãy nhà ở công nhân. Chiều 29.9, công ty tổ chức hội thao. Hàng trăm công nhân của các nông trường thi nhau tranh tài, nhiều trẻ nhỏ và người già đến cổ vũ nhiệt thành. Ở đây có những gia đình người Lào 3 thế hệ cùng chung sống…

Khi chưa có dự án trồng cao su, bà con ở Bachiang và Sanasumbun (2 huyện vùng sâu vùng xa nghèo nhất của tỉnh Champasak) trong vùng dự án chủ yếu sống bằng nghề đốt nương, làm rẫy; cuộc sống du canh, du cư với thu nhập thấp. Dự án cao su phát triển đúng hướng đã tạo điều kiện cho Bachiang từ một huyện nghèo trở thành huyện giàu có trong tỉnh.

Từ khi có dự án trồng 10.000 ha cao su tại đây, đời sống của người dân 2 huyện được cải thiện rõ rệt, từ chỗ không có công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh thì nay công nhân đã có việc làm ổn định, đã có tiền để nuôi sống gia đình với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (giai đoạn từ khi trồng đến khi cây ra hoa đậu trái) và nay là từ 7 triệu - 8 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ trong các bản làng đã xây nhà cửa khang trang, mua sắm được tivi, tủ lạnh, xe ô tô... Đây là thành công rõ nét mà dự án đã đem lại cho người dân.

Nhằm đảm bảo tốt nhất chỗ ở cho công nhân lao động, Công ty cao su Việt Lào đã xây dựng 50 căn nhà kiểu mẫu cho công nhân Lào tại khu vực nông trường Bachiang 2; xây dựng 22 dãy nhà ở cho công nhân; đảm bảo toàn bộ lao động được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Ngôi chùa do Công ty cao su Việt Lào xây dựng tại tỉnh Champasak, Lào

Ngôi chùa do Công ty cao su Việt Lào xây dựng tại tỉnh Champasak, Lào

ẢNH: HẠNH VIÊN

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, công ty ủng hộ địa phương xây dựng 20 căn nhà, làng kiểu mẫu tại nông trường Bachiang 4; xây dựng 2 trường học; 1 ngôi chùa tại huyện Bachiang; duy tu, sửa chữa đường lô, liên lô, đường cấp phối sỏi đỏ cho dân bản đi lại dễ dàng trong mùa mưa; hỗ trợ xây dựng đường điện cho bản làng. Đến nay, 100% bản làng trong 2 huyện đều đã có điện sinh hoạt và sản xuất; xây dựng 20 km đường nhựa để thông thương trong vùng dự án và kết nối giữa các bản làng; trao học bổng cho con em địa phương, ủng hộ đồng bào thiên tai, lũ lụt…

Tuy có nhiều khó khăn bước đầu, nhưng Công ty cao su Việt Lào cũng có những thuận lợi nhất định để đạt được sự phát triển như ngày hôm nay.

Theo đó, 2 huyện Bachiang và Sanasumbun có đất trồng phù hợp với cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su. Cả 4 nông trường của công ty đều nằm trên 1 trục đường chính, thuận lợi cho công ty trong di chuyển, thu hoạch mủ. Nhà máy chế biến mủ cũng nằm ngay tại trung tâm nên việc vận chuyển mủ từ nông trường đến nhà máy có quãng đường ngắn, hạn chế sử dụng hóa chất để chống đông mủ.

Vị trí địa lý thuận lợi vì dự án nằm trên địa bàn 2 huyện của 1 tỉnh cũng giúp các đầu mối ngoại giao được thống nhất, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương gần như người nhà.

Là một trong những dự án trồng và khai thác cao su đầu tiên trên nước bạn Lào, hoạt động có hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, Công ty cao su Việt Lào được Đảng, Nhà nước quan tâm, các đoàn ngoại giao của 2 nhà nước Việt Nam - Lào thường xuyên ghé thăm. Công ty cũng tham gia các buổi tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo huyện, các sở ban ngành địa phương về chính sách phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội địa phương. (còn tiếp)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.