Vọng âm nguyên thủy - Truyện ngắn dự thi của Mạc Yên (Cần Thơ)

14/11/2023 16:00 GMT+7

Tôi đã thầm quen với màn đêm nơi thành phố này.

Thành phố đêm ấp trong lòng thân thuộc tựa như hơi thở đã trở thành lẽ đương nhiên của sự sống, đến mức tôi không cần gợi lại nhớ nhung về ánh đèn đêm soi tỏ làn sương lạnh tràn từ bìa rừng xuống mặt đường, cũng không cần phải tưởng tượng làn gió mang hơi thở nguyên sinh xuyên qua kẽ lá rì rào gọi tên ai. Không gian mang tự do vào khoảng trống được dựng lên từ những ngôi nhà đã vùi vào giấc ngủ. Ở thành phố này, lễ hội mùa hoa cũng không thể níu chân người lữ khách thâu suốt màn đêm. Giữa cảnh thức ấy, những hơi thở nhẹ như thinh không của anh bỗng lỗi nhịp, lời thì thầm bỗng hẫng đi giữa bầu không khí thanh nhiên, nhẹ như làn gió rừng đã lả mình dưới lặng thinh, nhưng từng chữ anh phả ra lại rơi xuống tâm trí chúng tôi trĩu trì tâm sự.

Vọng âm nguyên thủy - truyện ngắn dự thi của Mạc Yên (Cần Thơ) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Shutterstock

- Vì sao thế em?

Chúng tôi gần như bất động, gần như muốn mình tan vào những thân cây quanh đấy để thôi tồn tại trước anh, giả như mình và màn đêm là một và giả như tiếng côn trùng đã lấp giọng anh, để quên đi và không phải xới lại sự thực mà ngày ngày đối mặt. Tôi, như bản tính đầy buồn bã của một con người nghệ thuật giữa thế nhân, thì thầm một cách gượng gạo.

- Người ta ngủ vì mệt nhọc, nhưng mà có khi vì ngủ mà mệt nhọc đó anh.

***

Đã bao nhiêu năm tôi mới trở lại thành phố này, nơi tôi được chữa lành từ rất lâu về trước? Cứ ngỡ khi trở lại lần này tôi sẽ thôi làm lữ khách, có thể sống là mình mà không cần phải dối gian mình thêm. Nhưng cuộc sống có lẽ là những chu kỳ lớn, người ta tổn thương rồi trốn chạy, người ta lành, để rồi người ta phải quay lại để tháo dỡ vết thương ấy một lần nữa. Liệu khi ấy, vết thương có thật sự tan biến đi?

Nhưng thành phố này dường như đang biến ra thành phố khác, những thành phố tôi đã đi qua. Không còn bao nhiêu dấu vết của suối nguồn chữa lành tôi của những năm về trước. Và rồi, như một ân huệ của phép chữa lành, anh đã tìm thấy tôi.

- Anh là Ca Vang, anh là người K'ho. Các em chỉ cần đi theo anh thôi, không cần phải mang theo gì hết.

Dáng người nhỏ thó xuất hiện trước mặt chúng tôi thật tương phản đến kỳ lạ. Anh khác hoàn toàn với những gương mặt bủng beo, nhợt nhạt vì nhuộm đẫm hơi lạnh thoát ra từ những chiếc máy ngoại nhập. Cơ thể anh như uống trọn ánh mặt trời đồi núi, vẽ từng đường cơ bắp rắn cuộn dưới lớp da bóng nhẵn. Túi của chúng tôi chỉ vừa bằng một chiếc điện thoại. Còn anh thoải mái vác lên chiếc ba lô khổng lồ, chứa tất cả mọi thứ cho một hành trình xuyên rừng.

- Anh chỉ xin mấy chuyện đơn giản thôi, mình tạm tắt điện thoại đi nhé.

- Dạ, trên này chắc cũng không có sóng để gọi đâu anh.

- Không phải đâu, để các em đừng chụp ảnh đấy. Con người có sẵn hai cái máy chụp ảnh tốt nhất rồi, mình đi nhìn ngắm thưởng thức cái không khí của núi rừng coi nó chân thật thế nào.

Không khí rừng đã bắt đầu ở cuối con đường mòn lối tắt qua vườn cà phê. Khoảng nắng chiếu xuyên tán rừng thông ít dần. Giữa con đường mòn đẩy nắng lùi xa mái đầu, mùi hoa cà phê như mối liên kết với thành thị thưa nhạt đi, còn hương thông thoảng trong gió lạnh bắt đầu trả lời tôi bằng tiếng chim hót vang vẳng xa xăm. Và xa xăm cũng là tiếng vết thương trong tôi vỡ ra theo từng bước chân đi.

- Có người hay kiếm chim để chụp hình lắm. Nhưng mà không ai chụp được tiếng chim hết em ơi. Có mấy con mình chỉ nghe thấy tiếng thôi, chứ kiếm được nó em phải ngủ trong rừng vài ngày, chừng nào quen mắt quen tai mới thấy.

- Dạ, để mình quen ở rừng hả anh?

- Để rừng nhớ lại mình đó em.

Anh cười. Và vết thương trong tôi lại vỡ ra thêm một lần nữa. Chúng tôi nhìn lại mình: quần jeans dày và những chiếc áo khoác cùng bao tay dày kín, dường như xa lạ quá với rừng chăng?

- Rừng không đáng sợ lắm đâu, chúng ta chỉ cần cẩn thận và tự liệu sức mình là được. Đi rừng không cần nhanh, chỉ cần đi đều là được, khi mệt thì ta cứ đi thêm chút nữa, thêm chút nữa rồi đường rừng làm mình quen thôi.

- Có quen thiệt không anh?

- Mấy em đi không quen thì mệt tim một chút, chỉ cần đi chậm lại để tim tự điều hòa là được. Đừng nghỉ. Lúc đó nghỉ rồi không đi tiếp được đâu, còn nguy hiểm hơn là về trễ. Đời có khi chỉ đơn giản vậy á.

Bạn có phải là người chấp nhận bỏ cuộc trước những khó khăn không? Tôi thì không đâu, tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách, xoay chuyển nó, phá vỡ nó, vượt qua nó. Đến cả khi đã bế tắc, đến cả khi rã rời, tôi vẫn tiếp tục đâm sầm vào nó bằng cách này hay cách khác, thậm chí là kéo dài sự khó chịu khi phải chung sống với khó khăn, hòng đoạt lấy chiến thắng về phía mình. Bởi tôi luôn tự nhủ, ai gục ngã trước thử thách đều là những người đáng thương, nên chậm lại chưa bao giờ là lựa chọn của tôi cả.

- Mình phải biết nương theo rừng. Thấy đường thẳng dốc cao quá thì mình đi chéo một chút cũng tới được thôi. Chậm một chút nhưng tim sẽ quen và không mệt nữa. Nhưng đi đủ lâu thì cũng cần nghỉ để tiếp nước và ăn một chút để lấy lại năng lượng.

Chúng tôi đã đi qua trảng cỏ sườn núi, phía trước là dốc cao và tán lá dày hơn nên không còn tia nắng nào trên mặt đất cả. Tôi đoán, có lẽ là anh muốn chúng tôi quen mắt với cảnh rừng ấy. Hoặc theo ý anh, là để khu rừng không phải bất ngờ trước sự xuất hiện của chúng tôi.

- Thật ra anh nói tắt điện thoại đi là để nó đừng reo. Có mấy người đi leo núi, băng rừng là đem cả loa, bật nhạc. Em nghĩ rừng có cần nghe nhạc của chúng mình không?

- Anh làm em nhớ mấy cái loa karaoke quá. Em ghét kinh dị. Ở đây tiếng cây, tiếng gió, tiếng chim nó đều đều thanh bình hơn.

- Ừ, người ta nói những khu rừng càng già thì nó càng phát ra những sóng âm nguyên thủy nhất để xoa dịu. Nhạc em nghe lúc nào cũng được, nhưng mà chỉ có ở đây em mới nghe được mấy âm thanh này thôi. Mà tiếng nhạc của mình có thể làm thú rừng nó sợ, nó có nghe bao giờ đâu, mình đã vào đây như vào nhà nó thì mình nên tôn trọng nó. Còn nữa muốn nghe nhạc thì về mình nghe mấy hồi.

- Vậy chắc cũng không hát luôn anh he.

- Thôi đừng hát em. Giọng mình đâu có hay như giọng chim. Mà cũng không cần nói chuyện quá lớn, vừa đủ nghe thôi là được.

- Em có cảm tưởng đi rừng quen thì ra ngoài người ta sẽ ít phải cự cãi với nhau hơn.

- Đúng rồi, vậy mới văn minh.

Những khu rừng già, những vùng rừng nguyên sinh, những đồng hoa ép mình vào vách núi, những làn hơi tỏa ra từ những cuộn dây leo khổng lồ óng ánh dưới đường nắng hiếm hoi, tĩnh lặng, cổ xưa, điềm tĩnh và thật rộng lớn. Từ bao giờ chẳng rõ, chuyến trốn chạy của tôi trở thành một chiến khám phá tự nhiên, và rồi từ một hành trình khám phá tự nhiên, chúng tôi lại khám phá về chính mình. Rừng an nhiên thở và bao bọc lấy chúng tôi. Cảm giác nhờ anh, nhờ con đường chỉ mình anh khám phá, như rừng đã hiểu và tha thứ cho tôi hơn.

- Mình đi không nên chặt cây, cái nào khó quá thì để anh chặt cho, đủ để mình đi qua là được rồi. Mấy em cứ rẽ cây mà đi. Mình không biết cái gì là quan trọng với rừng, nên mình tốt nhất đừng vì mục đích vui thú của mình mà tổn thương nó.

- Chắc anh biết nhiều cây trong rừng lắm.

- Có nhiều loài người ta cứ tưởng phải đi Mỹ đi Âu mới có, thật ra ở rừng bên mình cũng có đó em. Anh từng đưa mấy người đi định danh thực vật rồi. Có mấy lần dẫn mấy em nghiên cứu về côn trùng ngủ trong rừng mấy đêm. Rừng của mình, trên nước mình, mà nhiều khi mình không biết.

Anh dừng lại ở trảng rừng trống, nơi cột mốc giao nhau của ba huyện lị nguyên sơ. Rất cẩn thận anh dọn lá khô trên nền đất để châm một đống lửa nhỏ, và trước cả khi những chiếc bánh, những miếng thịt khô chuyền tay nhau, anh đã nhét gọn những mảnh rác vào một chiếc túi khác treo lủng lẳng dưới ba lô.

- Tụi em thấy có rác nhân tạo gì thì đưa anh nhé.

- Anh Ca Vang chuẩn bị hết đồ ăn uống lều ngủ như vậy tụi em cũng ngại quá.

- Đâu có gì đâu em, anh biết cái gì cần mang với mang quen rồi. Anh chỉ muốn tụi em có trải nghiệm trong rừng một cách toàn diện nhất thôi, không phải ai cũng biết và chịu đi băng rừng với anh vì đường anh đi không phải để du lịch.

- Anh Ca Vang lúc trước làm gì thế?

- Anh du học bên Đức, tốt nghiệp xong anh lấy thêm cái bằng dẫn đoàn trekking bên đó. Đi riết mới thấy, ủa mình người Việt Nam, Việt Nam cũng có rừng mà sao mình qua đây dẫn khách trải nghiệm rừng của nước ngoài? Rừng Việt Nam mình đẹp có thua gì rừng nước ngoài đâu? Mình là con của núi rừng, biết rõ nó thế nào, bây giờ không về dẫn người trải nghiệm rừng ở đây thì có lỗi với rừng quá rồi.

Chúng tôi thoáng im lặng. Nếu là chúng tôi, liệu đứng trước châu Âu lộng lẫy ấy, chúng tôi có thể trở về như anh không?

- Bên kia lương cao không anh?

- Cao chứ em, dẫn một lần cũng mấy ngàn euro. Nhưng mà về đây mình dẫn người Việt đi rừng Việt. Sống ở đây có thiếu ăn thì mình vào mấy buôn xin. Các già là biết tên Ca Vang hết rồi, mấy già cũng thương vì thấy việc mình làm cũng có ý nghĩa mấy già nuôi cho vài bữa. Còn không xin rừng, rừng có thiếu gì đâu, xin khỉ xin nai chỉ cần đừng giành hết đồ ăn của nó là được.

Anh bật cười. Chúng tôi cũng bật cười. Mãi cho tới lúc ấy, chúng tôi mới thấy mình thật sự đã được núi rừng nơi đây chấp nhận. Trong đôi mắt lạc lối của chúng tôi không còn ánh lên vết thỏa mãn vì tò mò nữa, giờ đây từng loài cây lạ, từng bông hoa mới, từng tiếng kêu và dấu chân trên bờ đất trở thành một cuộc tái ngộ đầy ấm áp. Những mục đích trong lòng dường như đã biến mất, những vỡ tan trong tim đã theo những nhịp đập dồn trên con dốc lạnh đã khuất sau đỉnh núi. Có lẽ, rừng thật sự có những sóng âm nguyên thủy nào đó tựa như tiếng đập của trái tim con người để xoa dịu vết thương. Hoặc có lẽ, rừng là người mẹ mang trong lòng đứa con ngủ mê, dùng trái tim mình đồng nhịp với trái tim tôi, nuôi dưỡng tâm tồn lạc lối của tôi được trở về bình thản.

Giữa khoảng đêm đen thì thầm và tràn hoan ca của côn trùng khuất mặt, chúng tôi im lặng nhìn khoảng trời sao như những người mộ điệu tự nhiên, chuyền tay nhau chiếc ca sắt để nhấp chút lá trà rừng nấu bằng nước suối. Tôi nhìn về những thân cây phía xa và khẽ hỏi.

- Mấy câu kia là dẻ rừng hả anh?

- Ừ. Mùa này chắc có trái rụng rồi, em định tranh ăn với mấy con sóc à?

- Đâu, ánh sáng thành phố hắt lên phía sau nên em đang thử tài đoán cây thôi.

- Anh tưởng tuần này không có ai đi trekking vì đang có lễ hội hoa. Hoa cỏ cũng đẹp đó, nhưng đâu có đẹp bằng mấy trảng hoa mình đi qua hồi chiều. Giờ này chắc ở đó có đom đóm nữa, nếu mấy em chưa ngủ sớm thì mình đi qua bên kia, có con đường mòn cũng khá an toàn. Đứng trên đó là ngắm được đom đóm trảng hoa rồi, không cần phải ra trảng làm phiền tụi nó… kết hôn.

- Giờ này ở thành phố chắc tụi em phải đi ngủ để mai còn dậy đi cày, tỉ dụ như kế bên có trảng hoa cũng không chắc đi xem đâu.

- Vì sao thế em?

Gió đêm trên núi đã lạnh, gió đêm giữa rừng còn lạnh hơn. Và mặc cho những ngụm trà rừng chát đắng ấm nóng đang thong thả rót vào tâm khảm thì câu hỏi của anh lại chúng tôi thấy lạnh hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã sống vì bản thân mình quá nhiều. Không như anh.

- Người ta ngủ vì mệt nhọc, nhưng mà có khi vì ngủ mà mệt nhọc đó anh. Cuộc sống của tụi em còn khắc nghiệt hơn cả rừng núi nữa.

- Đi cả ngày nay có thấy rừng khắc nghiệt gì với em chưa?

Chúng tôi bật cười. Quả thật nếu không nhờ anh Ca Vang, có lẽ tôi không bao giờ có thể hiểu núi rừng lại bao dung đến thế.

Vọng âm nguyên thủy - truyện ngắn dự thi của Mạc Yên (Cần Thơ) - Ảnh 2.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.