Vốn ngoại ồ ạt 'chảy' vào bất động sản

07/03/2016 07:00 GMT+7

Ngay những ngày đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào thị trường bất động sản VN.

Ngay những ngày đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào thị trường bất động sản VN.

Thị trường bất động sản với những chính sách cởi mở đã thu hút nguồn vốn ngoại - Ảnh: Đình SơnThị trường bất động sản với những chính sách cởi mở đã thu hút nguồn vốn ngoại - Ảnh: Đình Sơn
Hạ tầng "kích" BĐS
Ngày 6.3, Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cùng với Công ty An Gia Investment đã ký kết với Công ty Phát Đạt để rót 200 triệu USD vào dự án River City (Q.7, TP.HCM). Trước đó quỹ đầu tư Nhật Bản cũng “đồng hành” cùng An Gia Investment khi công bố đầu tư vào công ty này 200 triệu USD để cùng nhau phát triển hai dự án khu căn hộ Angia Skyline và Angia Riverside (Q.7). Ngoài ra, quỹ này cũng đã đầu tư 100 triệu USD vào Công ty 577 để phát triển dự án City Gate (Q.8).
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia Investment, cho biết do River City có quy mô lớn (diện tích hơn 11 ha, gồm 12 block chung cư, với khoảng 8.000 căn hộ, office-tel và shop house), tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng nên trong năm 2016, Creed Group sẽ cùng với An Gia Investment tập trung vào dự án này. Về tỷ lệ vốn góp để phát triển River City, ông Sáng tiết lộ An Gia và đối tác Nhật sẽ góp 50% vốn, 50% còn lại là của Phát Đạt.
Cuối tuần trước, Công ty TNHH Keppel Land (Singapore) thông qua một đối tác VN công bố góp 93,9 triệu USD vào Công ty Empire City để cùng phát triển khu phức hợp tháp quan sát Thủ Thiêm cao 86 tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Keppel Land cũng đã bơm vốn vào Công ty Tiến Phước và Trần Thái để phát triển khu đô thị mới Nam Rạch Chiếc, dự kiến sẽ mở bán trong năm 2016 này.
Cùng với Keppel Land, nhà đầu tư nước ngoài là Power Ltd (Anh), trực thuộc Tập đoàn tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners (một công ty quản lý quỹ đầu tư và phát triển bất động sản (BĐS) quốc tế với tổng giá trị tài sản quản lý trên toàn thế giới khoảng 10 tỉ USD) cũng đã góp vốn vào Empire City, với số tiền lên đến khoảng 600 triệu USD.
Tại sự kiện ký kết của Công ty An Gia Investment, ông Lê Trọng Hiếu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND Q.7, cho biết năm 2016 sẽ là năm đột phá hạ tầng khu Nam khi sắp tới đây TP sẽ tiếp tục đầu tư thêm hàng loạt dự án trọng điểm. Điển hình là dự án cầu Thủ Thiêm 4, nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) với tổng chiều dài 2.000 m đã được UBND TP cho phép Công ty Phát Đạt nghiên cứu đầu tư theo hình thức BT và dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Việc xây dựng cây cầu này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Q.7 đến Q.2 và trung tâm TP chỉ còn 5 phút. Công trình cầu Kênh Tẻ 2 trong dự án đường trục bắc - nam và một cây cầu từ Q.4 bắc qua Q.7 từ hướng đường Nguyễn Tất Thành cũng sẽ được xây dựng. Theo quy hoạch, một tuyến metro cũng sẽ chạy qua khu Nam kết nối với cảng Hiệp Phước. Trước mắt TP sẽ đầu tư nâng cấp nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ bằng hệ thống hầm chui, với tổng vốn đầu tư lên đến 2.600 tỉ đồng. Bên cạnh đó, con đường vành đai song song với đường Nguyễn Hữu Thọ cũng được dự kiến khởi công vào cuối năm nay để “chia lửa” với đường Nguyễn Hữu Thọ, điểm đầu sẽ kết nối với đường Nguyễn Văn Linh và vào đường Nguyễn Khoái (Q.4). “Các công trình trọng điểm này sẽ đáp ứng nhu cầu về giao thông đi lại của người dân và kích thích thị trường BĐS khu Nam Sài Gòn phát triển hơn nữa, xứng đáng là nơi đáng sống nhất cả nước”, ông Hiếu phân tích.
Thu hút vốn Nhật
Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group đang quản lý 5 tỉ USD, nhận xét thị trường BĐS VN thật sự rất nhiều tiềm năng, giống như thị trường ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... những năm đầu mới hình thành và phát triển. Khi đó, nhu cầu về các loại hình BĐS của người dân và doanh nghiệp rất lớn, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững mạnh.
Mặt khác, VN hiện đang có tỷ lệ dân số vàng đông thứ 3 ở Đông Nam Á, người trẻ chiếm tỷ lệ rất cao nhưng quỹ nhà ở còn khiêm tốn. Đặc biệt, VN hiện nay đã bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, Chính phủ đã có những chính sách mở cửa với nhiều ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, không chỉ vậy còn tích cực tham gia các hiệp định quốc tế để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế. Điều này sẽ càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, sinh sống. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Phó tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, ông Yoshinori Yakabe, năm 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế tại VN đã đạt 6,5%, riêng TP.HCM đạt gần 10%, là con số cực kỳ ấn tượng so với các nước trong khu vực, đưa VN trở thành quốc gia năng động tăng trưởng mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, du lịch, định cư, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Với bối cảnh hội nhập cùng với sự tăng trưởng kinh tế vượt trội là cơ hội vàng để đầu tư vào thị trường BĐS. Chỉ tính riêng năm 2015, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư tại VN với tổng số vốn 1,84 tỉ USD. Đã có 281 dự án đăng ký cấp mới và 129 dự án đăng ký tăng vốn. “Về lâu dài, đặc biệt là trong năm 2016, năm được dự kiến sẽ có sự bùng nổ trong lĩnh vực BĐS, nguồn vốn đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ bộ vào VN dưới các hình thức như: liên doanh, hợp tác đầu tư hoặc mua bán dự án. Tiêu biểu là Quỹ đầu tư Creed Group đã đi tiên phong trong việc tham gia, đầu tư vào các dự án thông qua việc ký kết hợp tác toàn diện với An Gia Investment”, ông Yoshinori Yakabe cho hay.
Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, thị trường BĐS trong năm 2016 sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực và phát triển ổn định, nhu cầu về BĐS nói chung và nhà ở nói riêng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM còn rất lớn, trong đó có các khách hàng là tổ chức và cá nhân nước ngoài. Do đó, nhu cầu mua và sở hữu nhà ở sẽ tăng cao không chỉ ở phân khúc căn hộ có quy mô nhỏ mà cả phân khúc căn hộ trung, cao cấp và thị trường văn phòng, dịch vụ, thương mại sẽ sôi động hơn. “Sẽ có nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm, chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực BĐS, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tín dụng BĐS tiếp tục tăng trưởng, lĩnh vực BĐS vẫn là kênh hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài”, ông Phấn nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.