Với Sa Huỳnh - di tích quốc gia đặc biệt

02/01/2023 06:18 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh ở TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL, hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh được lập gồm 5 địa điểm: Di tích Long Thạnh, Di tích Phú Khương, Di tích Thạnh Đức, Di tích đầm An Khê - lạch An Khê và Quần thể di tích Chămpa.

Tiến hành khai quật di chỉ gò Ma Vương, thuộc thôn Long Thạnh 2, P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi phát hiện di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh

Trần Cao Duyên

Tôi đọc thông tin này với một niềm vui, với nỗi nhớ về Sa Huỳnh thời bao cấp, với niềm hy vọng về Sa Huỳnh trong tương lai gần sẽ thành một trung tâm du lịch văn hóa lịch sử và thiên nhiên đặc biệt của cả miền Trung.

Câu chuyện Sa Huỳnh bắt đầu từ mấy nghìn năm trước thì đã được nói nhiều qua phát hiện mộ chum từ những năm đầu thế kỷ 20, qua tất cả những cổ vật mà khảo cổ đã phát hiện từ trong lòng đất Sa Huỳnh và nhiều địa điểm khác suốt dải đất miền Trung.

Chúng ta sống trên di tích, sống trên những địa tầng cả mấy nghìn năm tồn tại với cư dân bản địa nhưng nhiều khi không biết, hoặc chỉ biết lơ mơ, biết chung chung vậy thôi, nên khó có được niềm tự hào của người lưu giữ những báu vật, của người làm chủ những di tích vô giá, sở hữu cả một nền văn hóa từng tồn tại trên mặt đất từ ngót 5.000 năm trước. Khảo cổ đã giúp chúng ta nhìn ra một phần tài sản thấy được của mình, nhưng đó chưa phải là tất cả tài sản mà chúng ta có được từ tiền nhân qua mấy nghìn năm trước trao gửi lại.

Cùng với sự hòa huyết Chăm - Việt từ nghìn năm trước, Văn hóa Sa Huỳnh đã sống lại trong tâm thức người quê Quảng Ngãi với nghề buôn vượt biển trên những chiếc ghe bầu - một sản phẩm có từ Văn hóa Sa Huỳnh.

Một góc đầm An Khê ở TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi phát hiện di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh

NGỌC HÀN

Còn nhớ, năm 1985, tôi cùng nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tư vấn và được Tỉnh ủy Nghĩa Bình ủng hộ mời vợ chồng nhà thơ nhạc sĩ tài danh Văn Cao vào thăm Nghĩa Bình, dự lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam tại Quy Nhơn. Sau đó Sở Du lịch Nghĩa Bình đã tạo điều kiện cho chúng tôi đưa vợ chồng bác Văn Cao ra thăm Quảng Ngãi. Cơ may, chúng tôi đã dừng tại Sa Huỳnh. Hồi ấy, khu du lịch còn đơn sơ lắm, nhưng thiên nhiên bao quanh thì đẹp lung linh, một vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ.

Đêm ấy trăng 12 trong vắt, biển êm ái rì rào, bờ cát trắng lấp lánh dưới ánh trăng, cả đoàn chúng tôi cứ ngỡ mình đang ở một nơi mà người ta gọi là thiên đường. Đêm ấy, các nhạc sĩ đã hát và sáng tác bài hát ngay tại chỗ, còn tôi thì làm thơ về Sa Huỳnh mà lòng tràn đầy cảm hứng. Sa Huỳnh thời bao cấp 1985, đời sống còn kham khổ, nhưng thiên nhiên thì giàu có, một vẻ đẹp lạ lùng.

Có thể nói, đoàn văn nghệ chúng tôi tháp tùng vợ chồng bác Văn Cao là một trong những đoàn du lịch thời kỳ bao cấp khó khăn đã đến thăm Sa Huỳnh. Và Sa Huỳnh đọng lại trong tâm hồn chúng tôi những vẻ đẹp hoang sơ không bao giờ quên được.

Bây giờ, khi chính phủ đã quyết định công nhận Sa Huỳnh là Di tích quốc gia đặc biệt, thì đây là cơ hội vàng cho Quảng Ngãi, để biến Sa Huỳnh thành một trung tâm du lịch biển và di tích văn hóa lịch sử của miền Trung. Thiết nghĩ, cần có một dự án thật sự nghiêm túc, thật sự văn hóa để tiến tới xây dựng Sa Huỳnh trở thành một trung tâm du lịch văn hóa lịch sử thiên nhiên mang tầm khu vực và thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.