img

Sáng 8.6, giữa cơn bão thông tin Lionel Messi gia nhập giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS), CLB Inter Miami chỉ đăng một đoạn video ngắn. Trong video tổng hợp những tin đồn liên quan đến Messi những ngày trước đó. Siêu sao người Argentina được đồn đoán trở lại Barcelona, sang Ả Rập Xê Út dưỡng già,... Tuyệt nhiên không có một dòng tin đồn liên quan đến Inter Miami.

Giữa vòng xoáy kim tiền, khi thế giới còn mải choáng ngợp với con số 400 triệu euro mà Ả Rập Xê Út sẵn sàng chi ra cho Karim Benzema trong 2 năm, hay mức đãi ngộ khổng lồ mà Al-Hilal mời chào Messi, bóng đá Mỹ dường như bị lãng quên, dù nơi đây từng là bến đỗ của những thương hiệu thể thao hàng đầu như David Beckham, Zlatan Ibrahimovic, Thierry Henry, Frank Lampard,...

Nhưng với "bom tấn" Lionel Messi, bóng đá Mỹ nói chung, MLS nói riêng và chính CLB Inter Miami của Beckham, ngôi sao từng khởi đầu cho giai đoạn kim tiền của MLS, lại ôm tham vọng vươn mình. Bởi thương hiệu của Messi đã vượt rất xa khỏi khuôn khổ thể thao. Trên đôi vai người khổng lồ, nền bóng đá xứ cờ hoa đang mơ những giấc mơ lớn.

Liên tục ghi bàn, Lionel Messi tạo nên cơn sốt khắp nước Mỹ

Inter Miami

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 2.

Khi cùng các cộng sự ra mắt CLB Inter Miami vào một ngày cuối tháng 1.2018 với tư cách một trong những chủ sở hữu đội bóng, David Beckham đã chia sẻ một tin nhắn chúc mừng từ Lionel Messi trên Instagram, được gửi với dạng video. Siêu sao người Argentina bày tỏ sự ngưỡng mộ đến dự án mới của Beckham và khép lại tin nhắn bằng một thông điệp gợi mở.

"Biết đâu vài năm nữa, anh sẽ gọi tôi đấy", Messi nói trong video gửi đến Beckham. Thời điểm này, Messi vẫn khoác áo Barcelona, nơi mà phần đông người hâm mộ không dám hình dung một ngày nào đó, Messi sẽ thi đấu cho một đội bóng khác. Lời hẹn mà Messi dành cho người đàn anh dường như giống một câu chúc xã giao "chẳng mất tiền mua".

5 năm sau, thông điệp của Messi trở thành hiện thực. Bỏ qua lời mời trở lại Barcelona, khước từ "núi tiền" từ Ả Rập Xê Út. Messi quyết định chọn Inter Miami.

Inter Miami có gì đặc biệt để trở thành bến đỗ tiếp theo của Lionel Messi?

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 3.

AFP

Tất nhiên, để sở hữu một trong những biểu tượng thể thao vĩ đại nhất lịch sử như Messi, Inter Miami của Beckham và MLS cần nhiều hơn một lời mời thuần túy. Theo The Athletic, đội bóng Mỹ đã phải tốn rất nhiều tiền, cùng hàng loạt quyền lợi đãi ngộ dành riêng cho siêu sao người Argentina. Messi được cho là sẽ nhận được một phần lợi nhuận trong thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa MLS và những thương hiệu khổng lồ, trong đó có Apple. Adidas, một trong những nhà tài trợ lâu đời nhất giải đấu, cũng được cho là tác động để hỗ trợ Inter Miami giành được chữ ký của Messi.

Và hiển nhiên, Messi sẽ trở thành được trả lương cao nhất lịch sử MLS.

Bóng đá Mỹ đã đón chào nhiều ngôi sao tầm cỡ thế giới đến đây thử sức, như David Beckham, Giovinco, Frank Lampard, Thierry Henry, Zlatan Ibrahimovic,... nhưng không có thương vụ chuyển nhượng nào lại kịch tính và khó đoán như câu chuyện tình giữa Messi và Inter Miami. Trong đoạn video đăng tải ngay sau khi thông tin chiêu mộ Messi được xác nhận, đội bóng Mỹ cũng ngầm khẳng định điều này. Trong cơn bão tin đồn về tương lai Messi kéo dài từ tháng 2 đến nay, Inter Miami chỉ xuất hiện hiếm hoi trong ở một số đầu báo. PSG đã cố giữ chân Messi bằng một hợp đồng mới, Barcelona cũng "tấn công" dồn dập. Ở Ả Rập Xê Út, CLB Al Hilal sẽ sàng mời Messi bằng bản hợp đồng trị giá hơn 300 triệu euro mỗi năm. Inter Miami không danh tiếng như PSG và Barcelona, chưa chắc có lời đề nghị "nặng đô" như Al Hilal. Ở MLS mùa này, đội bóng của David Beckham còn đang đứng hạng 15. HLV Phil Neville vừa bị sa thải sau chuỗi thành tích kém cỏi.

Thế nhưng, Messi chọn Inter Miami.

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 4.

Thực tế, Messi không phải siêu sao đầu tiên từng chuyển tới Mỹ thi đấu. Năm 1975, "vua bóng đá" Pele từng lựa chọn CLB New York Cosmos, sau gần như cả chiều dài sự nghiệp xây dựng tên tuổi với CLB Santos. Dù vang danh nức tiếng với màn trình diễn siêu đẳng đưa Brazil lên đỉnh cao World Cup, nhưng Pele không sang châu Âu thi đấu. Tổng thống của Brazil năm 1961 là Janio Quadros đã sử dụng quyền lực của mình để thúc đẩy Nghị viện Brazil đưa ra điều luật coi Pele là báu vật quốc gia trong 10 năm. Điều luật này khiến Pele chỉ chơi bóng ở Brazil trong suốt sự nghiệp đỉnh cao, rồi sang Mỹ dưỡng già ở chặng cuối.

Trở lại với sự kiện Pele gia nhập CLB New York Cosmos. Có lẽ, không một cầu thủ nào trong lịch sử có tác động địa chấn đến quỹ đạo bóng đá Mỹ như Pele từng làm. Nhờ sự hiện diện của Pele, lượng khán giả đến sân nhà trung bình của Cosmos đã tăng từ khoảng 3.500 người vào năm 1975 lên khoảng 45.000 vào thời điểm ông ra đi sau mùa giải 1977. Có tới 3 trận đấu, Cosmos thu hút hơn 70.000 người hâm mộ đến xem Pele tại sân Giants, một kỳ tích chưa từng có trong thời đại đó.

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 5.

Cũng nhờ có những bước chân vĩ đại của Pele, lần lượt những ngôi sao vĩ đại như George Best, Johan Cruyff, Franz Beckenbauer, Gerd Muller lần lượt chọn xứ cờ hoa là điểm kết thúc trong sự nghiệp. "Tác động mà Pele tạo ra với bóng đá Mỹ được truyền qua nhiều thế hệ. Vào những năm 1970, khi chủ tịch CLB Cosmos Clive Toye tiếp cận Pele nhằm lôi kéo ông đến Mỹ chơi bóng, Pele đã đưa ra lời chào hàng vô cùng đơn giản với tài năng của ông. Đó là thi đấu, chiến thắng và giành nhiều danh hiệu. Tại Mỹ, bạn luôn có cơ hội chinh phục cả một quốc gia và trở thành một nhà truyền giáo bóng đá", The Athletic đánh giá.

Dấu ấn Pele để lại vô cùng sâu đậm. Dù giải vô địch quốc gia Mỹ (NASL, tiền thân của MLS) sau đó sụp đổ, nhưng những đứa trẻ đã dõi theo Pele trong 3 năm ông ở Mỹ đã trở thành thế hệ cầu thủ bóng đá vĩ đại đầu tiên của Mỹ. Họ là những người tiên phong giúp Mỹ dự World Cup 1990 và 4 năm sau đó tiếp tục có mặt tại World Cup 1994.

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 6.

Inter Miami

Tự sự sụp đổ của NASL, những người sau này sáng lập giải nhà nghề Mỹ MLS đã rút ra bài học cho riêng mình. Đó là lựa chọn con đường tài chính thận trọng và hợp lý hơn, nhờ vậy giúp MLS tồn tại bền bỉ đến hôm nay, với thời gian gấp đôi những gì NASL đã hiện diện trong lịch sử.

Đến năm 2023, MLS đã có 30 đội bóng. Sự tăng trưởng thần tốc của MLS phần lớn là nhờ công lao của David Beckham.

"Nhờ công Beckham, MLS được nhận diện trên toàn cầu nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử trước đó", ông Don Garber, ủy viên MLS chia sẻ hồi tháng 11.2007. "Beckham thúc đẩy mọi giải pháp kinh doanh. Nhờ Beckham, CLB Los Angeles Galaxy bán được hơn 300.000 áo đấu, nhiều gấp 700 lần sau với trước đó 1 năm. Doanh số bán hàng tăng gấp 2 hoặc 3 lần. Doanh thu truyền hình cũng tăng vọt, từ con số gần như bằng 0, cho đến sau đó tiếp cận để phân phối tại hơn 100 quốc gia".

AFP

Với Lionel Messi, MLS đang chờ đợi cú hích tăng trưởng tương tự, từ tầm ảnh hưởng, khả năng lan tỏa thương hiệu giải đấu, doanh thu bán hàng cho đến việc biến bóng đá Mỹ trở thành thỏi nam châm thu hút những danh thủ khác như Pele hay Beckham đã làm được. "Thật khó tưởng tượng sân bóng nào ở Mỹ lại có thể không chật kín khán giả khi cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử thi đấu. Điều đáng lo chỉ là nhiều sân đấu với sức chứa từ 18.000 đến 30.000 người tại đây không đủ lớn để tối đa hóa doanh thu trong những trận đấu mà Messi sải bước", The Athletic đánh giá. Nên nhớ, đã có tới 80.000 cổ động viên đã đến Mỹ xem Messi và Barcelona thi đấu ở mùa hè 2017.

Đã có một số đội bóng chờ đợi hiệu ứng Messi, khi cân nhắc tổ chức các trận đấu gặp Inter Miami ở những địa điểm lớn hơn, như ở các sân bóng bầu dục hoặc các trường đại học địa phương. Tất nhiên, đó là bài toán hóc búa, bởi không phải đội bóng nào cũng muốn từ bỏ lợi thế sân nhà để đổi lấy một khoản doanh thu. Tuy nhiên, giá trị của những trận đấu có Inter Miami đã bắt đầu tăng ngay cả khi Messi còn chưa đến.

Sức hút của Messi, đơn giản là không thể chối từ.

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 8.

AFP

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 9.

Theo Marca, PSG đã đạt doanh thu 700 triệu euro ngay trong năm đầu tiên Messi cập bến. Báo cáo phân tích của tờ El Economista (Argentina) cho biết từ khi có sự hiện diện của Messi, đã thu về thêm 10 hợp đồng tài trợ, mỗi hợp đồng trị giá từ 3 đến 8 triệu euro. Bản quyền hình ảnh, doanh thu trận đấu tăng vọt. Chiếc áo số 30 của Messi luôn "cháy hàng". Tháng 7.2021, tờ Diario Ole của Argentina tiết lộ chỉ Real Madrid là bán nhiều áo đấu hơn PSG từ khi Messi đến Pháp, với 60% số áo đấu của PSG được bán là của Messi.

Về mặt truyền thông, PSG cũng hưởng lợi rõ rệt. Đội bóng Pháp đạt 5,6 triệu người theo dõi ngay trong tuần sau khi công bố hợp đồng với Messi, sau đó có thêm 15 triệu người theo dõi mới trên các nền tảng truyền thông xã hội. Sau khi Messi rời đi, PSG đã mất 2 triệu người theo dõi trên Instagram. Đó mới là thiệt hại bước đầu của đội bóng Pháp khi không giữ chân cầu thủ người Argentina.

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 10.

Inter Miami

Inter Miami có thể chờ đợi "đòn bẩy" tương tự từ đôi chân của thiên tài, để vươn mình trở thành một trong những thương hiệu thể thao nổi tiếng nhất nước Mỹ. "Messi là cầu thủ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Dù Messi chuyển đến bất kỳ đội bóng MLS nào, về cơ bản cũng sẽ thay đổi kết cấu của giải đấu," AJ Swoboda, giám đốc điều hành khu vực châu Mỹ của công ty tư vấn thể thao Twenty First Group chia sẻ vào năm 2021.

Messi là giấc mộng phù hoa đã trở thành sự thật của những người làm bóng đá Mỹ. Siêu sao người Argentina không chỉ thay đổi đáng kể giá trị thương hiệu của Inter Miami và MLS, mà còn thúc đẩy lợi ích cá nhân của bản thân. World Cup 2026 được tổ chức ở Bắc Mỹ, đó là cơ hội để doanh nghiệp Mỹ đổ tiền vào bóng đá. Dự kiến, World Cup 2026 sẽ mang lại 14 tỷ USD cho FIFA, tăng gấp nhiều lần doanh thu 235 triệu USD mà World Cup 1994 (cũng tổ chức ở Mỹ) mang lại.

Bằng cách thiết lập sự hiện diện ở Mỹ, Messi sẽ trở thành tâm điểm của nhà tài trợ. Thậm chí, Messi có thể theo bước Beckham, sở hữu một đội bóng thi đấu tại MLS trong tương lai. Theo nguồn tin của The Athletic, lời đề nghị của MLS và Inter Miami dành cho Messi bao gồm tùy chọn mua cổ phần của một đội bóng Mỹ sau khi rời giải đấu hoặc giải nghệ với tư cách cầu thủ.

Với Lionel Messi, bóng đá Mỹ lại ôm giấc mộng phù hoa - Ảnh 11.

Inter Miami

Có lẽ Messi chính là mảnh ghép hoàn hảo cho MLS. Năm 2023 đang đánh dấu bước tiến lớn của bóng đá Mỹ với thỏa thuận phát sóng giải đấu trị giá 2,5 tỉ USD trong 10 năm vừa ký với Apple. Mọi trận đấu của MLS đều được phát trên MLS Season Pass, một dịch vụ phát trực tuyến có trong Apple TV+. Trước đây, bóng đá không phải "miếng bánh" có thị phần ấn tượng trong chạy đua trên nền tảng truyền hình ở Mỹ, nhưng MLS hứa hẹn sẽ chuyển mình nhờ Messi. Cựu cầu thủ Barcelona đủ khả năng thu hút thêm số lượng rất lớn người hâm mộ đăng ký theo dõi giải đấu, mở ra nguồn doanh thu tiềm năng và thúc đẩy hình ảnh MLS lan xa hơn.

Và quan trọng nhất, giá trị của Messi sẽ được thể hiện ở trên sân. CLB Inter Miami không có dàn cầu thủ chất lượng như PSG, Barcelona hay đội tuyển Argentina. Sau các lệnh trừng phạt do vi phạm các quy tắc và đánh giá về ngân sách của giải đấu, Inter Miami đã rơi xuống cuối bảng. HLV Phil Neville mới bị sa thải. Đội hiện được huấn luyện bởi ông Javi Morales. Dự kiến Inter Miami sẽ ký hợp đồng với Tata Martino, cựu HLV trưởng của Atlanta United. Nên nhớ, Martino chính là… thầy cũ của Messi. Dường như tuyển mộ Martino cũng chính là thương vụ để chiều lòng siêu sao người Argentina.

Inter Miami

Messi sẽ không lập tức biến Inter Miami trở thành thế lực trong làng bóng đá Mỹ. Lịch sử MLS chỉ ra rằng một cá nhân không thể lập tức giúp đội bóng chinh phục giải đấu tương tự như giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Bóng đá vốn phức tạp, đòi hỏi sức mạnh tập thể lớn hơn chất lượng cá nhân. Beckham là ví dụ điển hình. Dù đến Los Angeles Galaxy khi đội đang lên, lại sở hữu con át chủ bài Landon Donovan ở đỉnh cao phong độ, nhưng phải đến mùa thứ năm, Beckham mới vô địch MLS. Thierry Henry đã gia nhập một đội bóng rất mạnh như New York Red Bulls, để rồi thậm chí còn không lọt vào trận chung kết MLS Cup. Zlatan Ibrahimovic cũng ghi nhiều bàn thắng đẹp và "trắng tay". Toronto FC, một đội bóng MLS khác, cũng chiêu mộ hai ngôi sao Ý gồm Lorenzo Insigne và Federico Bernardeschi, nhưng kết thúc mùa giải với vị trí áp chót.

Tuy nhiên, Messi vẫn cứ là Messi. Thiên tài người Argentina có thể thay đổi bất cứ nơi đâu anh đặt chân tới. Và với sự hiện diện của một trong những cầu thủ vĩ đại nhất, MLS hãy chuẩn bị sẵn sàng cho một bước chuyển mình.

Hồng Nam
Duy Quang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.