Với cách ra đề tiếng Anh, học sinh giỏi không có động lực học trên lớp

Quý Hiên
Quý Hiên
01/07/2023 16:50 GMT+7

Một giáo viên tiếng Anh cho biết, với cách ra đề thi tiếng Anh hiện nay, học sinh giỏi không có động lực để cố gắng khi học bài ở trên lớp, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các em.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, môn tiếng Anh là một trong số ít môn vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận xã hội xung quanh nội dung đề thi. Ngoài việc đề thi có một câu được cho là có 2 đáp án, nhiều giáo viên còn chia sẻ nỗi niềm về cách ra đề thi tiếng Anh hiện nay đã khiến học sinh giỏi mất động lực học khi theo học chương trình tiếng Anh phổ thông.

Với cách ra đề tiếng Anh, học sinh giỏi không có động lực học trên lớp - Ảnh 1.

Cách ra đề thi tiếng Anh hiện nay đã khiến học sinh giỏi mất động lực học khi theo học chương trình tiếng Anh phổ thông

ĐÌNH HUY

Đề thi quá buồn chán!

Theo cô Lê Thị Thu Hương, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An), đề thi môn tiếng Anh năm nay cũng giống đề thi vài năm gần đây, về cơ bản là rất dễ, hỏi các vấn đề tương đối giống nhau, độ khó như nhau…

Học sinh có kiến thức cơ bản nhìn chung là dễ dàng đạt điểm 8 trở lên. Các nội dung hỏi là các vấn đề ngữ pháp cơ bản của chương trình THPT môn tiếng Anh (chương trình cũ): mạo từ, bị động, trực tiếp, gián tiếp…, có rất ít từ mới. Nói chung, đề thi rất "tạo điều kiện" cho thí sinh trung bình và kể cả yếu.

Nhưng với học sinh giỏi thì đề thi không cho các em cơ hội thể hiện. Thời gian làm bài của đề là 60 phút, nhưng với những em giỏi thì chỉ cần 15 - 20 phút là đã có thể làm xong bài.

Với cách ra đó, nếu chỉ là đề thi tốt nghiệp thì có thể là phù hợp. Nhưng nếu là đề để cho đối tượng cần điểm tiếng Anh xét tuyển đại học thì đây là đề thi quá buồn chán, gần như không có bất kỳ thách thức nào với đối tượng học sinh này. Kiến thức được kiểm tra trong đề vừa hẹp, vừa nông.

"Kiến thức tiếng Anh trong 3 năm THPT có nhiều vấn đề, nhưng kiểu ra đề hiện nay không bao quát được các vấn đề đó. Số lượng câu hỏi giới hạn, chia đều cho cả từ vựng, cả ngữ pháp (thêm mấy câu cho bài đọc nữa), nên người ra đề dẫu có muốn hỏi về các vấn đề hay thì cũng không đủ chỗ.

Giám khảo cũng không thể hỏi sâu hơn do còn phải cân đối nội dung hỏi phù hợp với học sinh các vùng miền. Đã vậy, nhiều câu hỏi vốn đã dễ mà đáp án còn "lộ thiên", tức là phương án sai - đúng hiển nhiên quá", cô Hương nhận xét.

Học sinh giỏi vẫn có thể bị "tuột" mất điểm 10

Cũng theo cô Hương, một mặt đề rất dễ, hầu như không có thách thức nào với học sinh giỏi, nhưng oái oăm thay, các em đạt được điểm 10 không dễ, bởi phụ thuộc vào yếu tố "may mắn".

Như trên đã nói, nội dung đề nhìn chung là loanh quanh ở một số kiến thức ngữ pháp rất cơ bản, được hỏi ở mức độ dễ, nhưng lại có một số câu hỏi nhằm phân hóa thí sinh lại khó theo kiểu "đánh đố". Các câu phân loại này chủ yếu rơi vào các câu hỏi sử dụng ngữ liệu là các thành ngữ, không có trong sách giáo khoa, không nằm trong kiến thức cơ bản của chương trình tiếng Anh (nhưng học sinh đã được biết trước đề sẽ có những câu kiểu này vì đề minh họa đã giới thiệu - PV).

Khi đặt ra những câu hỏi này, người ra đề muốn kiểm tra vốn kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ Anh của người học. Để làm được, các em phải đọc nhiều, phải am hiểu văn hóa Anh thể hiện qua việc nắm bắt được một số thành ngữ. Nhưng kho tàng văn hóa ngôn ngữ Anh cũng như kho tàng văn hóa ngôn ngữ Việt, số lượng thành ngữ rất nhiều, học bao nhiêu cũng là chưa đủ.

Nếu khi đi thi, gặp phải một câu đố điền từ trong một thành ngữ, em nào may mắn đã từng gặp thành ngữ đó rồi thì sẽ làm được; nếu chưa thì chỉ còn cách… đoán mò. Cho nên, có những em rất giỏi cũng không làm được những câu này, trong khi em không giỏi bằng nếu ăn may thì làm được.

Cô Hương nêu ví dụ, câu 11 mã đề 407; trong câu này, đề thi đưa ra một thành ngữ, "buy a pig in…" ("mua lợn trong…"), thiếu một từ, kèm theo 4 phương án, trong đó có một phương án đúng. Em nào đã từng được biết câu thành ngữ này thì chọn được ngay, em nào chưa từng biết thì đoán theo một số quy luật dùng thành ngữ trong tiếng Anh (ví dụ phía trước dùng âm nào thì phía sau dùng âm đó).

Theo mẹo đoán thành ngữ tiếng Anh, từ trước là "pig…" thì từ thiếu thường là một từ có âm p. Nhưng trong 4 phương án của câu hỏi có tới 2 phương án có âm p, là (in a) poke, và (in a) pack, cho nên nếu đã phải đoán thì hên xui 50 - 50.

"Là một nhà sư phạm, tôi không thấy đây là một cách hỏi tốt để đánh giá học sinh ở mức giỏi. Có thể có 2 em đam mê ngôn ngữ và văn hóa Anh như nhau, cùng đọc nhiều. Một em đọc cuốn A, một em đọc cuốn B. Mà thành ngữ đó được bắt gặp trong cuốn B, thì lợi thế thuộc về em đọc cuốn B. Tất nhiên, em đã đọc cuốn B xứng đáng được điểm 10, nhưng cũng không thể nói em A không xứng đáng điểm 10", cô Hương bình luận.

Với những nội dung đã phân tích ở trên, cô Hương khẳng định không một giáo viên dạy tiếng Anh nào có thể cho rằng kiểu ra đề thi tiếng Anh như nhiều năm nay là kiểu ra đề thi hay, hữu ích, tác động tích cực trở lại việc dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông.

"Kiểu ra đề đó triệt tiêu động lực học trên lớp môn tiếng Anh của những học sinh giỏi. Cho nên, từ mấy năm nay, giáo viên tiếng Anh ở các trường khu vực thành phố kêu trời vì không biết dạy thế nào cho hay, cho thu hút được học sinh", cô Hương chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.