Võ Văn Kiệt - Người tiên phong: Tiên phong trong ‘phá vây’

15/11/2022 12:39 GMT+7

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là 'người đi tiên phong' trong hoạch định đường lối Đổi mới, để lại 'di sản' đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây, cấm vận.

Thực hiện Nghị quyết 13, ông Võ Văn Kiệt nêu nhiều sáng kiến táo bạo để phá vây.

Sự nghiệp Đổi mới của đất nước mở đầu bằng Đại hội VI lịch sử của Đảng (tháng 12.1986). Đổi mới về đối ngoại chưa nhiều, mới chỉ nhấn mạnh kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, giữ vững hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới. Nghị quyết 13 ngày 20.5.1988 của Bộ Chính trị là bước ngoặt cơ bản trong chính sách đối ngoại thời kỳ Đổi mới.

“Nếu rụt rè bỏ lỡ cơ hội này sẽ là thảm họa cho đất nước”

Từ đánh giá tình hình quốc tế, chiến lược của các nước lớn, vị trí của ta trên trường quốc tế, Nghị quyết 13 ngày 20.5.1988 của Bộ Chính trị khẳng định cần có quan điểm mới về an ninh và phát triển, ưu tiên tập trung cho sự nghiệp giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế. Võ Văn Kiệt là “người đi tiên phong” trong hoạch định đường lối Đổi mới, để lại “di sản” đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây, cấm vận. Thực Nghị quyết 13, ông Võ Văn Kiệt nêu nhiều sáng kiến táo bạo để phá vây.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến thăm Liên minh Châu Âu, khi còn đương nhiệm

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Triển khai, chiến lược “Hoa sen nở”, ngay khi Hội nghị quốc tế về Campuchia vừa kết thúc (10.1991), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm chính thức Indonesia, Thái Lan và Singapore (10.1991). Rồi cùng Tổng bí thư Đỗ Mười đi thăm chính thức Trung Quốc (11.1991), đánh dấu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Tiếp đó, Thủ tướng đi thăm các nước ASEAN khác là Malaysia, Philippines và Brunei. Kết quả, các nước ASEAN, vốn đã từng chống Việt Nam trong vấn đề Campuchia, nay đã thay đổi hẳn thái độ. Thủ tướng Malaysia Mohathia còn gợi ý Việt Nam nên gia nhập ASEAN.

Về việc gia nhập ASEAN trong nội bộ ta có ý kiến khác nhau, song Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết tâm tháo gỡ các cản trở cho bằng được, và khẳng định: “Nếu rụt rè bỏ lỡ cơ hội này sẽ là thảm họa cho đất nước”. Và ngày 28.7.1995, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên ASEAN.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các vị lãnh đạo ASEAN

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Ngày 11.7.1995, Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là người táo bạo thúc đẩy bình thường hóa quan hệ khi nội bộ cũng có ý kiến không thuận.

Với Nhật Bản, cùng với việc giải quyết vấn đề Campuchia, quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa. Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu tiên đi thăm chính thức Nhật Bản, Úc. Rồi Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu (28.11.1990) và Hiệp định khung giữa hai bên đã được ký kết (17.7.1995).

Trong nhiệm kỳ Thủ tướng từ 1992 - 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm chính thức 34 nước và Liên minh châu Âu, và đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam. Việt Nam đã phá vây thành công và bước đầu hội nhập với thế giới, công lao lớn thuộc về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Trong thời kỳ bị bao vây cấm vận vô cùng khó khăn, đồng chí Võ Văn Kiệt là người đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện, mở ra quan hệ ngoại giao rộng lớn của Việt Nam với các nước trên thế giới”.

Nguyễn Mạnh Cầm
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhận xét: “Phải là chính khách dũng cảm, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, đồng chí Võ Văn Kiệt mới có những chỉ đạo táo bạo... làm tan băng quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước công nghiệp phát triển khác vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước”.

Ngày 25.6.1993, tại Điện Élysée ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Pháp từ 23 – 28.6.1993

TTXVN

Tư duy đổi mới, táo bạo

Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thể nói là nhà ngoại giao cấp cao. Trong công tác ngoại giao sôi động thời kỳ đầu Đổi mới, để lại nhiều dấu ấn đặc biệt ấn tượng về phong cách ngoại giao. Phong cách ngoại giao Võ Văn Kiệt có những nét đặc trưng sau đây:

Một là, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là con người có tư duy đổi mới và tư duy tầm chiến lược, táo bạo.

Ông rất sắc sảo đưa ra những nhận định mới về thế giới: “Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính đa dạng, đa cực đang trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động các mối quan hệ giữa mọi quốc gia. Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và lợi ích toàn cầu khác đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc xử lý các mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới trên thế giới”.

Liên Xô tan rã và chế độ XHCN Đông Âu sụp đổ, bằng cảm quan chính trị nhạy bén, Võ Văn Kiệt sớm nhận ra rằng thời thế đã thay đổi và nhận xét: "Thế giới ngày nay cần phải được hiểu theo cách mới, mọi suy nghĩ, ứng xử không thể nhất nhất như xưa, ta phải biết tự tìm ra con đường đi cho đất nước mình. Muốn thoát khỏi tình thế nguy nan, Việt Nam phải có tư duy chính trị mới, phải biết tạo dựng những mối quan hệ mới, tìm ra những đối tác mới nếu không muốn bị chìm nghỉm trong một thế giới đang cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển, đưa đời sống kinh tế đất nước đi dần vào thế ổn định”.

Theo nguyên Phó thủ tướng phụ trách đối ngoại Vũ Khoan, chính “tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược của đồng chí - Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã góp phần đóng góp với Đảng và Nhà nước thực hiện những chủ trương mang tính bước ngoặt trong đường lối đối ngoại”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Hai là, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người “quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Cũng như trong công tác đối nội, ông là người có phong cách rất mạnh dạn, quyết liệt trong việc đóng góp và trực tiếp tích cực thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng làm tan băng, mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là đột phá quan hệ với các nước Đông Nam Á và Tổ chức ASEAN, quan hệ với Hoa Kỳ.

Ông cũng là người đề xuất và dám triển khai các đại dự án có nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ về phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Ba là, phong cách nhạy bén, chủ động, năng động, luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo, nhiều sáng kiến, miệng nói, tay làm. Tổng bí thư Đỗ Mười lúc sinh thời từng nhận xét: “Anh Võ Văn Kiệt là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói, tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi chỉ đạo điều hành hoặc xử lý công việc về đối nội và đối ngoại, anh thể hiện nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động, triệt để”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đón Thủ tướng Canada Jean Chrétien tại Hà Nội (16.11.1994)

TTXVN

Nhiều di sản quý cho các thế hệ ngoại giao

Bốn là, phong cách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là chân thành, cởi mở, bộc trực, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề. Trong gặp gỡ với Thủ tướng Singapore, ông bàn thẳng vấn đề xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu của Singapore ở Bình Dương.

Với Thủ tướng Malaysia Mahathia, ông nêu vấn đề xây dựng khu chế xuất của Malaysia. Khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Murdani, ông trao đổi về vấn đề phân định thềm lục địa giữa hai nước. Trong tiếp xúc với Thủ tướng Thái Lan Anand, ông đề nghị Thái Lan xem xét điều chỉnh chính sách hà khắc đối với Việt kiều. Khi gặp Thủ tướng Úc Keating ông bàn vấn đề xây cầu Mỹ Thuận… Các vấn đề ông quan tâm đều được nghiên cứu, giải quyết không bị lãng quên.

Năm là, luôn lắng nghe, đặc biệt là ý kiến của giới trí thức, chuyên gia cũng là phong cách làm việc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông trân trọng các ý kiến đóng góp xây dựng và phát triển đất nước của tất cả mọi người. Xung quanh ông có các chuyên gia không chỉ được đào tạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa mà có cả các trí thức, chuyên gia của chế độ Sài Gòn. Đó là phong cách làm việc dân chủ và khoa học.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong dự Lễ động thổ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại tỉnh Sông Bé (nay thuộc Bình Dương), sáng 14.5.1996

TTXVN

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi vì dân, vì nước, cống hiến của ông thật to lớn. Đánh giá công lao của ông, trong lời điếu văn do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại lễ truy điệu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ông mất ngày 11.6.2008), khẳng định: “Với tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những công trình lớn ở khắp mọi miền đất nước”.

Mặc dù hoạt động ngoại giao không nhiều, song ông có những đóng góp nổi bật, góp phần phá bao vây, cấm vận, đưa nước ta hội nhập với thế giới và khu vực trong thời điểm bước ngoặt. Phong cách ngoại giao Võ Văn Kiệt rất gần với phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Có thể nói, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là học trò đặc biệt xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã để lại không ít di sản quý cho các thế hệ ngoại giao Việt Nam, nhất là tầm nhìn chiến lược, phong cách ngoại giao linh hoạt, quyết đoán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.