Võ Văn Kiệt - Người tiên phong: Khai mở vựa lúa

Đình Tuyển
Đình Tuyển
18/11/2022 06:29 GMT+7

Sau năm 1975 - đất nước thống nhất, thử thách lớn nhất của các tỉnh miền Tây là làm sao giúp nông dân khôi phục ruộng đồng và sản xuất, bởi đất đai đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá nặng nề. Đây cũng là điều mà ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ đặc biệt trăn trở 'phải hành động ngay vì cái thiếu ăn sẽ tới'.

Trong ký ức của GS-TS Võ Tòng Xuân, những lần gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau năm 1975 không chỉ mang ý nghĩa thôi thúc, động viên hành động, “mà đó còn là khởi đầu của một thời lăn xả ra đồng cùng nông dân sản xuất, tạo ra những kỳ tích nông nghiệp đầu tiên cho vựa lúa miền Tây”.

“Cứ nói cho tôi nghe”

Đầu năm 1976, ông Võ Văn Kiệt đang là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, về Cần Thơ thăm bạn chí cốt là ông Phạm Sơn Khai (Bảy Khai, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ).

Nghe bạn thân giới thiệu GS-TS Võ Tòng Xuân từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (Los Banos, Philippines) trở về miền Tây được mấy năm, đang ngồi chung với nhau, ông Sáu Dân rất phấn khởi. Ông Sáu Dân khi đó nói với GS-TS Võ Tòng Xuân: “Chú coi ráng tập trung lo ngay vấn đề cây lúa bởi vì nó rất quan trọng. Sau chiến tranh, cái thiếu ăn sẽ tới”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngồi) cùng các chuyên gia, trong đó có GS-TS Võ Tòng Xuân (bìa trái)

V.T.X

Lúc ấy, tâm trí của chuyên gia nông nghiệp 36 tuổi Võ Tòng Xuân, Trưởng bộ môn trồng trọt, Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ, cũng đầy hoài bão thay đổi nông nghiệp nước nhà. “Khi đó tôi nói: Thưa chú Sáu, bây giờ cái khó nhất là đồng ruộng bị bom đạn phá nát, nông dân bỏ hoang. Những hộ đang sản xuất thì vẫn chỉ trồng lúa mùa, 1 năm chỉ có 1 vụ, năng suất rất thấp. Ông Sáu Dân hỏi lại: Vậy những cái gì cần phải làm trong lúc này? Cứ nói cho tôi nghe. Giờ chúng ta phải hợp tác với nhau… Suy nghĩ một hồi, tôi nói: Bên Viện Nghiên cứu lúa quốc tế hiện người ta nắm hết các giống mới, năng suất rất cao. Tôi có thể nhờ họ hỗ trợ được. Giờ mình phải làm sao giúp nông dân quay lại với ruộng đồng rồi giúp họ nâng cao năng suất lúa lên. Có như vậy lương thực mới đảm bảo”, GS-TS Võ Tòng Xuân nhớ lại.

Sau gợi mở của ông Sáu Dân, ông Bảy Khai cũng hậu thuẫn tối đa cho GS-TS Võ Tòng Xuân đẩy mạnh việc phổ biến giống lúa cao sản, hỗ trợ nông dân miền Tây. Ban đầu là giao cho những sinh viên mà gia đình có ruộng khuyến khích họ hàng, người thân đi đầu trong việc trồng lúa cao sản như IR30, cho năng suất gấp 2 - 3 lần lúa mùa truyền thống.

Không có người lãnh đạo có tư duy sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và đổi mới như ông Kiệt thì khó lòng có một vựa lúa phát triển, đất nước đi lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như bây giờ.

GS-TS Võ Tòng Xuân

Đến năm 1977, GS-TS Võ Tòng Xuân mạnh dạn bàn với lãnh đạo Đài PT-TH TP.HCM và Đài PT-TH Hậu Giang tổ chức sản xuất chương trình phát hằng tuần về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp nhằm giúp người dân tiếp cận chuyển đổi giống lúa mới rộng rãi hơn.

“Lúc đầu, nhà đài còn băn khoăn, nhưng nghe tôi trình bày đây là ý tưởng của ông Võ Văn Kiệt thì ai cũng ủng hộ”, GS-TS Võ Tòng Xuân kể và nhớ lại: “Năm đó, nhà đài xin ý kiến ngoài T.Ư suốt 2 tháng không có câu trả lời. Mãi sau chờ không được, một mặt sốt ruột quá, một mặt thì nghĩ mình làm việc tốt cho dân, cho nước thì sợ cái gì. Vậy là, chúng tôi xé rào làm luôn”.

Chương trình với những kiến thức về giống lúa mới được chuyển hóa thành lời ăn tiếng nói hằng ngày khiến nông dân miền Tây mê mẩn. Thành quả là giống cao sản nhanh chóng phủ khắp đồng bằng. Cuối vụ, nhà nông phấn khởi thu hoạch năng suất gấp 2 - 3 lần lúa mùa. “Sau đợt đó, ông Sáu Dân về trường, ổng khen: Cái chương trình của chú, tôi đi mấy tỉnh rồi, cán bộ họ nói coi Võ Tòng Xuân còn mê hơn cải lương nữa”, GS-TS Võ Tòng Xuân kể.

Thà bị kỷ luật, không để dân đói

Cuối năm 1977, nông nghiệp ĐBSCL đang đi lên thì một “cơn ác mộng” xuất hiện mang tên rầy nâu. Nhớ lại giai đoạn đó, ông Lư Văn Điền (tên thường gọi Tám Thanh), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, kể: “Tỉnh Hậu Giang cũ (gồm Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng - PV) khi ấy rất quan trọng với hơn 600.000 ha lúa, được gọi là “anh cả đỏ” về lương thực. Vậy nên, khi rầy nâu tấn công Hậu Giang, an ninh lương thực cả nước cũng bị đe dọa, đặc biệt là TP.HCM”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham quan mô hình máy tuốt lúa tại Trường ĐH Cần Thơ, năm 1976

TƯ LIỆU

Thời điểm năm 1977, ở TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt đang làm Bí thư Thành ủy, như ngồi trên lửa vì nguy cơ thiếu lương thực cho thành phố đang hiển hiện. Ông liên tục lui tới Hậu Giang để hỗ trợ gỡ khó, thúc đẩy sản xuất lúa…

Đến giữa năm 1978, sau khi GS-TS Võ Tòng Xuân nhân giống được 2 tấn lúa giống IR36 kháng rầy, Trường ĐH Cần Thơ đã làm một việc chưa từng có là “đóng cửa trường” 2 tháng để sinh viên ra đồng cùng nông dân sản xuất lúa giống. Hành trang của sinh viên là 3 bài học được GS Xuân dạy: gieo mạ, làm mạ thật tốt; làm đất, bón phân; cuối cùng là cấy thật tiết kiệm một tép, một bụi.

Đến năm 1979, lúa IR36 đầy đồng, rầy nâu sạch bóng thì chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, tổ chức tập đoàn sản xuất được siết chặt… GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn chưa quên: “Lúc đó ruộng đất người dân xáo trộn, nông dân họ phiền ghê lắm. Vào sản xuất tập thể, cuối vụ trừ công cán lao động, lúa còn dư bao nhiêu lại bán cho xã với giá rẻ mạt. Nông dân chẳng còn gì. Nhiều người nản chí vào tập đoàn đối phó nhưng không ra đồng. Sản xuất nông nghiệp khựng lại”.

Ông Tám Thanh thì kể, khi hợp tác hóa nông nghiệp bộc lộ nhiều mặt trái thì tình trạng thiếu lương thực bắt đầu “bủa vây” TP.HCM bởi sự cứng nhắc của cơ chế. Cơ chế lúc bấy giờ là nông dân vào tập đoàn sản xuất lúa ra chỉ được bán cho xã. Ở TP.HCM thì lại không thể tự chủ được lương thực...

“Thấy người dân đói tới nơi rồi nên ông Võ Văn Kiệt mới triệu tập cuộc họp rồi đưa ra giải pháp là thành phố xuất tiền cho cá nhân bà Nguyễn Thị Ráo (bà Ba Thi), lúc đó là cán bộ lo mảng lương thực của TP.HCM, xuống các tỉnh mua thu gom gạo của người dân với giá thỏa thuận. Thực chất là mua chui của người dân”, ông Tám Thanh kể và nói: “Việc làm đó của ông Sáu Dân chẳng theo nguyên tắc nào cả, nhưng có cơ sở là vì người dân. Nếu ông Sáu Dân không mạnh dạn “xé rào” thì chẳng ai cứu được dân TP.HCM khỏi cảnh thiếu ăn. Vụ đó, tôi nghe nói ổng bị phê bình dữ lắm. Nhưng ổng bảo, thà bị kỷ luật chứ không để dân đói”.

Chia sẻ thêm về dấu ấn với miền Tây những năm đổi mới khi ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt giữ các cương vị lãnh đạo ở T.Ư, GS-TS Võ Tòng Xuân tâm đắc: “Không có người lãnh đạo có tư duy sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và đổi mới như ông Kiệt thì khó lòng có một vựa lúa phát triển, đất nước đi lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như bây giờ”.

(còn tiếp)

“Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng vượt qua mọi khó khăn, vượt qua mọi gian nan trở ngại để hoàn thành bằng được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chính ý chí và hành động cách mạng của anh có sức lôi cuốn, chinh phục lòng người, đoàn kết, động viên được một lực lượng chiến đấu, lao động quên mình trong sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc”.

Trích từ bài Anh Võ Văn Kiệt - Con người của ý chí và hành động (năm 2012) của cố Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Võ Văn Kiệt - Người tiên phong

Lãnh đạo đất nước cải cách và hội nhập

‘Khai sinh’ nhà máy lọc dầu Dung Quất

'Hoa sen nở' mở cánh cửa ra thế giới

Tiên phong trong ‘phá vây’

Nhân tâm thu về một mối

Phá thế cô lập lo miếng ăn cho dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.