Võ sĩ boxing xinh đẹp Lê Thị Bằng: Từ tay trắng trở thành giám đốc

23/07/2022 08:18 GMT+7

Từng phải giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nhưng với niềm đam mê mãnh liệt với boxing, Lê Thị Bằng lựa chọn tiếp tục gắn bó sàn đấu trên cương vị mới, đó là trở thành HLV và cũng là Giám đốc Trung tâm thể thao B2B.

Chia sẻ về hành trình đến với môn thể thao này, võ sĩ Lê Thị Bằng cho biết tất cả đều gói gọn trong một chữ “duyên”. Cô kể: “Năm 2007, trong một lần đi thi năng khiếu vào tuyển bóng chuyền, nhưng do bản thân thuận tay trái và bị ngược so với mọi người nên đã không được nhận. Bất ngờ HLV bên võ xin xem hồ sơ của tôi, nhận thấy các chỉ số về mọi thứ đều đạt chuẩn nên tôi rút hồ sơ về bên võ”.

Lê Thị Bằng hướng dẫn võ sinh

Minh Tân

Chỉ một năm sau khi gia nhập đội tuyển của tỉnh Hưng Yên, Lê Thị Bằng đã được gọi vào tuyển trẻ quốc gia, từ đó nhiều cơ hội mở ra cho cô. Đến năm 2012 cô chính thức gia nhập Quân đội và được đi thi đấu quốc tế nhiều hơn, đánh dấu cột mốc bước vào con đường thi đấu boxing chuyên nghiệp. Đỉnh cao sự nghiệp của tay đấm này phải kể đến tấm HCĐ ASIAD 2014 mà cô đoạt được tại Hàn Quốc và HCV SEA Games một năm sau đó.

Để có được những thành công ấy, Lê Thị Bằng đã phải nỗ lực rất nhiều, cô luôn cố gắng phấn đấu, nỗ lực trong tập luyện, vượt qua nhiều khó khăn để theo đuổi niềm đam mê của mình. “Tôi đi tập cách nhà 20 km và bằng xe buýt. Sau này khi tập được khoảng 2 - 3 tháng gì đó tôi bắt đầu tích cóp tiền. Một tháng được 150.000 - 180.000 đồng thì tôi tích góp lại gửi cho bố mẹ, sau đó được mua cho chiếc xe đạp cũ rồi cứ thế đạp đi đạp về. Từ nhỏ đến lớn thấy ba mẹ mình làm ruộng lúc nào cũng trong tình trạng thiếu thốn nên tôi nhận thức được mình phải tiết kiệm để đem tiền về phụ ba mẹ. Kể từ đó, tôi quyết tâm hơn trên con đường thể thao”, nữ võ sĩ xinh đẹp kể lại.

Nhưng khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì chấn thương bất ngờ ập đến trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 28 tại Singapore. Chấn thương mà nữ võ sĩ gặp phải đó là mòn sụn ở đầu gối phải và thoát vị đĩa đệm ở lưng. Lúc đó, bản thân Lê Thị Bằng phải nhịn đau để thi đấu, vừa tập luyện vừa chữa trị chấn thương bằng tiền túi của mình. Do tình hình chấn thương ngày một nặng và không còn đủ tiền chữa trị nên cô đã quyết định dừng lại.

Chia sẻ về quyết định này, nữ võ sĩ cho biết: “Quyết định giải nghệ lúc ấy tôi cảm thấy tiếc nuối vì bản thân vẫn còn đam mê với nghề, nhưng khi suy nghĩ lại nếu cứ chấn thương liên tục như thế thì mình cũng không thể trở lại như trước được, tôi rút về làm CLB boxing cho đến giờ”.

5 năm sau quyết định giải nghệ ấy, Lê Thị Bằng đã quyết định cùng một số người bạn mở một trung tâm thể thao, vừa làm giám đốc vừa là HLV chính cho phòng tập boxing ở Q.10, TP.HCM. Ngoài ra, cô còn theo học Khoa Quản lý tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, để có thể trau dồi bản thân cũng như phục vụ cho định hướng tương lai của mình. Tuy sự nghiệp VĐV không được trọn vẹn, nhưng Lê Thị Bằng vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề, từ đó giúp phát triển bộ môn boxing cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.