Vỡ mộng vì làm... homestay

03/07/2023 08:00 GMT+7

Kinh doanh homestay (hình thức lưu trú nhà dân) đã và đang là xu hướng được nhiều người trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, không ít người đã phải vỡ mộng vì đời không như mơ.

Homestay có thiên nhiên, có yên bình, nhưng không có... khách

Bắt đầu chưa được bao lâu, homestay của Phạm Thúy Lan (28 tuổi) đã "gồng" không nổi. Đi làm 5 năm, tiết kiệm được 200 triệu đồng, vay mượn thêm từ bạn bè, người thân và ngân hàng, Lan rời Hà Nội về Đà Nẵng mở homestay cạnh biển Phạm Văn Đồng (P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà).

Tới tháng thứ 6 mở homestay, doanh thu của Lan trung bình chỉ 50 triệu đồng/tháng, không có lợi nhuận. Giấc mơ về một cuộc sống tự do tài chính ngày càng xa vời.

Mỗi sáng, một mình Lan lủi thủi chăm sóc cho khu vườn, nấu ăn cho khách. Không có tiền, Lan chẳng dám thuê nhân sự, tự làm mọi việc từ dọn phòng, tiếp khách, hướng dẫn khách vui chơi.

Vỡ mộng vì làm... homestay  - Ảnh 1.

Homestay của chị Xới

NVCC

"Đã được 2 tháng mùa hè rồi, lại đang dịp bắn pháo hoa nhưng lượng khách mỗi ngày khoảng 5 lượt là không ổn. Cũng đã đến lúc phải chọn con đường khác và chấp nhận sự thất bại của mình", Lan tâm sự.

Nguyễn Thị Tiền Thảo (29 tuổi, ngụ tại TP.HCM), người có 5 năm kinh nghiệm làm homestay và gần 10 năm trong ngành ăn uống và khách sạn, cũng đã từng trải qua giai đoạn như Lan.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học được 3 năm, làm ngành sự kiện áp lực, Thảo quyết định nghỉ việc, tự kinh doanh. Thảo vay mượn người thân, vay ngân hàng đầu tư khoảng 400 triệu đồng để làm homestay, vừa có không gian nghỉ ngơi, vừa tự làm chủ, tự kiếm ra tiền.

Khi bắt đầu, Thảo làm homestay 7 phòng theo phong cách sang trọng, gần phố đi bộ Bùi Viện, có thể đi bộ được đến nhiều điểm vui chơi. Không như lời nhiều người thổi phồng doanh thu tháng có thể lên đến 200 - 300 triệu đồng. Mặt bằng Q.1, TP.HCM khi ấy giá cao, Thảo chỉ kiếm đủ tiền sống qua bữa, và thế là nhanh chóng đi vào… ngõ cụt.

Không có ai để học hỏi, Thảo tự tìm cách để thay đổi, tăng doanh thu. Thay vì đi theo hướng phòng ở sang trọng, Thảo trang trí phù hợp với diện tích phòng nhỏ, gần gũi với thiên nhiên, sạch sẽ, dễ thương. Xác định khách hàng của mình là người trẻ từ 18 - 30 tuổi, người nước ngoài, yêu sự yên bình.

"Mang tiếng" làm chủ, nhưng một mình Thảo làm hết việc trong homestay, từ dẫn tour, dọn phòng, sửa ống nước... Cô bắt buộc phải theo đuổi ước mơ này, chăm sóc cho homestay của mình, không có lựa chọn nào khác.

Những lưu ý cho người mới làm homestay

Sau thời gian tưởng chừng đi vào ngõ cụt và không có lối thoát, may mắn, sau 6 tháng mọi thứ đã dần khởi sắc và hoạt động kinh doanh homestay đã đi vào quỹ đạo như những gì Thảo đã vạch ra trước đó.

Từ kinh nghiệm của mình, Thảo cho rằng người mới bắt đầu phải tìm hiểu về tất cả các loại hợp đồng liên quan, các điều khoản vận hành doanh nghiệp, đăng ký giấy tờ hợp pháp để tránh rủi ro. Trong kinh doanh, phải có bản dự trù chi phí bao gồm những chỉ số, tính toán doanh thu, lợi nhuận rõ ràng. Ngay từ trước khi thuê nhà phải tính được bao lâu hoàn vốn.

Theo Thảo, không phải thấy khách đi du lịch nhiều là mở, làm homestay phải có kiến thức tổng quan về văn hóa, thời tiết, đối tượng khách, hiểu rõ tiềm năng du lịch địa phương, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội…

Chị Hoàng Thị Xới (31 tuổi), người dân tộc Tày, có kinh nghiệm gần 10 năm trong lĩnh vực du lịch và thành công với mô hình Xới Farmstay tại xã Lâm Thượng, H.Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là mô hình lưu trú kết hợp với nông trại đã khá quen thuộc trong những năm gần đây.

"Một tháng đầu, mình chỉ đón được một khách. Mình nỗ lực nhờ bạn bè, mạng xã hội, các công ty du lịch, rồi làm website giới thiệu, quảng bá. Dần dần nhiều người biết đến địa phương chị sinh sống và homestay của chị. Có người trở lại và mang theo cả bạn bè, gia đình", chị Xới nhớ lại.

Vỡ mộng vì làm... homestay - Ảnh 2.

Nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp với homestay

HUỲNH NHI

Giai đoạn đầu chị Xới tập trung quảng bá cho khách nước ngoài thích phiêu lưu, trải nghiệm, hòa vào cuộc sống của người bản địa, dần dần mới giới thiệu cho khách Việt. Du khách đến đây có thể đạp xe tận hưởng không khí trong lành, ngắm cảnh đồng lúa, các bản làng của người Tày, tắm suối, làm nông, mặc trang phục dân tộc, thưởng thức đặc sản cá bỗng, vịt bầu…

Chị Xới cho biết hiện nay có nhiều bạn trẻ đi thuê nhà để làm homestay, không có khách phải kiếm việc khác để "nuôi" lại nơi lưu trú. Như vậy rất áp lực về chi phí mặt bằng, nhân sự.

"Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc người trẻ chưa xác định homestay này dành cho ai, sẽ đón khách quốc tế hay nội địa, khách từ vùng nào, họ thích trải nghiệm gì. Khách chỉ tò mò đến, sau đó không trở lại vì không phù hợp", chị Xới nhìn nhận.

Bên cạnh đó, chị Xới cho rằng không phải nơi nào ở VN cũng có thể làm homestay. Khi quá tách biệt với các điểm đến nổi tiếng thì chính bản thân homestay đó phải rất đặc biệt để kéo khách tới, dịch vụ thật độc đáo, đi kèm với các điều kiện khác như giao thông thuận lợi, truyền thông mạnh mẽ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.