“Võ lâm trưởng lão” Lương Vũ Sinh

03/06/2009 10:20 GMT+7

(TNTT>) Được coi là người khai sáng kỷ nguyên mới trong lịch sử tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, tỵ tổ của tiểu thuyết võ hiệp tân phái, nhà văn Lương Vũ Sinh đã dành trọn 30 năm sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp

Nhà văn kiếm hiệp chân chính

Lương Vũ Sinh tên thật là Trần Văn Thống (sinh năm 1924, mất năm 2009 tại Sydney, thọ 85 tuổi), vốn người dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, sinh trưởng trong một thư hương môn đệ tại Mãnh Sơn, Quảng Tây. Từ nhỏ, ông đã mê làm thơ đọc sách, được hưởng một nền giáo dục truyền thống kỹ lưỡng. Mới 8 tuổi, ông đã thuộc lòng 300 bài thơ Đường.

Năm 1945, ông học thêm lịch sử và văn học từ một số học giả lánh nạn tới Mãnh Sơn, đặc biệt là chuyên gia sử học Thái Bình Thiên Quốc Giản Hựu Văn. Sau khi kháng chiến chống Nhật thành công, Lương Vũ Sinh theo học chuyên ngành kinh tế quốc tế tại ĐH Lãnh Nam, Quảng Tây nhưng khi tốt nghiệp đại học, ông lại làm biên tập tại một tờ tạp chí, quay trở lại với các con chữ.

Kim Dung viết về cái ác, người xấu thành công hơn viết về người tốt. Nhân vật tà nào dưới ngòi bút của ông đều rất xuất sắc. Còn tôi lại trái ngược, viết kẻ xấu thế nào đi nữa cũng không hay bằng Kim Dung _Lương Vũ Sinh

Lương Vũ Sinh mê tiểu thuyết kiếm hiệp từ nhỏ, thậm chí mê mẩn tới mức quên ăn quên ngủ. Sau này khi đã trưởng thành, bước ra xã hội làm việc, ông vẫn thích thể loại này tới mức đọc thuộc hết các tác phẩm và quyết định thử sức sáng tác. Với tác phẩm đầu tay Long hổ đấu kinh hoa (20-1-1954) đăng liên tục trên Tân văn báo Hồng Kông, trước Thư kiếm ân cừu lục của Kim Dung một năm, Lương Vũ Sinh được coi là khai sơn tổ sư của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Trong các nhà văn kiếm hiệp, Lương Vũ Sinh ngưỡng mộ nhất nhà văn Bạch Vũ. Thậm chí bút danh Lương Vũ Sinh nghe nói cũng từ “Lương Tuệ Như” và “Bạch Vũ” biến đổi mà thành.

So với Kim Dung, thời gian sáng tác của Lương Vũ Sinh dài gấp đôi, số lượng tác phẩm cũng gấp đôi, gồm 35 bộ trường thiên tiểu thuyết gồm 160 cuốn. Không giống Kim Dung ôm đồm nhiều việc: biên kịch, đạo diễn điện ảnh, làm báo, viết chính luận, hoạt động chính trị…, Lương Vũ Sinh chỉ tập trung sáng tác văn chương kiếm hiệp và được đánh giá là một nhà văn chân chính, luôn ra sức bảo vệ vị trí của tiểu thuyết võ hiệp trên văn đàn. Với vốn văn học sâu sắc, kiến thức lịch sử phong phú, cộng với niềm yêu thích tiểu thuyết kiếm hiệp mãnh liệt, ông đã có một cơ sở vững chắc cho thể loại tiểu thuyết võ hiệp tân phái.

Báo chí Trung Quốc thừa nhận ông không những đa tài, đa nghệ mà còn có học thức uyên bác tới mức Kim Dung cũng không sánh kịp. Kiến thức sâu rộng cùng tính cách kiên nghị, nhẫn nại dành trọn 30 năm cho văn học kiếm hiệp đã ảnh hưởng sâu đậm lên các tác phẩm của ông, khiến đông đảo độc giả yêu thích tiểu thuyết kiếm hiệp trên thế giới phải kính nể. Tự nhận định về vị trí của mình trong lịch sử tiểu thuyết kiếm hiệp, Lương Vũ Sinh nói: “Người mở đường là tôi, nhưng người phát huy ánh sáng là Kim Dung”.  

Đọc kiếm hiệp để hiểu lịch sử

Nhờ lợi thế học vấn, Lương Vũ Sinh đã phát huy sở trường những kiến thức đã tích lũy được, viết truyền kỳ lịch sử. Mỗi bộ tiểu thuyết đều có bối cảnh lịch sử rõ ràng, phần lớn đều lấy những sự kiện lịch sử quan trọng làm cái khung cho cốt truyện. Chẳng hạn như các tiểu thuyết thuộc bộ Thiên Sơn hệ liệt như Thất kiếm hạ thiên sơn, Vân hải ngọc cung duyên, Giang hồ tam nữ hiệp… viết về những biến động lịch sử từ đầu đến giữa đời Thanh.

Long hổ đấu kinh hoa và Thảo mãng long xà truyện lấy phong trào Nghĩa Hòa đoàn cuối đời Thanh làm bối cảnh và tuyến tự sự, phản ánh được sự lựa chọn khó khăn giữa việc phản Thanh, diệt Dương và phù Thanh, diệt Dương của các anh hùng thảo dã và nghĩa sĩ Hán tộc. Bạch phát ma nữ, Hoàn kiếm kỳ tình lục, Bình tung hiệp ảnh… lại viết trên bối cảnh lịch sử triều Minh. Các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết của ông như Võ Tắc Thiên, Từ Hy thái hậu, Càn Long, Ung Chính, Đường Huyền Tông… nhiều tới mức chiếm nửa bộ từ điển nhân vật lịch sử từ đời Đường đến đời Thanh.

Các nhân vật giang hồ và hào kiệt võ lâm được hư cấu thường trực tiếp tham dự những sự kiện lịch sử trọng đại trong tác phẩm. Phần lớn tác phẩm của Lương Vũ Sinh có sắc thái chính trị rõ ràng, mượn câu chuyện truyền kỳ để mô tả biến động, diện mạo lịch sử, phẩm bình nhân vật lịch sử, phân tích mâu thuẫn, nguyên nhân phát triển lịch sử, hình thành nên chủ đề riêng biệt mà các tiểu thuyết võ hiệp khác không hề có.

Tiểu thuyết của ông đã kết hợp được lịch sử với truyền kỳ, đem hai thứ vốn thuộc hai lĩnh vực khác nhau tạo nên một thế giới võ hiệp mới mẻ. Trong đó phương châm sáng tác của ông luôn chủ trương giữ hiệp làm chính, võ là phụ, võ chỉ là phương tiện, hiệp mới là mục đích. Thông qua thủ đoạn võ lực mà đạt tới mục đích hiệp nghĩa. Sự trân trọng tình yêu, tôn trọng phụ nữ, khám phá tâm linh cũng là một trong những đặc điểm chính xuyên suốt trong các tác phẩm của ông.

Lãng đãng trong cuộc đời

Phu nhân của Lương Vũ Sinh nhớ lại, trong thời gian chung sống, bà ghét nhất là đi du lịch cùng chồng bởi vốn tính mơ màng, hồn vía trên mây. Lương Vũ Sinh lúc thì quên vé xe, lúc quên hộ chiếu, luôn là lúc bắt đầu đi thì vui vẻ, hồ hởi, lúc đi về thì yếu xìu. Bạn bè thân hiểu tính ông cũng cho biết, nếu Lương Vũ Sinh mời ai đi ăn cơm, đừng cho đấy là thật.

Điều này không phải bởi lời mời của ông không chân thành, mà vì sở thích duy nhất của ông chỉ là sáng tác và đánh cờ. Khi ông đang đau đầu suy nghĩ chuyện sáng tác, dẫu bạn có đứng ngay trước mặt, giục ông đi ăn cơm, ông cũng không nhận ra và cứ ngơ ngẩn như không quen biết.

Cũng tự thừa nhận mình là “kẻ nhà quê”, Lương Vũ Sinh cũng không tài nào xóa bỏ được tính mơ màng, lãng đãng nhiều khi gây thất thố đó. Ngoài việc sáng tác kiếm hiệp, ông luôn ngẩn ngơ trước cuộc đời.

Các tác phẩm của Lương Vũ Sinh:

Long hổ đấu kinh hoa, Thảo mãng xà long truyện, Bạch phát ma nữ, Tái ngoại kỳ hiệp truyện, Thất kiếm hạ thiên sơn, Giang hồ tam nữ hiệp, Vân hải ngọc cung duyên, Bình tung hiệp ảnh, Đại đường du hiệp truyện, Vũ Đương nhất kiếm...

 
Nhà của nhà văn Lương Vũ Sinh ở Sydney - Ảnh: Sina.com.cn

Bắt đầu sáng tác: năm 1954

Đóng bút: năm 1984, theo con sang định cư tại Úc.

Hội viên hội nhà văn Trung Quốc.

Ngoài tiểu thuyết kiếm hiệp, ông còn viết tản văn, bình luận…

Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa như Thất kiếm (đạo diễn Từ Khắc)… và phim truyền hình rất ăn khách như Thất kiếm hạ thiên sơn, Bình tung hiệp ảnh, Bạch phát ma nữ, Thần châu hiệp lữ, Đại đường du hành truyện…, được đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, thậm chí cả Singapore dựng lại thành nhiều bản. Nhiều diễn viên nữ như Lâm Thanh Hà, Thái Thiếu Phân… nhờ tham gia các phim kiếm hiệp này đã nổi bật thành các ngôi sao sáng.

Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.