Vợ Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đi Đức: Vì sao được chọn trong 'âm thầm'?

21/03/2019 16:01 GMT+7

TP.HCM có quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức đi nước ngoài. Nhưng vì sao vợ ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, lại được chọn đi Đức sai quy định trong 'âm thầm', dẫn đến phát sinh tố cáo?

Về vụ việc "vợ giám đốc sở đi Đức" trái quy định liên quan đến Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, với toàn bộ chi phí chuyến đi từ ngân sách nhà nước, ngày 21.3, theo tìm hiểu của  PV Thanh Niên, sự việc bị phát hiện kể từ sau khi có đơn tố cáo của "nhóm hiệu trưởng TP.HCM" đề ngày 22.11.2018, được gửi đến UBND TP.HCM, Thanh tra TP.HCM, Giám đốc Sở GD-ĐT.
Nội dung đơn tố cáo vụ việc "vợ giám đốc sở đi Đức", phản ánh Sở GD-ĐT chọn các hiệu trưởng tham dự học lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý và nâng cao chất lượng trường công ở Đức không công khai, minh bạch; các hiệu trưởng không được thông báo về danh sách được tham dự học lớp bồi dưỡng này; danh sách các hiệu trưởng được tham dự lớp học ở Đức, là những người đã được chọn đi Úc vào tháng 6.2016 và đi Mỹ vào năm 2017. 
Đáng chú ý, nội dung đơn tố cáo cũng phản ánh danh sách các hiệu trưởng được tham dự học lớp bồi dưỡng ở Đức là danh sách "con cưng" của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT. Ngoài ra, đơn tố cáo còn đề nghị được biết tiêu chí chọn các hiệu trưởng được tham dự học lớp bồi dưỡng ở Đức; đề nghị tổ chức công khai các tiêu chí này trên mạng của Sở GD-ĐT để không gây bức xúc trong bộ phận các hiệu trưởng.
Báo cáo kết quả xử lý đơn tố cáo vụ việc "vợ giám đốc sở đi Đức", Thanh tra TP.HCM khẳng định nội dung đơn phản ánh Sở GD-ĐT cử thành viên tham dự lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý và nâng cao chất lượng trường công ở Đức năm 2018 không công khai, không minh bạch về tiêu chí lựa chọn, là có cơ sở. 
Lý giải về vụ việc "vợ giám đốc sở đi Đức" trái quy định liên quan đến Giám đốc Sở, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng do thời gian Sở Nội vụ yêu cầu Sở GD-ĐT lập danh sách tham dự quá ngắn nên chưa thực hiện công khai tiêu chí lựa chọn trên trang web của Sở GD-ĐT để các cán bộ quản lý được biết và góp ý.
Thanh tra TP.HCM cũng khẳng định việc Sở GD-ĐT cử thành viên tham dự lớp bồi dưỡng ở Đức năm 2018 "còn có sai sót". Bởi lẽ, tờ trình ngày 21.9.2018 của Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, đề xuất tiêu chí lựa chọn thành viên tham dự lớp bồi dưỡng ở Đức, đã bổ sung các tiêu chí "đứng đầu điểm thi đua xét theo từng khối", và "ưu tiên các đơn vị vùng sâu, vùng xa" để lựa chọn (tại tờ trình này có chữ ký phê duyệt của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn).
Tuy nhiên, các tiêu chí này sau đó không có trong điều kiện tham dự của kế hoạch thực hiện.
Qua toàn bộ diễn biến vụ việc, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở GD-ĐT tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân tham mưu và của lãnh đạo sở có liên quan đến việc cử thành viên tham dự lớp bồi dưỡng ở Đức năm 2018, tránh để xảy ra trường hợp tương tự.
Sau khi có kết quả kiểm điểm, Sở GD-ĐT báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM và Thanh tra TP.HCM.

Trong vụ "vợ giám đốc sở đi Đức", còn những ai được đi?

Có 23 người được tham dự lớp bồi dưỡng nước ngoài (Đức). Trong đó, Sở GD-ĐT có 3 người: Phó giám đốc Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng Đỗ Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ.
Ngoài ra, có 16 người là hiệu trưởng các trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, Lương Thế Vinh, Bình Khánh, An Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Trần Khai Nguyên, năng khiếu thể dục - thể thao Bình Chánh, Tân Túc, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, An Lạc, Nguyễn Thái Bình, Gia Định, Bà Điểm, Nguyễn Huệ, Thủ Đức, Củ Chi.
Có 4 người là Trưởng phòng GD-ĐT: Q.7, Q.8, Q.Tân Bình và H.Nhà Bè.
Theo Thanh tra TP.HCM, bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong (là vợ của Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn) và Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đỗ Minh Hoàng, là 2 trường hợp đi không đúng quy định trong đợt bồi dưỡng kỹ năng quản lý và nâng cao chất lượng trường công ở Đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.