Vợ chồng phó giáo sư trẻ và 3 cái chung

17/11/2015 09:13 GMT+7

(TNO) Trong số nhiều giáo sư và phó giáo sư (PGS) nhận quyết định và giấy chứng nhận của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vừa qua, có cặp vợ chồng PGS trẻ 3 chung.

(TNO) Trong số nhiều giáo sư và phó giáo sư (PGS) nhận quyết định và giấy chứng nhận của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vừa qua, có cặp vợ chồng PGS trẻ 3 chung.

Cô Phan Thị Phượng Trang (trái) trong buổi phong PGS vừa quaCô Phan Thị Phượng Trang (trái) trong buổi phong PGS vừa qua
Chung khoa, chung trường, chung "sư phụ"
Đó là tân PGS Phan Thị Phượng Trang (38 tuổi) và PGS Nguyễn Đức Hoàng (39 tuổi), đang cùng công tác tại Trung tâm Khoa học và công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Kể về mối lương duyên với chồng, và cũng là đồng nghiệp của mình, chị Trang cho biết: “Ngày đó mình và anh Hoàng cùng học ngành sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Anh Hoàng học trên mình một khóa. Đến khi làm luận văn tốt nghiệp cho đến luận văn thạc sĩ, tụi mình lại tiếp tục chung một "sư phụ" là GS-TS Trần Linh Thước (hiện là hiệu trưởng của trường). Cả hai đều rất thích làm nghiên cứu”.
Vì có nhiều cái chung như vậy, nên yêu nhau lúc nào không hay. Tốt nghiệp được 2 năm thì chị Trang và anh Hoàng làm đám cưới. Sinh con trai đầu lòng được mấy ngày thì anh Hoàng khăn gói lên đường sang Đức học tiến sĩ. Gần một năm sau, chị Trang cũng quyết định gửi con cho ông bà ngoại nuôi, để cùng chồng theo đuổi đam mê. Một điều thú vị nữa, là khi sang Đức, hai anh chị lại tiếp tục theo học chung một “sư phụ”, GS Wolfgang Schumann người Đức và cũng là GS danh dự của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã từng sang Việt Nam hỗ trợ giảng dạy 26 lần.
Vợ chồng phó giáo sư 2Đôi vợ chồng trẻ, đam mê nghiên cứu khoa học
Sau khi nhận bằng tiến sĩ, hai vợ chồng Trang - Hoàng làm nghiên cứu sau tiến sĩ về lĩnh vực hóa sinh tại Viện Max-Planck ở Dortmund (Đức), một viện trong hệ thống viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về các lĩnh vực khoa học. Cụ thể là nghiên cứu phát triển các quy trình về sàng lọc thuốc cho điều trị trong ung thư. Công việc tốt, điều kiện sống tốt, thế nhưng đến năm 2011, sau hơn 7 năm ở Đức, hai vợ chồng quyết định về Việt Nam, gầy dựng và phát triển Trung tâm Khoa học và công nghệ sinh học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
24 giờ bên nhau
Lý giải về việc trở về trong khi công việc ở Đức đang tốt đẹp, chị Trang chia sẻ: “Khi sang Đức, mình xác định là để học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm chứ không phải để hưởng thụ những thứ tốt đẹp của nước bạn. Mình quyết định gắn bó với ngôi trường ĐH nơi tụi mình đã cùng học tập, nuôi dưỡng đam mê và cũng là nơi có rất nhiều em sinh viên khoa sinh ham học hỏi và rất chuyên cần. Tụi mình đều đi lên từ nghèo khổ nên dù công việc ở nhà có nhiều khó khăn, tụi mình cũng không ngại, không trốn tránh. Và hơn nữa, ở Việt Nam còn có cha mẹ, người thân…”.
Vợ chồng phó giáo sư 3Anh Hoàng và chị Trang có 24 giờ bên nhau
Nhiều người đùa: là vợ chồng, lại là đồng nghiệp, làm chung phòng, tham gia chung nhiều đề tài, suốt ngày nhìn thấy nhau mà không chán hay sao? Chị Trang bảo ngược lại, 24 giờ bên nhau của những người có chung đam mê có giá trị nhiều lắm. Nhờ vậy mà vợ chồng chị đã hỗ trợ nhau rất nhiều trong công việc. Vợ bận chăm con thì công việc vẫn “chạy” mà không hề bị dừng lại. Khi bắt tay vào công trình nghiên cứu nào, thì anh luôn là người đưa ra chiến lược còn chị vạch ra chiến thuật, chi tiết hóa mọi thứ.
“Anh Hoàng là một người đàn ông khá đặc biệt, không bao giờ quan niệm là vợ thì phải thế này, phải thế kia. Ai một ngày cũng có 24 tiếng bình đẳng như nhau, nên cùng tôn trọng và chia sẻ công việc của nhau. Thấy mình có khả năng thì anh sẽ khuyến khích phát triển, chứ không cho rằng làm vợ thì học ít thôi, sự nghiệp vừa phải thôi như quan niệm của một số đàn ông khác”, chị Trang thổ lộ.
Ngay sau khi nhận quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS ở Hà Nội, chị Trang lại vội vàng bay về TP.HCM để kịp tiết dạy vào sáng hôm sau và tiếp tục công việc vận hành trung tâm nghiên cứu của mình. Hiện trung tâm đang thiết lập các mối quan hệ tốt với các nước như: Mỹ, Singapore, Anh, Hà Lan, Đức... để tìm các nguồn tài trợ cho sinh viên làm đề tài. Có những nghiên cứu đã được ứng dụng thành sản phẩm thương mại hóa trên thị trường thế giới, mang về nguồn thu nhất định để hỗ trợ cho sinh viên làm nghiên cứu. Anh chị ao ước có thể góp phần xây dựng nên một trung tâm nghiên cứu mạnh có thể giúp sinh viên làm đề tài và phát triển ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.