Vợ chồng bỏ phố về rừng xây ‘vườn địa đàng’

26/05/2022 17:05 GMT+7

Cặp vợ chồng cùng sinh năm 1995 quyết định bỏ phố về rừng, rời TP.HCM khăn gói đến Đăk Nông lập nghiệp tại một mảnh vườn khuất nẻo rồi đặt tên cho trang trại là 'vườn địa đàng'.

Nuôi mộng làm nông

Trước lúc cặp vợ chồng bỏ phố về rừng để xây dựng “vườn địa đàng” vào cuối năm 2018, anh Nguyễn Thành An (ngụ TP.HCM) là nhân viên môi giới bất động sản và chị Trần Thị Mỹ Thuận (quê ở Di Linh, Lâm Đồng) làm việc trong lĩnh vực digital marketing. Cộng với một số công việc tự do, tổng thu nhập cả hai vợ chồng là khoảng 30 triệu đồng/tháng, nhưng họ vẫn không bằng lòng với cảnh phải “chôn chân” trong văn phòng và cuộc sống nơi phố thị.

Thành An - Mỹ Thuận (đều là cựu sinh viên trường ĐH Tài chính - Marketing) quyết định từ bỏ việc văn phòng để về Đăk Nông lập nghiệp

NVCC

“Khi còn là sinh viên năm 3, những ngày mới yêu, Thuận đã tâm sự với tôi về giấc mơ có một trang trại nhiều hoa màu và gần gũi với thiên nhiên. Lúc đó, tôi cảm thấy bản thân đã tìm được một người đồng điệu tâm hồn”, anh An kể.

Trong khoảng thời gian còn làm việc tại TP.HCM, cả hai hợp tác với một người bạn bán hạt mắc ca. Thấy công việc “thuận buồm xuôi gió”, An và Thuận dự định xây dựng trang trại để tự chủ nguyên liệu và kiểm soát chất lượng.

Từ đây, giấc mơ “bỏ phố về rừng” của cặp đôi này lại mãnh liệt hơn nhưng cũng vì vậy mà gia đình nhiều lần ngăn cản. Vốn là dân gốc TP.HCM, chưa từng làm công việc chân tay, An đã bị bố mẹ từ chối thẳng thừng ngay khi mới nói về ước muốn bỏ phố về rừng.

Về phần Thuận, giai đoạn đầu, cô còn không dám tiết lộ cho nhà biết. Là gia đình thuần nông nên hơn ai hết, bố mẹ cô hiểu được cái nhọc nhằn của đời “bám đất, bám ruộng”.

Ngôi nhà gỗ cách trung tâm xã Quảng Sơn 10 km, nơi đôi vợ chồng phải dùng đến máy thủy điện mini và sử dụng nguồn nước từ suối

NVCC

Sau hàng tháng trời trình bày kế hoạch cũng như cố gắng chứng minh bằng việc kinh doanh mắc ca “cháy hàng”, bố mẹ hai bên dần chấp nhận, thậm chí mẹ An còn góp vốn mua đất vào năm 2018. Đó cũng là cái duyên mang họ đến với mảnh đất 10 hecta tại xã Quảng Sơn, H.Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, nơi có ngôi nhà gỗ nằm cạnh hồ nước. Sau khi nhìn hình trên mạng và trực tiếp đến xem, cảm thấy như “đất chọn người”, An và Thuận đã quyết định đặt cọc và mua đất, rồi lên kế hoạch cải tạo.

Đầy những vấp ngã

Nơi họ sống không có điện, nước, khó kết nối Internet. Côn trùng lại đầy rẫy, dễ đụng phải tổ ong, rắn thỉnh thoảng bò vào nhà. “Ngày đầu dọn đến, bọn tôi còn trải chiếu nằm đất và chỉ đắp chiếc chăn mỏng. Đó là đêm lạnh người đáng nhớ nhất đời”, An kể.

Thuở mới khởi nghiệp, tự nhận mình “lớ ngớ”, An và Thuận phải nỗ lực học hỏi từ bạn bè, hàng xóm, kết hợp với việc đọc sách. Sau khi mua miếng đất 10 hecta, 100 triệu đồng còn dư trong túi cũng cạn kiệt vì đã đổ hết vào việc trồng và chăm sóc gần 2 hecta mắc ca nên họ phải vay 10 triệu đồng vừa để sống cầm chừng, vừa để có tiền về quê ăn tết. “Lúc đó, ý tưởng, thời gian thì nhiều nhưng vốn thì không có. Chúng tôi muốn trồng cây này cây kia thì tốn tiền giống, tiền phân bón. May sao vườn có cà phê nên vợ chồng tận dụng để bán, nhờ vậy mới có chút tiền trang trải”, An nhớ lại.

Thành An - Mỹ Thuận dành 4-5 giờ/ngày làm vườn, thời gian còn lại để quan sát vườn, trồng hoa hoặc chỉ đơn giản là ngồi uống trà

NVCC

Bên cạnh đó, cả hai cũng không tránh khỏi những vụ mùa thất bại. Có lần tìm hiểu về năng suất trên 1 hecta đậu đỗ, An và Thuận liền bắt tay vào trồng theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” với số tiền ít ỏi vay mượn từ người thân và bạn bè. Tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm, cả hai để cỏ mọc tràn lan, lấn cả đậu. An chia sẻ: “Tôi không sao quên được những lúc cắm cúi nhổ cỏ dưới cái nắng chói chang. Tới đợt thu hoạch, vì không biết cách nên thu cũng chẳng được bao nhiêu. Không làm thì càng bế tắc nên chúng tôi vẫn phải cố gắng để được vài kg đậu đem về ăn”.

Xung quanh họ khi đó cũng có nhiều lời đàm tiếu. Người nói họ do có bố mẹ đầu tư nên làm dăm bữa cũng chóng về lại thành phố, người thậm chí còn bảo mục đích họ về rừng là để đầu cơ buôn đất. Tuy vậy, sau tất cả khó khăn, An và Thuận vẫn khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi chưa từng nghĩ sẽ rời bỏ nơi đây”.

‘Quả ngọt’ sau 3 năm vun trồng

Rút kinh nghiệm từ việc trồng độc canh, đôi vợ chồng chuyển sang hướng trồng đa tầng tán theo kiểu sinh thái vườn rừng. Cả hai quan niệm: “Làm nông thuận tự nhiên gặp nhiều khó khăn lắm. Vì thế trước khi làm, mình phải yêu khu rừng, không đặt kỳ vọng năng suất vào khu rừng. Rừng vốn dĩ sẽ luôn biết tự cân bằng chính môi trường sống của nó”.

Giờ đây, ngoài 1 hecta cà phê, 100 cây mít ta hơn 10 năm tuổi có từ trước, “cơ ngơi” của An và Thuận còn có 1.000 gốc chuối, 2 hecta mắc ca và bơ, sầu riêng cùng cây ăn trái sum sê, thêm vào đó là nhiều cây rừng được cả hai trồng xen liên tục.

Đôi vợ chồng đóng gói sản phẩm bằng lá chuối để giảm thiểu rác thải nhựa

NVCC

Còn lại, 1 hecta đất trồng thảo mộc và rau xanh được họ tận dụng để làm ra các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, bao gồm: xà bông cà phê, dầu trái bơ, dầu hạt mắc ca, trong đó sản phẩm chủ lực là dầu gội bồ kết cà phê. An bộc bạch: “Thời gian đầu, chỉ với 14 triệu đồng, bọn tôi phải tự xoay xở từ nguyên liệu, chai lọ, nhãn mác đến thùng hộp gói hàng nên rất áp lực. May sao việc buôn bán cũng đủ lo cho cơm ăn áo mặc”.

Sắp tới, An và Thuận sẽ tập trung chỉnh trang nhà cửa, cải thiện cơ sở hạ tầng ở trang trại

nvcc

Là khách hàng của đôi vợ chồng, chị Lê Thị Trang (32 tuổi, sống tại TP.HCM) cho biết: “So với hàng công nghiệp, sản phẩm thuần thiên nhiên của cả hai phát huy tác dụng chậm hơn nhưng về lâu lại rất hiệu quả”. Tương tự, chị Trần Uyên Như (33 tuổi, sống tại bang Florida, Mỹ) chia sẻ: “Mùi của dầu gội bồ kết cà phê rất dễ chịu và vẫn thơm dù để lâu trong tủ lạnh. Nước nấu từ thảo dược nên dĩ nhiên sạch, an toàn cho tóc”.

Giờ đây, công việc tương đối ổn định, cuộc sống vừa đủ, ngôi nhà của cặp vợ chồng “bỏ phố về rừng” lại vừa có thêm thành viên mới là một bé trai hơn 3 tháng tuổi và họ tin rằng đó đã là bình yên trọn vẹn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.